Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 đường bay nội địa được đề xuất tăng 2,27-6,67%, mức tăng trung bình là 3,75%.
Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500 km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.
Giá vé phổ thông 4 nhóm đường bay còn lại có mức tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/vé/chiều, tùy theo độ dài từng đường bay.
Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.
Tuy vậy, mức tối đa giá dịch vụ này chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng và nhu cầu của thị trường.
Trước đó, Cục Hàng không cho biết mức trần giá vé máy bay nội địa hiện tại được quy định tại Thông tư 17/2019 đã áp dụng từ năm 2015. Thời điểm đó, giá nhiên liệu bay Jet A1 chỉ ở mức 60 USD/thùng.
Đến nay, giá nhiên liệu và tỷ giá đều tăng cao, mức giá tối đa hiện tại không còn phù hợp.
Cục Hàng không cho biết việc nâng trần giá vé máy bay nội địa không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé.
Ngược lại chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các hãng thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế