Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VFF 'xé luật' để hạn chế cầu thủ nhập tịch?

Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp BCH VFF hôm 28/10 là việc hạn chế ngoại binh và cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt Nam kể từ mùa giải 2015.

Cắt giảm mạnh ngoại binh trên sân cỏ nội

Bắt đầu từ mùa giải 2015, số lượng cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch sẽ giảm mạnh cả ở V.League và giải hạng Nhất, sau các quyết định vừa được VFF thông qua.

Mục đích của việc làm này chính là tăng cơ hội ra sân với những cầu thủ trẻ. Song việc hạn chế cầu thủ ngoại có quốc tịch Việt Nam có vi phạm Luật Quốc tịch, Luật LĐ và Luật Thể dục Thể thao?

B.Bình Dương chỉ còn duy nhất Huỳnh Kesley là cầu thủ nhập tịch.
B.Bình Dương chỉ còn duy nhất Huỳnh Kesley là cầu thủ nhập tịch.

    Cầu thủ nhập tịch, chuyện cũ xới lại

    Không phải lần đầu tiên, chuyện các đội bóng sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch được nhắc đến. Ngay từ mùa giải 2009, tại đại hội VFF, ông Nguyễn Danh Thái (lúc đó là Thứ trưởng Bộ VHTTDL) đã nêu ý kiến cần phải hạn chế cầu thủ nhập tịch chơi ở V.League, cấm cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch ở giải hạng Nhất.

    Ngay sau đó, VFF đã ra nghị quyết số 422/BB-LĐBĐVN ngày 18/11/2009 quy định: Mỗi câu lạc bộ chỉ được sử dụng một cầu thủ nước ngoài đã nhập quốc tịch thi đấu trên sân.

    Lập tức, đây trở thành đề tài tranh cãi. Thời điểm đó, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho rằng VFF “không nên tự đưa ra quyết định như thể phân biệt họ là công dân hạng hai, ba... trong xã hội”.

    Nghị quyết này cũng cũng bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”: Quy định của VFF chưa phù hợp với quy định tại các Điều 49, 50, 52 và 55 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoản 2 Điều 5 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Điều 5 của Bộ Luật Lao động và Điều 45 của Luật Thể dục Thể thao.

    Còn các luật sư tham vấn: Trong luật quốc tịch và trong tất cả văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam không có khái niệm công dân nhập quốc tịch. Mọi công dân đã nhập quốc tịch thì được đối xử như một công dân Việt Nam và được quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình là công dân Việt Nam. Vì thế, việc VFF hạn chế cầu thủ là công dân Việt Nam ra sân là vi phạm pháp luật. Điều 52 Hiến pháp quy định: “Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật”. Luật Lao động ghi: “Mọi công dân đều có quyền được lao động, quyền tự do lựa chọn lao động,... Cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, dù người đó thuộc màu da, dân tộc hay tôn giáo nào,...” trong khi đó Luật Dân sự thì: “Mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau”. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nghị quyết của VFF vi phạm chính điều lệ VFF về việc cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như vi phạm quy chế thành viên của FIFA.

    Cấm hay không cấm?

    Một thời gian dài, sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, chuyện cầu thủ nhập tịch gần như không được nhắc đến, trừ vài trường hợp ông HLV Calisto thử nghiệm như Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng Max, Phan Văn Santos - là những cầu thủ nhập tịch - vào ĐTQG.

    Song, đến giờ, vì nhiều lý do tế nhị, những cầu thủ đã trở thành công dân Việt Nam dù chứng minh được tài năng cũng không có cơ hội vào đội tuyển.Giờ, VFF quyết định kể từ mùa giải 2015, mỗi CLB V.League chỉ được đăng ký 1 cầu thủ nhập tịch. Lần này VFF, VPF có “vi hiến” và vi phạm những quy định của các bộ luật như 5 năm trước?

    Theo giải thích của VFF, VPF, thì việc hạn chế cầu thủ nhập tịch đã dựa trên thỏa thuận giữa Ban bóng đá chuyên nghiệp và các CLB trước khi đưa ra BCH biểu quyết. Ông Cao Văn Chóng - Phó Tổng GĐ Cty CP CLB Bóng đá Bình Dương cho rằng: “Đưa vấn đề này ra thời điểm này theo tôi là hơi muộn khi mà chuyện cầu thủ nhập tịch đã bị siết chặt và các CLB không còn quá trông vào lực lượng này. Nếu VFF, VPF áp đặt điều khoản này thì có khả năng sẽ lại bị “tuýt còi”, nhưng tôi nghĩ đây là thỏa thuận của các CLB thì không có vấn đề gì, bởi nó căn cứ vào thực tế nhu cầu của các CLB, chứ không phải chuyện phân biệt với cầu thủ ngoại nhập tịch. Tôi biết là không phải 100% CLB đồng ý, nhưng vì số đông tán thành, nên cũng thuận theo. Một vấn đề khác cần hiểu rõ là đối với các cầu thủ Việt kiều như Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân… phải quy định rõ là cầu thủ nội để tránh vi phạm các quy định”.

    Hạn chế cầu thủ ngoại vì “lợi ích” của U19?

    Ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng rất phản đối chuyện hạn chế cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch (bản thân HAGL của bầu Đức từng có những cầu thủ nhập tịch gốc Thái Lan như Đoàn Văn Sakda, Đoàn Văn Nirut...). Nhưng giờ đây, có vẻ như ông Đức lại đang ủng hộ việc hạn chế cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch để “rộng đường” cho cầu thủ trẻ.

    Không ít người cho rằng, việc này liên quan tới chuyện bầu Đức quyết định tung lứa U19 vào đấu trường V.League. Khi hạn chế cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch thì khoảng cách giữa HAGL và các đội cũng sẽ bị thu hẹp. Chuẩn bị cho V.League 2015, bầu Đức chỉ đồng ý để HAGL tăng cầu thủ ngoại tuyến dưới, còn vị trí tiền đạo phải thuộc về những cầu thủ của học viện” như Công Phượng, Văn Toàn…

    Ông bầu này còn tâm sự với báo giới: “Cho một tiền đạo ngoại vào, chiếm hết suất của nội binh, thì làm sao chúng ta đào tạo được những chân sút tốt cho tương lai. Hiện nhiều đội ở V.League vì chạy theo thành tích, ngại khó, nên toàn sử dụng ngoại binh. Đó là điều bất cập, vì nó khiến chúng ta ngày càng thiếu đi những chân sút tốt…”.

    Việc hạn chế cầu thủ ngoại đang khiến BTC giải V.League đứng trước ngã ba đường. Một là, họ làm việc ấy để tăng cơ hội ra sân cho những cầu thủ trẻ. Mặt khác, khi thiếu những ngoại binh giỏi, V.League sẽ kém chất lượng hơn. Nhưng với thành công của U19, VPF, VFF đã biết mình phải chọn con đường nào để phát triển - đó là đào tạo trẻ, chứ không phải xây nhà từ nóc.

    http://laodong.com.vn/the-thao/vff-xe-luat-de-han-che-cau-thu-nhap-tich-262473.bld

    Theo Đắc Lâm/Lao động

    Bạn có thể quan tâm