Đây là số tiền dùng để bình ổn nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn và khủng hoảng. Tuy nhiên, điều còn tệ hơn là phần lớn số tài sản này không phải là tiền mặt. 7 tỷ USD trong đó là vàng thỏi, khiến việc thanh toán trở nên khó khăn hơn.
Người dân Venezuela biểu tình phản đối chính phủ do tình trạng mất giá đồng tiền và thiếu thốn lương thực, thuốc men trầm trọng. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, một khoản nợ lớn mà chính phủ Venezuela phải trả đang sắp tới hạn. Nước này phải trả 6 tỷ USD tiền nợ trong năm 2017, và khả năng dùng nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ để trả nợ đã gần như bất khả thi.
Venezuela đang có nguy cơ sẽ vỡ nợ trong năm nay, đồng nghĩa với việc sẽ không thể vay thêm để chi trả cho nhập khẩu nhu yếu phẩm, bao gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men.
Năm 2011, dự trữ của nước này là khoảng 30 tỷ USD. Tới năm 2015, khoản này thu hẹp còn 20 tỷ USD.
Bức tranh kinh tế u ám chỉ thể hiện được một phần cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này. Bạo lực, biểu tình phản đối chính phủ liên tục nổ ra. Ba người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình hôm 19/4. Lực lượng an ninh phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông.
Cũng trong ngày 19/4, General Motors, hãng xe hơi nổi tiếng của Mỹ, cho hay một nhà máy của họ tại Venezuela đã bị chính quyền nước này chiếm dụng. Các nhà chức trách Venezuela cho rằng không có chuyện chiếm dụng, nhà máy chỉ bị phong tỏa để đợi kết quả của một phiên tòa có liên quan.
Đồng Bolivar của Venezuela mất một nửa giá trị chỉ trong vài ngày vào đầu năm 2016. Đồ họa: Xe.com |
Hãng xe của Mỹ không phải là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ở Venezuela, khi nhà máy của Coca-cola trước đó cũng bị buộc ngừng sản xuất do thiếu đường. Toàn bộ lượng đường tại quốc gia Nam Mỹ được ưu tiên phục vụ sinh hoạt của người dân thay vì dùng trong sản xuất công nghiệp.
Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định lạm phát ở Venezuela sẽ còn phi mã lên mức 720%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt mức 25%. Năm nay nhiều khả năng cũng sẽ là năm thứ 4 liên tiếp kinh tế Venezuela suy thoái, vừa tròn 4 năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Tuy nhiên dư luận đang đặt ra câu hỏi về ưu tiên của chính quyền khi các báo cáo chỉ ra rằng, dù không đủ tiền để nhập khẩu lương thực cho hàng triệu dân đang thiếu ăn, nước này lại quyên tặng 500.000 USD cho Ủy ban nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Năm 2016, để phục vụ trả nợ, chính phủ Venezuela đã chuyển một phần vàng dự trữ tới Thụy Sỹ để tiếp tục đối ứng vay tiền mặt, hoặc chuyển vàng thành tiền mặt để sử dụng thanh toán nợ.
Tới nay, quốc gia đang khủng hoảng này vẫn ưu tiên trả nợ thay vì tập trung nhập khẩu lương thực và thuốc men cho người dân.