Theo AFP, Giáo hoàng Francis luôn cố gắng để giao tiếp với đám đông, và điều này khiến cho người đứng đầu Vatican thường xuyên có mặt ở ngay bên cạnh những tín đồ đang tụ tập để chào đón ông.
Dù là để chụp những bức ảnh selfie, bắt tay hay ban phước cho trẻ nhỏ, giáo hoàng sẽ luôn được bảo vệ bởi đội ngũ an ninh đặc biệt có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho nhà lãnh đạo của tổ chức có 1,3 tỷ thành viên trên toàn thế giới.
Nhưng vào đêm giao thừa ở quảng trường St. Peter, một phụ nữ đằng sau rào chắn đã nắm lấy tay của giáo hoàng và kéo ông về phía mình, ngay trước mắt của 3 người đàn ông mặc đồ đen có nhiệm vụ bảo vệ.
Giáo hoàng đã phải giằng mình và dùng tay trái đánh vào tay của người phụ nữ để thoát ra, sau đó thì một nhân viên an ninh mới xông vào can thiệp bằng cách giữ người phụ nữ lại. Người đứng đầu Vatican sau đó đã xin lỗi vì làm "tấm gương xấu" cho sự mất kiên nhẫn.
Giáo hoàng Francis bị một người phụ nữ níu tay kéo về phía mình trên quảng trường St. Peter trong đêm giao thừa. Ảnh: Cắt từ clip. |
Đến ngày 2/1, khi đoạn băng ghi lại hình ảnh sự việc lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã đặt câu hỏi về đội ngũ vệ sĩ của giáo hoàng, không hiểu tại sao họ có thể để sự việc như vậy diễn ra.
"Ngài ấy có cả một đội quân để bảo vệ mình, nhưng lại phải tự mình đập vào tay người đó?", một người dùng Twitter đặt câu hỏi.
"Việc đảm bảo an ninh cho giáo hoàng khá lỏng lẻo", một người khác bình luận.
Cơ quan an ninh của Vatican từ chối bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các vệ sĩ của giáo hoàng nên can thiệp sớm hơn trong trường hợp này.
"Đội bảo vệ của giáo hoàng mới là người nên xin lỗi", người sáng lập đơn vị cảnh sát tinh nhuệ can thiệp đặc biệt của Ý, người xin giấu tên, nhận xét.
"Người phụ nữ đã không buông tay giáo hoàng, và ngài ấy đã buộc phải đánh vào tay cô ta một chút để thoát ra. Nhưng mọi chuyện không cần phải diễn ra tới tận lúc đó", chuyên gia này nhận định.
Đội trưởng đội vệ sĩ của giáo hoàng là Domenico Giani đã từ chức vào tháng 10/2019 sau khi một bản ghi nhớ an ninh nội bộ liên quan đến một cuộc điều tra tài chính của Vatican đã bị rò rỉ với báo chí.
Việc đảm bảo an ninh cho giáo hoàng trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Vatican sau khi Giáo hoàng Jean Paul II bị ám sát hụt tại quảng trường St. Peter bởi Mehmet Alo Agca, một người Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1981. Các biện pháp an ninh tăng cường bao gồm việc bọc thép cho chiếc Popemobile - xe đưa đón giáo hoàng qua đám đông, và những máy dò kim loại đối với người đi vào quảng trường.
Nhưng Giáo hoàng Francis từng chia sẻ với một tờ báo Tây Ban Nha vào năm 2009 rằng ông không thích chiếc Popemobile lắm, vì cảm thấy mình như "cá đóng hộp" ở bên trong chiếc xe.
Đôi khi những fan hâm mộ nhiệt thành cũng đem lại rủi ro an ninh không ngờ tới. Vào năm 2009, ngay trước Lễ Giáng sinh được cử hành bởi Giáo hoàng Benedict, một phụ nữ đã nhảy qua hàng rào và tóm lấy áo choàng của ông, khiến vị giáo hoàng 82 tuổi bị kéo xuống đất. Người phụ nữ sau đó khai rằng bà chỉ muốn "ôm giáo hoàng một cái".
May mắn là giáo hoàng Benedict không sao, nhưng một hồng y người Pháp đã bị gãy chân trong vụ hỗn loạn này.
Khi trở thành người đứng đầu Vatican vào năm 2013, phong cách gần gũi của Giáo hoàng Francis và tham vọng đưa giáo hội Công giáo Roma tới gần hơn với các tín đồ khiến cho đơn vị bảo đảm an ninh của toà thánh vất vả hơn trong công việc hàng ngày của họ.
"Bạn phải tôn trọng phong cách cá nhân của mỗi vị giáo hoàng. Đây không phải là vấn đề mà người đứng đầu đội an ninh có thể quyết định", ông Federico Lombardi, người phát ngôn của giáo hoàng khi đó, cho biết.