Tuần trước, Chính phủ Jamaica tuyên bố nước này sẽ cung cấp 4 triệu USD dưới dạng hàng hóa và dịch vụ cho Venezuela.
“Bạn có thể nói rằng đó là số hàng hóa và dịch vụ nhằm đổi lấy dầu”, Tiến sĩ Wesley Hughes, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Petrocaribe thuộc Chính phủ Jamaica, nói với CNN vào hôm 2/8.
Ông cho biết, gói hàng hóa và dịch vụ cụ thể ra sao tùy thuộc vào những gì mà Venezuela cần.
Hình thức thanh toán này là một phần hiệp định thương mại giữa 2 quốc gia.
Dù đất nước đang khó khăn, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn quyết tâm từ chối các khoản viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Ảnh: Reuters |
Đất nước của những hoa hậu đang chìm vào cơn khủng hoảng thiếu lương thực và thuốc men. Người dân phải xếp hàng hàng giờ bên ngoài siêu thị để mua các nhu yếu phẩm cơ bản, như sữa, trứng và bột. Tuy nhiên, họ không biết có thể mua được gì bởi các kệ hàng thường trống rỗng. Nhiều người khác chết vì bệnh viện thiếu trang thiết bị.
Dù rơi vào tình trạng thiếu thốn kinh niên, chính phủ nước này từ chối sự giúp đỡ của các nhóm nhân đạo quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế.
“Đối với họ, nhận hỗ trợ nhân đạo là một cách thừa nhận rằng chính phủ tạo ra cuộc khủng hoảng này”, Erika Guevara Rosas, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhận định.
Tuy nhiên, đất nước này đang chấp nhận hàng hóa như một hình thức thanh toán từ Jamaica, một đất nước đang phục hồi từ suy thoái kinh tế - nơi yêu cầu một gói cứu trợ từ IMF gần đây nhất là năm 2013.
“Có lẽ họ đang vận chuyển gạo và đậu để trả cho các lô hàng dầu. Jamaica không thể trả tiền, vì vậy, họ sẽ gửi thực phẩm cho Venezuela”, Russ Dallen, quản lý của Caracas Capital – một công ty có trụ sở tại Miami, nói.
Hughes cho hay, Venezuela chưa tiết lộ những hàng hóa cụ thể mà họ muốn, nhưng xác nhận rằng trị giá của chúng tương đương 4 triệu USD.
Đây không phải lần đầu tiên Venezuela thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt.
Trung Quốc cho Venezuela vay 65 tỷ USD từ năm 2007. Một phần khoản vay được hoàn trả bằng dầu. Theo báo cáo kiểm toán, trung bình mỗi ngày, PDVSA – tập đoàn dầu khí quốc doanh của Venezuela – gửi khoảng 579.000 thùng dầu cho Trung Quốc vào năm ngoái. Đất nước của những hoa hậu là một trong những quốc gia có dự trữ dầu lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Bloomberg đưa tin, thủ tướng Trinidad và Tobago đề nghị một thương vụ đổi giấy lấy dầu trong một cuộc họp báo với Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. Không ai biết, liệu thỏa thuận có được thông qua hay không.
Thỏa thuận đổi lương thực lấy dầu với Jamaica xuất hiện trong tình trạng thiếu lương thực của Venezuela đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Hồi tháng 7, ông Maduro tạm thời mở lại đường biên giới với Colombia, cho phép công dân vượt sang phía bên kia để mua các mặt hàng cơ bản. Giới chức Colombia ước tính, hơn 100.000 người Venezuela đã vượt qua biên giới. Một số số đã khóc khi nhìn thấy các kệ hàng trong siêu thị chất đầy đồ.
Theo dự báo của IMF, hiện tại nền kinh tế Venezuela là nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới, với mức lạm phát ước tính lên đến 700%. Hàng năm trời chi tiêu bất hợp lý và tình trạng giá dầu xuống thấp trong thời gian gần đây, khiến chính phủ nước này không còn đủ khả năng nhập khẩu lương thực cơ bản.
Để giải quyết tình trạng này, Venezuela vừa ban hành một nghị định buộc công dân nước họ làm việc trong các trang trại thời gian 60 ngày và có thể lâu hơn, tùy theo hoàn cảnh. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án động thái này, và cho rằng chính phủ Venezuela đang cưỡng bức lao động.