Rhee không thấy hối tiếc, kể cả khi giáp mặt với 15 người cảnh sát đã chờ sẵn tại sân bay khi anh từ Ukraine về Hàn Quốc vào cuối tháng 5.
“Bạn đang đi dạo trên biển và bắt gặp tấm biển ghi ‘cấm bơi’. Nhưng rồi bạn trông thấy một người sắp chết đuối. Khi ấy không giúp mới là tội phạm. Tôi cho là như thế”, Rhee nói với AFP.
Ken Rhee trả lời phỏng vấn AFP. Ảnh: AFP. |
Bị phản ứng dữ dội vì tới Ukraine
Rhee sinh ra ở Hàn Quốc và lớn lên tại Mỹ. Anh theo học Viện Quân sự Virginia của Mỹ và có dự định gia nhập đơn vị biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ. Nhưng cuối cùng anh bị cha mình, một “người yêu nước” theo lời kể của Rhee, thuyết phục trở về nhập ngũ tại Hàn Quốc.
Trong 7 năm phục vụ quân ngũ, Rhee trải qua khóa đào tạo SEAL của cả Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời tham chiến tại Somalia và Iraq. Sau đó, Rhee xuất ngũ và lập một công ty tư vấn quốc phòng.
“Tôi có kỹ năng và kinh nghiệm. Tôi đã tham gia 2 cuộc chiến tranh khác nhau nên khi tới Ukraine, tôi biết mình có thể giúp đỡ”, Rhee nói.
Vì thế, đầu tháng 3, Rhee đã nghe lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên đường gia nhập Quân đoàn Quốc tế của Kyiv. Người cựu binh cho rằng đối với bản thân, việc phá "luật passport" của Hàn Quốc để đến Ukraine tương đương “lỗi giao thông”.
Từ trước khi tới Ukraine, Rhee cũng không phải người lính bình thường. Anh vốn là một “ngôi sao” trên mạng xã hội. Tài khoản Instagram của anh có khoảng 169.000 người theo dõi, trong khi kênh YouTube có khoảng 789.000 người đăng ký.
Hình ảnh Rhee tại Ukraine. Ảnh: Allkpop. |
Có lẽ cũng chính vì vậy, người dân tại quê nhà Hàn Quốc đã nhanh chóng có phản ứng dữ dội trước việc Rhee tới Ukraine.
“Chúng diễn ra ngay lập tức. Người ở Hàn Quốc, họ chỉ trích tôi vi phạm pháp luật”, Rhee, 38 tuổi, nói.
Những người chỉ trích khẳng định quyết định của người cựu binh là vô trách nhiệm tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ cho rằng việc đăng tải video chiến sự lên YouTube và Instagram là chứng cứ anh khoe khoang.
Rhee nói anh cố không để bị ảnh hưởng vì những ồn ào đó.
Cảnh tượng như “miền Tây hoang dã”
Trong ngày đầu tiên tại tiền tuyến ở Irpin, Rhee đã được tận mắt chứng kiến cảnh tượng mà anh mô tả là hỗn loạn như “miền Tây hoang dã”.
Do đã được đào tạo quân sự, Rhee được yêu cầu tự lập đội ngũ của mình. Vì thế, Rhee tuyển mộ những tình nguyện viên khác có kinh nghiệm chiến đấu và thành lập nhóm tác chiến đặc nhiệm đa quốc gia.
“Tôi ăn khẩu phần ăn dã chiến của Canada. Súng của tôi là từ Cộng hòa Czech. Tôi có tên lửa Javelin từ Mỹ và có quả rocket từ Đức. Nhưng không có thứ gì tới từ Hàn Quốc”, Rhee nói.
Ken Rhee khi tham chiến tại Ukraine. Ảnh: Naver. |
Rhee đã định mang theo chiếc kính nhìn đêm do Hàn Quốc chế tạo nhưng không được chính phủ cấp phép xuất khẩu. Anh cho rằng bên cạnh viện trợ không sát thương cho Ukraine, Hàn Quốc có thể làm nhiều hơn.
“Hàn Quốc có trang thiết bị tối tân và họ rất giỏi sản xuất vũ khí”, người cựu binh nói.
Sau gần 3 tháng chiến đấu tại Ukraine, Rhee bị chấn thương khi ngã trong lúc dẫn dắt nhóm tác chiến đặc nhiệm đi tuần tra. Trở về nước, Rhee nói không biết số phận của mọi đồng đội và “nhiều bạn bè của tôi đã chết”.
“Tôi không muốn những hy sinh ấy của bạn bè tôi bị lãng quên”, Rhee nói, đồng thời cho biết thêm rằng anh dự định viết sách và có thể là cả kịch bản phim về những trải nghiệm mà đội ngũ của anh trải qua.
Nhưng trước hết, Rhee phải đối diện với hậu quả chuyến đi. Anh thầm giữ thái độ lạc quan rằng chính quyền mới theo xu hướng bảo thủ của Hàn Quốc sẽ không bỏ tù mình.
Rhee đang phải điều trị thương tích và cũng không được phép rời khỏi Hàn Quốc cho tới khi vụ án được xử lý. Nhưng anh hy vọng một ngày nào đó sẽ lại được chiến đấu bên cạnh đồng đội.