Mới đây, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã ra quyết định xử phạt tổng cộng 39.500 USD (tương đương 920 triệu đồng) do VFF không đảm bảo công tác an toàn, an ninh tại vòng loại U23 châu Á 2020 bảng K vừa qua.
Cụ thể, tại trận U23 Việt Nam 1-0 U23 Indonesia, một quả pháo sáng xuất hiện khiến VFF bị phạt 13.750 USD. Tới trận gặp U23 Thái Lan, 3 quả pháo sáng được đốt lên và một số thành phần quá khích còn ném cả chai lọ xuống sân khiến Ban tổ chức phải nộp phạt 25.750 USD.
Đây là lần thứ tư VFF chịu hình phạt từ AFC do các vấn đề liên quan công tác an ninh và tổ chức bóng đá lớn nhất châu Á đưa ra lời cảnh báo nếu còn để tình trạng này tái diễn, sẽ còn những hình phạt nặng hơn được đưa ra.
Khán giả đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình |
Hồi tháng 10/2018 VFF bị phạt 12.500 USD (tương đương gần 300 triệu đồng) vì CĐV đội nhà đốt pháo sáng trong trận bán kết ASIAD 2018 gặp Olympic Hàn Quốc. Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã phải lên tiếng kêu gọi người hâm mộ không đốt pháo sáng trên khán đài.
Theo ông Hoài Anh, có rất nhiều hình thức cổ vũ sôi động nhưng vẫn giữ được văn minh cũng như không vi phạm các quy định của AFC. "Việc dùng đèn flash điện thoại cũng rất đẹp, rất ấn tượng", ông nói.
Về các hình phạt liên quan tới CĐV đốt pháo sáng, ông Hoài Anh cho biết bất kỳ hành động nào vi phạm quy định từ CĐV cũng khiến VFF đứng trước nguy cơ chịu thiệt về tài chính. "Các hình phạt sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân ở những lần tái phạm. Việc vi phạm nhiều hay ít cũng khiến VFF phải nộp phạt nhiều hơn", ông nói.
"Người hâm mộ đồng hành cùng đội tuyển, đặc biệt khi ở nước ngoài là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, tôi muốn nhắn nhủ rằng chúng ta hãy làm sao để không vi phạm quy định, tránh thiệt hại về vật chất cho bóng đá Việt Nam", Tổng thư ký VFF nhắn nhủ.
Theo quy định tại điều 65.1 của Bộ luật kỷ luật và đạo đức của AFC, cơ quan này đã quyết định xử phạt VFF 12.500 USD. Ngoài BTC địa phương phải chịu trách nhiệm do không đảm bảo an toàn, an ninh, đội bóng được nhóm CĐV đó ủng hộ cũng phải chịu phạt.