Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vén bức màn thời gian của sân khấu Việt

Trải qua những bước thăng trầm, có lúc tưởng như đào thải nhưng ca kịch truyền thống vẫn có một vị trí không thể thay thế trong những tâm hồn Việt.

ca kich truyen thong anh 1

Người Á Đông thường gọi sân khấu kịch nghệ là hý kịch. Lý do là chữ có nghĩa gốc là vui đùa, đùa giỡn và các môn nghệ thuật biểu diễn từ ca, vũ, nhạc cho tới sân khấu đều mang tính giải trí.

Còn trong cuốn chuyên khảo Hý kịch Việt Nam ngàn năm đồng vọng, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng lại sử dụng từ hý kịch với hàm ý chỉ sân khấu ca kịch truyền thống của người Việt, với ba bộ môn sân khấu: tuồng (hát bội), chèo và cải lương.

Sân khấu Việt theo dòng lịch sử

Cuốn sách cũng cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển và những bước thăng trầm của hý kịch Việt Nam (đầu thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến cuối thế kỷ 20 và ngày nay, với những sự kiện trong từng giai đoạn); những yếu tố đặc sắc riêng có của mỗi bộ môn sân khấu đã giúp chúng vượt qua thử thách để tồn tại cho đến này nay.

Theo tác giả, ngay từ thời Đông Sơn, sinh hoạt diễn xướng ở nước ta đã có tổ chức. Sang đến thời Lý (thế kỷ 11-13), đã có những sự kiện quy mô và xứng danh đào kép.

Tuy nhiên, phải đến thời Trần (thế kỷ 13-14) , sân khấu Việt Nam mới có một tác phẩm sân khấu mang đầy đủ hình hài của một vở diễn hoàn chỉnh, được chính ghi nhận.

Sử sách thời kỳ này cũng ghi nhận sự ra đời của Chèo bội và tục diễn trò chèo đò trong đám tang ra đời từ đám rước linh cữu của vua Trần Nhân Tông năm 1310.

Thời Hậu Lê đầu thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 18, do những xung đột trong ý thức hệ giữa triều đình trọng Nho giáo và dân gian vốn ảnh hưởng sâu sắc của Phật, Lão, nên các phường chèo bội với trò diễn chèo đò dẫn vong là đối tượng chịu những chính sách cấm đoán của nhà Lê. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, chèo bội vẫn được duy trì trong môi trường làng xã gắn với hoạt động lễ tang, lễ chay.

Không những thế, cuối thế kỷ 18, ở Đàng Ngoài, chèo bội đã vượt qua khuôn khổ văn hóa tang lễ để bước vào không gian văn hóa lễ hội, với các tích chèo truyện đa dạng hơn.

Còn ở Đàng Trong, dựa trên nền tảng ca vũ nhạc dân tộc và sân khấu hát truyện có từ thời Trần, hát tuồng, hay hát bội - được xem là kịch chủng riêng - ra đời và ngày càng phổ biến.

ca kich truyen thong anh 2

Sách Hý kịch Việt Nam.

Sức sống của những khúc thức tâm tình nước Nam

Sang thế kỷ 19, với sự ưu ái của các vua Nguyễn, hát tuồng bước vào thời kỳ đỉnh cao và trở thành quốc kịch của người Việt. Trong hoàng thành có nhà hát hoàng gia Duyệt Thị Đường, có những soạn giả chuyên soạn những vở tuồng ngự. Xem hát tuồng trở thành thú tiêu khiển đặc biệt của giới quan lại, Nho gia.

Không những thế, tuồng dân gian cũng phát triển rất mạnh trong môi trường văn hóa làng xã. Hầu hết tác phẩm kinh điển trên sân khấu tuồng đều ra đời thế kỷ 19, như tuồng ngự / cung đình có: Quần Phương tập khánh, Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long cứu chúa…; tuồng dân gian có: Nghêu Sò Ốc Hến, Xuân Đào cắt thịt…

Bên cạnh những tác phẩm tiêu biểu, sân khấu tuồng còn phát triển nên nhiều soạn giả tên tuổi và kép hát nổi tiếng như Ngụy Khắc Đản, Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nhưng Nguyên, Nhưng Đá…

Cũng trong thế kỷ 19, nhờ chính sách cởi mở với nghề hát xướng của triều Nguyễn mà chèo phát triển rất mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ và lan tận vào Thanh Hóa. Chỉ trong khoảng 100 năm kể tử cuối thế kỷ 18 cho đến hết thế kỷ 19 đã có hàng trăm vở chèo ra đời cùng hệ thống làn điệu phong phú. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Từ Thức lấy vợ tiên, Kim Vân Kiều….

Sang nửa đầu thế kỷ 20, hý kịch Việt Nam kế thừa thời kỳ đỉnh cao của hát tuồng - quốc kịch của người Việt để tiếp tục cải cách, phát triển dần dần. Bên cạnh đó, cải lương - một hình thức sân khấu mới cũng được hình thành từ sinh hoạt nghệ thuật đờn ca tài tử với ca ra bộ, sau đó có những bước đột phá...

Từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến ngày nay, hý kịch Việt Nam trải qua nhiều bước thăng trầm và có lúc tưởng như bị đào thải. Nhưng nhờ những yếu tố đặc sắc riêng có của mỗi bộ môn sân khấu đặc biệt là yếu tố ca hát, đã đưa các bộ môn sân khấu vượt qua mọi thử thách để tồn tại cho đến ngày hôm nay, như một lời khẳng định mạnh mẽ cho sức sống trường tồn của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt.

Tác giả sách viết “Bước vào thế kỷ 21 siêu hiện đại, khi mà nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu nói riêng đã ít nhiều biến tướng thành ngành công nghệ giải trí showbiz, thêm vào đó, sức mạnh của xu hướng toàn cầu hóa cũng đang khiến bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc dần mai một thì một điệu chèo rộn rã, một câu hát Nam man mác hay một câu Vọng cổ chứa chan tình vẫn có một vị trí không thể thay thế trong những tâm hồn Việt.

Những khúc thức tâm tình nước Nam ấy, cũng như những tiếng tình tang thuở xưa vẫn là những tọa độ văn hóa đủ sức neo lại tâm thức dân tộc giữa dòng biến dịch khôn cùng”.

-----------------------

*Ảnh: Tạo hình nhân vật trong Song Lang - phim thành công về đề tài cải lương.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Hội hè đình đám người Việt xưa có gì?

Tại miền Nam, đám hội thường có hát bội, trước là kính thờ, sau là dân chúng mua vui. Miền Bắc có hát chèo và nhất là có ca nhi tới hát thờ.

Vị vua lên chùa trốn vẫn mang theo kỹ nữ

Mạc Mậu Hợp là người trọng khoa cử, trong suốt mấy chục năm trị vì, ông đã mở nhiều khoa thi. Thế nhưng, lối sống của nhà vua khá buông tuồng, không giống người trọng đạo Nho.

Nhớ về những nghệ sĩ diễn tuồng cổ một thời

Trong nhiều vai võ, Mười Bửu ca sang sảng thanh âm cao vót lanh lảnh như tiếng chuông ngân thật là xuất sắc.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm