"Chính phủ Italy đã lừa dối không chỉ người dân Venice, mà họ còn lừa dối báo chí và dư luận trên toàn thế giới", Tommaso Cacciari, lãnh đạo nhóm biểu tình chống các tàu du lịch cỡ lớn vào thành phố nói với Guardian.
Ông Cacciari, cũng như nhiều người dân Venice khác, cảm thấy bị "lừa dối" khi tàu du lịch MSC Ochestra, nặng 92.000 tấn, đã đi vào và neo đậu trong thành phố thông qua kênh Giudecca.
Việc này diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính phủ Italy thông qua lệnh cấm tàu du lịch cỡ lớn đi vào và neo đậu tại khu trung tâm lịch sử của thành phố Venice, vì rủi ro đến môi trường và an toàn.
Tàu du lịch MSC Ochestra cập cảng Venice. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi biểu tình nhằm buộc chính phủ giải thích. Cả thế giới đã đưa tin (về lệnh cấm), và giờ đây tàu cỡ lớn lại trở lại thành phố. Thật là nhục nhã!", ông Cacciari nói.
Tuy nhiên, không phải mọi người dân Venice phản đối việc tàu MSC Ochestra cập cảng. Hàng trăm nhân viên cảng và chính quyền địa phương cũng đến để chào mừng tàu này, khi nó tạo ra hàng trăm việc làm.
Theo Ủy ban Việc làm Venice, có đến 1.700 công nhân làm việc trực tiếp với các du thuyền cỡ lớn, và 4.000 người có công việc phụ thuộc vào các du thuyền trên. Lệnh cấm tàu cỡ lớn, cũng như đại dịch Covid-19, đã khiến cuộc sống của nhiều công nhân trở nên khó khăn.
Các con tàu vốn sẽ được chuyển đến cảng Marghera để thay thế theo kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chưa thể thực hiện vì các cải tạo cần thiết, như nạo vét luồng giao thông, chưa được thực hiện.
Lệnh cấm của chính phủ Italy được đưa ra sau khi một tàu du lịch cỡ lớn mang tên MSC Opera mất lái và đâm vào một cầu cảng ở thành phố Venice và một tàu nhỏ, khiến cho 5 người bị thương.
Người dân Venice vốn phản đối các tàu cỡ lớn đi vào thành phố, cho rằng chúng lạc lõng với vẻ cổ kính của thành phố và khiến Venice quá tải khách du lịch. Nhiều chuyên gia còn lo ngại, tàu cỡ lớn đi vào kênh đào đe dọa gây ô nhiễm thành phố. Sóng lớn từ các tàu còn có nguy cơ làm hư hại kiến trúc độc đáo tại Venice.