Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 21/6 tuyên bố sẽ xem xét đề xuất đưa Venice vào danh sách nguy cấp nếu chính quyền thành phố không ban hành lệnh cấm cập cảng vĩnh viễn đối với các du thuyền cỡ lớn, Guardian dẫn nguồn tin địa phương Ansa hôm 22/6.
“Một giải pháp lâu dài là cần thiết", đại diện UNESCO cho biết. "Giải pháp này sẽ ngăn chặn các tàu du lịch tiếp cận vùng nước của Venice, chuyển hướng chúng đến các cảng phù hợp hơn trong khu vực", đại diện UNESCO nói.
UNESCO nói rằng hoạt động của các con tàu ảnh hưởng tới sự tồn vong của Venice.
Hoạt động của các tàu du lịch ảnh hưởng tới sự tồn vong của Venice. Ảnh: |
Tổ chức cho biết sẽ thảo luận về vấn đề trên tại phiên họp toàn thể từ ngày 16/7 đến ngày 31/7. Nếu được chấp thuận, cơ quan này có thể yêu cầu hành động khẩn cấp từ chính phủ Italy vào tháng 2/2022.
Vào đầu tháng 6, một du thuyền 90.000 tấn bất ngờ tiến vào Venice, lần đầu tiên từ khi đại dịch bùng phát. Sự xuất hiện của con tàu đã gây lên phản ứng trái chiều trong dư luận.
Trước đó, cũng theo khuyến nghị của UNESCO, Italy đã quyết định chuyển hướng các du thuyền lớn tới thành phố này, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và xói mòn nền móng thành phố. Quyết định không cho phép các du thuyền cỡ lớn tiến vào kênh Giudecca dẫn đến khu trung tâm lịch sử của Venice.
Trong thời kỳ Venice thực hiện các hạn chế do Covid-19, sự vắng mặt của các du thuyền được cho là đã góp phần cải thiện chất lượng nước trong các kênh rạch của thành phố.
Theo kế hoạch, các con tàu thay vì cập bến Venice sẽ hướng đến cảng Marghera để thay thế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi bị trì hoãn vì quá trình cải tạo, nạo vét luồng giao thông chưa được thực hiện.
Lệnh cấm trên của chính phủ Italy được đưa ra sau khi tàu du lịch cỡ lớn MSC Opera mất lái và đâm vào một cầu cảng ở thành phố Venice. Vụ việc khiến 5 người bị thương và một tàu nhỏ bị hư hại.
Trước đây, một bộ phận người dân Venice phản đối các du thuyền lớn đi vào thành phố, cho rằng chúng lạc lõng với vẻ cổ kính và khiến Venice bị quá tải. Ngoài vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, nhiều chuyên gia còn lo ngại sóng lớn từ các tàu có nguy cơ làm tổn hại đến kiến trúc độc đáo của Venice.
“Việc đưa Venice vào danh sách nguy cấp của Liên Hợp Quốc là một vấn đề nghiêm trọng đối với đất nước", Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini khẳng định.
"Thời gian không còn nhiều", ông Franceschini nói. "Chúng ta phải ngăn chặn các tàu lớn qua lại trong kênh đào Giudecca ngay lập tức”, vị bộ trưởng khẳng định.
Năm 2020, theo Statista, lượng khách du lịch đến Venice chỉ đạt hơn 1,34 triệu lượt, giảm mạnh so với năm 2019 (5,52 triệu lượt du khách) do tác động của đại dịch Covid-19.
Dù vậy, trong năm đó, Venice vẫn là cảng du lịch đông đúc thứ 7 của châu Âu và thứ 22 trên thế giới, theo Avoid Crowds.