“Từ ngày mai, trong vòng ít nhất 2 tuần, chúng ta sẽ có thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu là ngày không làm việc đối với khu vực nhà nước”, Reuters dẫn lời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu ngày 26/4.
Aristobulo Isturiz, phó chủ tịch quốc hội Venezuela thông báo, công chức nhà nước chỉ nên làm việc vào thứ hai và thứ ba cho tới khi cuộc khủng hoảng năng lượng kết thúc.
Trước đó, Tổng thống Maduro cho phép khoảng 2,8 triệu công chức nước này nghỉ làm thứ sáu trong tháng 4 và 5 để giảm lượng điện tiêu thụ.
30 triệu người bị ảnh hưởng
Theo Tổng thống Maduro, thời tiết của Venezuela, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino, sẽ trở lại bình thường khi trời bắt đầu mưa.
"Chúng tôi đang yêu cầu các tổ chức quốc tế hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật để khắc phục tình hình. Chúng tôi đang giải quyết tình huống theo cách tốt nhất có thể trong khi chờ đợi những cơn mưa quay trở lại", ông Maduro nói.
Nhiều cửa hàng ở Venezuela hoạt động mà không có điện do kế hoạch cắt điện của chính phủ. Ảnh: Reuters |
Theo tổng thống Venezuela, một số nước trong khu vực đang hứng chịu hạn hán do hiện tượng El Nino nhưng Venezuela là quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất.
Hạn hán khiến mực nước tại Guri, đập thủy điện chính của Venezuela, giảm xuống sát mức nguy hiểm. Đây là con đập đáp ứng khoảng hai phần ba nhu cầu năng lượng của quốc gia Nam Mỹ.
Tình trạng thiếu điện và thiếu nước càng khiến đời sống của 30 triệu người dân Venezuela thêm khó khăn. Người dân nước này vốn phải vật lộn với suy thoái kinh tế, lạm phát, tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa thiết yếu từ sữa bột trẻ em tới thuốc men, và việc xếp hàng dài chờ đến lượt mua hàng là hình ảnh thường thấy ở các siêu thị.
Chính phủ Venezuela từng thông qua một số biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Hồi tháng 2, Venezuela yêu cầu các trung tâm mua sắm rút ngắn thời gian hoạt động và tự sản xuất năng lượng.
Đầu tuần này, chính phủ lùi múi giờ xuống 30 phút để kéo dài các hoạt động khi trời còn sáng và giảm nhu cầu tiêu thụ điện vào buổi tối. Tuần trước, nước này tuyên bố cắt điện 4 giờ/ngày.
Chỉ trích
Nhiều doanh nhân và chính trị gia đối lập cho rằng, khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản ở Venezuela là do sự quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ, theo BBC.
Người dân thủ đô
Caracas của Venezuela phải dùng nến thắp sáng. Ảnh: Bloomberg |
Phe đối lập cho rằng, biện pháp cắt ngày làm việc của nhân viên nhà nước mà tổng thống và phó chủ tịch quốc hội công bố trên truyền hình quốc gia đã ảnh hưởng đến 2 triệu người lao động khu vực công.
Họ cho rằng, cho phép công chức nghỉ việc để tiết kiệm điện không những làm giảm năng suất mà thậm chí còn không tiết kiệm được điện vì những người nghỉ việc chỉ ở nhà và dùng các thiết bị điện khác.
Một số người chỉ trích khác nói, biện pháp kiểm soát chặt chẽ tiền tệ mà cố tổng thống Hugo Chavez đưa ra trong năm 2003 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. Bên cạnh đó, kinh tế Venezuela cũng bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh giá mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là dầu mỏ.