Nghĩ đến việc các con đang cần cha chăm sóc, bác sĩ Takashi Funato đã nhanh chóng lấy lại tinh thần. Ảnh: BHX. |
Ngày được báo tin, tôi đã rơm rớm nước mắt. Dường như cảm nhận được cái chết khiến cơ thể tôi run rẩy. Tôi đờ đẫn khi nhận ra điều đó, như thể mình không còn hai chân và đang trôi bồng bềnh trong không trung.
Làm bác sĩ từ năm 24 tuổi, trong suốt 10 năm, tôi đã phẫu thuật cho không biết bao nhiêu bệnh nhân ung thư. Từ khi mở phòng khám năm 35 tuổi, 13 năm trôi qua, tôi đã khám cho rất nhiều người mắc ung thư. Biết bao lần tôi động viên: “Không sao, không sao đâu” để bệnh nhân bình tĩnh.
Tuy vậy, thử đứng ở vị trí người bệnh, quả là tôi không thể nghĩ mọi chuyện bình thường được. Khi bạn mắc ung thư, chẳng có gì đảm bảo sẽ cứu được bạn, cho dù bệnh ở giai đoạn 1 thì điều không thể vẫn là không thể...
Quả thực, mắc ung thư sẽ là dấu chấm hết... Trong đầu tôi đã có những suy nghĩ như thế. Thật là vô trách nhiệm. Sao trước kia tôi có thể động viên bệnh nhân như vậy được chứ?
Bác sĩ đương nhiên phải có hiểu biết về bệnh ung thư. Hơn nữa, tôi là bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa, đã từng khám cho nhiều bệnh nhân. Nhưng chính kiến thức và kinh nghiệm có được ấy càng khiến tôi sợ hãi hơn.
Bây giờ nhớ lại, lúc đó Kami đã cảm thấy sao? Kami cũng là bác sĩ, cô ấy biết ung thư là căn bệnh như thế nào. Chính vì có kiến thức, cô ấy càng hiểu rõ, thậm chí là quá rõ rằng có khả năng tôi sẽ chết. Trong đêm nhận được tin sốc, tôi nằm khóc, còn cô ấy có lẽ cũng ngồi run rẩy trong một góc phòng tối nào đó.
Nếu tôi chết... Các con tôi vẫn đang đi học, nợ nần còn nhiều, những cơ sở tôi xây dựng, nhất là phòng khám, đang có hơn 150 nhân viên... Làm sao bây giờ... Nhưng Kami cũng là bác sĩ, cô ấy sẽ tìm cách giúp tôi... Tôi đã nghĩ như vậy.
Mặt khác, tôi lại nghĩ thế này: "Có khi chết lại nhẹ nhàng. Nếu chết đi, mình sẽ được giải thoát khỏi tất cả phiền muộn. Nghĩa vụ, trách nhiệm, hứa hẹn gì cũng không cần gánh vác nữa. Nhưng mà... 50 tuổi đã chết thì mình thật có lỗi với các con...".
Ý nghĩ của tôi cứ bay từ chỗ này sang chỗ kia, rồi tôi đi đến một suy nghĩ. Từ trước đến nay, tôi là bác sĩ, đã phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân ung thư, đã dùng cả thuốc chống ung thư. Kết quả là tôi nhận ra “dao mổ không chữa được ung thư”. Tôi đã vứt dao đi, tìm rất nhiều phương pháp trị liệu bổ sung và thay thế như sử dụng vitamin C nồng độ cao, nhiệt trị... Ra vậy, đây có thể là điều mà ông trời đang nói với tôi: “Hãy thử dùng các phương pháp trị liệu với cơ thể mình đi!”.
Cuốn sách Trân trọng cơ thể - Chìa khóa tránh xa ung thư của tác giả Takashi Funato. Ảnh: H.H. |
Cuối cùng, tôi cũng chấp nhận căn bệnh mang tên ung thư. Sau đó, tôi bắt đầu trăn trở về phương pháp chữa bệnh. Tôi rất phân vân giữa việc chữa bệnh theo phương pháp Tây y và chữa theo y học bổ sung thay thế.
Và, tôi đi đến một suy nghĩ nữa. "Mình không thể đánh giá một cách bình tĩnh vì đây là chuyện của mình. Nếu vậy thì nhìn bản thân một cách khách quan, coi mình là bệnh nhân xem sao?".
Tên: Takashi Funato
Giới tính: Nam
Tuổi: 48
Nghề nghiệp: Bác sĩ
Tên bệnh: Ung thư thận trái
Nếu một người như vậy xuất hiện trước mặt tôi thì tôi sẽ phải nói chuyện. Chắc chắn tôi sẽ nói: “Anh Funato là bác sĩ phải không ạ? Vậy thì tôi sẽ nói nhanh thôi. Anh chưa từng bị ung thư đúng không? Đầu tiên là phải phẫu thuật lấy khối u ra. Lấy ra được là ổn, nhỉ?”, sau đó là: “Sau khi phẫu thuật, anh Funato hãy tự cố gắng dùng y học bổ sung thay thế để ngăn ung thư tái phát nhé!”
Nghĩ đến đây, bỗng tôi nhớ ra một niềm tin mà tôi đã có: "Mọi thứ xảy đến với mình đều do mình gây ra. Chắc chắn nó sẽ lại tìm đến mình". Tôi tự hỏi: "Anh đã phẫu thuật cho bao nhiêu bệnh nhân rồi. Lần này tới lượt anh đấy, anh định trốn à?"
Tới đây, tôi dần xác định tư tưởng. Có khi, tôi bị ung thư để trải nghiệm việc phẫu thuật. Đây chẳng phải cơ hội để tôi thấu hiểu hết những nỗi đau, khổ cực, lo lắng, hoảng sợ của bệnh nhân sao?
“Vậy thì ta phải phẫu thuật thôi.”