Phát biểu trước những người ủng hộ tại thủ đô Caracas hôm 13/5, ông Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng nhưng nhiều khả năng kéo dài sang năm 2017, theo BBC.
Ông Maduro không nói rõ liệu các quyền hiến định có bị hạn chế hay không nhưng trấn an người dân rằng biện pháp này sẽ giúp bảo vệ họ tốt hơn. Theo ông đây là động thái cần thiết để chống các “thế lực bên ngoài” đã gây nên tình trạng tồi tệ của Venezuela.
Người ủng hộ phe đối lập tổ chức biểu tình gây áp lực lên Hội đồng bầu cử thông qua cuộc trưng cầu ý dân. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Venezuela Luis Jose Marcano cho rằng, tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để phân phối thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men. Ông Marcano cho biết, nó sẽ tạo ra các cơ chế để lực lượng an ninh có thể bảo đảm trật tự công cộng.
Ngoài dọa tịch biên các nhà máy đã ngưng sản xuất, ban bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Maduro cũng cho biết sẽ tổ chức tập trận quân sự vào tuần này để chống lại “các mối đe dọa bên ngoài”.
Trong khi đó, những người biểu tình phản đối tổng thống cũng tập trung tại Caracas để hối thúc một cuộc bỏ phiếu, buộc ông Maduro từ chức.
Lún sâu vào khủng hoảng
Nền kinh tế Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụt giảm giá dầu toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm 5,7% trong năm ngoái và tỷ lệ lạm phát lên tới 180%.
Tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các mặt hàng cơ bản tại quốc gia Nam Mỹ hiện ở mức nghiêm trọng. Maduro đổ lỗi cho các nhà quản lý kinh doanh nước này và Mỹ đã thực hiện “chiến tranh kinh tế” chống chính phủ của ông.
Một người biểu tình giơ hình ảnh chiếc tủ lạnh trống rỗng nhằm phản đối tình trạng thiếu lương thực ở Venezuela. Ảnh: AP
|
Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ 3 năm trước càng trầm trọng hơn trong năm nay, tới mức làm thay đổi lớn cuộc sống hàng ngày của người dân Venezuela.
Giờ đây, người dân phải xếp hàng vài giờ mỗi tuần để mua hàng hóa cơ bản, trong khi phải tìm cách đối phó với tình trạng thiếu năng lượng và điện mỗi ngày.
"Bom nổ chậm"
Phe đối lập đã thu thập và đệ trình đơn kiến nghị với 1,8 triệu chữ ký ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) vẫn chưa xác thực số chữ ký này. Quá trình xác thực lẽ ra chỉ mất 5 ngày nhưng 12 ngày đã trôi qua mà vẫn chưa có kết quả nào.
Các nhà hoạt động đối lập cho biết, chính quyền không cho họ bước sang giai đoạn kế tiếp, theo đó phải có thêm 4 triệu chữ ký được thu thập.
Phát biểu trước đám đông ủng hộ hôm 14/5, thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles tuyên bố: “Chúng ta muốn một đất nước không phải xếp hàng mới có thuốc chữa bệnh. Chúng ta muốn thay đổi”.
Ông Capriles mô tả Venezuela hiện như “quả bom hẹn giờ có thể nổ bất cứ lúc nào”.
Theo Hiến pháp Venezuela, nếu một cuộc trưng cầu được tổ chức trước thời điểm cuối năm, việc bỏ phiếu tín nhiệm ông Maduro sẽ kéo theo cuộc bầu cử mới.
Một người biểu tình thuộc phe đối lập Marisol Dos Santos cho rằng, xã hội sẽ “bùng nổ” nếu ông Maduro ngăn cuộc trưng cầu ý dân.