Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Venezuela buộc dân làm nông dân để chống đói

Một nghị định mới của chính phủ Venezuela yêu cầu công dân làm việc trong trang trại để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng của đất nước, CNN đưa tin.

Trong một sắc lệnh được diễn đạt một cách mơ hồ, giới chức Venezuela cho biết, các nhân viên thuộc khu vực công và tư nhân có thể bị buộc phải làm việc trên các cánh đồng của đất nước trong khoảng thời gian 60 ngày và có thể kéo dài hơn tùy theo hoàn cảnh.

Theo nghị định, chính phủ vẫn trả lương bình thường cho công nhân và không sa thải họ khỏi công việc thực tế.

“Giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại Venezuela bằng cách bắt người dân làm việc trên các cánh đồng giống như cố chữa một cái chân bị gãy với sự trợ giúp của một ban nhạc”, Erika Guevara Rosas, giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhận định.

khung hoang Venezuela anh 1
Sắc lệnh mới của tổng thống Venezuela yêu cầu người dân nước này làm việc trên những cánh đồng trong khoảng thời gian 2 tháng nhằm cải thiện tình hình lương thực của đất nước. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nicolas Maduro đang sử dụng quyền hạn của ông để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Bằng cách sử dụng một nghị định, ông có thể lách qua sự phản đối của Quốc hội Venezuela – bên kiên  quyết chống lại mọi hành động của ông – một cách hợp pháp.

Theo CNN, đó là một dấu hiệu về sự khó khăn tại Venezuela, nơi đang vật lộn với cuộc khủng hoảng lương thực. Mọi người xếp hàng hàng giờ trong dòng người bên ngoài siêu thị để mua trứng, sữa, bột và các vật dụng cần thiết ngoài siêu thị. Tuy nhiên, siêu thị thường xuyên trống rỗng.

Venezuela từng là một nước nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong những năm 1999, đất nước này bắt đầu nhập khẩu lương thực và đầu tư ít hơn vào lĩnh vực này. Gần như toàn bộ doanh thu của Venezuela đến từ dầu mỏ.

Khi giá dầu lao dốc từ mức hơn 100 USD một thùng xuống còn 41 USD một thùng, ngân khố của quốc gia Nam Mỹ nhanh chóng trống rỗng và không đủ khả năng chi trả cho thực phẩm nhập khẩu, giấy vệ sinh và các nhu yếu phẩm khác. Hiện tại, các trang trại từng bị bỏ rơi là niềm hy vọng của đất nước.

Hành động của ông Maduro rất giống với chiến lược của chính phủ Cuba trong những năm 1960, khi nước này tìm cách phục hồi sản xuất đường sau khi giảm mạnh bởi lệnh cấm vận của Mỹ đối với hàng hóa Cuba.

Điều quan trọng cần lưu ý là Maduro đã ban hành các nghị định trước đó và chúng thường không thể giúp giải quyết vấn đề. Hồi tháng 1, chính phủ của ông dự tính ban hành một nghị định nhằm hạn chế việc sử dụng và chuyển tiền trong các tài khoản. Nói cách khác, đó là đóng băng ngân hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện.

Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận về nghị định mới vào hôm 2/8. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng bởi theo luật của Venezuela, Quốc hội không thể bỏ một nghị định.

Hành động mới nhất của ông Maduro có thể là một dấu hiệu cho thấy mục đích chính trị trong hoàn cảnh này. Trước đó, hồi tháng 7, Maduro bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vladimir Padrino là người đứng đầu đội ngũ quản lý nguồn cung cấp lương thực và phân phối cho cả nước.

Đó là một vai trò quyền lực, đặc biệt vào bối cảnh hiện tại ở Venezuela.

“Quyền lực giao cho Padrino trong chương trình này là bất thường, theo quan điểm của chúng tôi. Nó có thể là báo hiệu rằng Tổng thống Venezuela đang cố gắng tranh thủ hỗ trợ từ phía quân đội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế xã hội trở nên trầm trọng”, Sebastian Rondeau, một chuyên gia kinh tế tại Bank of America, viết trong một nghiên cứu.

Theo IMF, Venezuela là nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới. Cơ quan này dự báo nền kinh tế của quốc gia của những hoa hậu sẽ giảm 10% trong năm nay và lạm phát dự kiến tăng hơn 700%. Ngoài tình trạng thiếu thực phẩm, bệnh viện cũng trong tình trạng báo động, khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị. Một số đã qua đời.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm