Ở Hà Đông - làng hoa đầu tiên của xứ hoa Đà Lạt, Lâm Đồng (thuộc phường 8) - giờ đã quá nổi tiếng về chuyện những nông dân trồng hoa thu bạc tỷ, hay lập nên hàng chục cơ sở nuôi cấy mô sản xuất giống cây con cao cấp khiến giới khoa học phải “ngước nhìn”.
Chuyện người đánh beo
Anh em cụ Ngô Văn Bính và Ngô Văn Ngôn ở làng hoa Hà Đông được xem là hai người trồng hoa đầu tiên của làng. Từ 2.000 củ lay ơn mang từ xứ Tràng An vào hoàng triều cương thổ hồi hơn nửa thế kỷ trước của cụ Bính, nay làng hoa Hà Đông đã trở thành một trong ba làng hoa lớn nhất của xứ hoa Đà Lạt.
Nhưng, chuyện ấy thì nói mãi rồi. Nên, khi ngồi đối diện với cụ Ngôn, người mà gần mười năm trước tôi may mắn được gặp, tôi đã bắt sang đề tài khác: "Cháu rất thích nghe chuyện đánh beo của cụ hồi mấy chục năm trước...".
Cụ già tuổi gần 80 tuổi nói với giọng hứng khởi: "Hồi ấy ở Đà Lạt, hễ cứ mở cửa ra là gặp thú rừng. Dân Hà Đông của chúng tôi lúc đó cũng đã có làng có ấp rồi, nhưng vì hẻo lánh quá nên phải co cụm một chỗ, thường thì năm đến bảy gia đình sống chung một dãy nhà, để có gì bất trắc thì còn ới nhau được.
Dãy nhà của tôi hồi đó có 6 bếp, tức là 6 gia đình. Gia đình tôi ở gian cuối. Hôm đó là một đêm cuối năm cận tết cũng gần giống như thời điểm này đây, sau bữa cơm chiều, mọi người tụm nhau bên bếp lửa để sưởi. Đà Lạt những năm đó lạnh thấu xương chứ không như bây giờ đâu. Ban đêm không mấy ai dám bước ra ngoài, vì sợ hùm, sợ beo...
Đấy, ở mấy quả đồi sau nhà đây này, cứ chiều chiều là nai cứ từng bầy kéo nhau xuống suối uống nước. Lũ thú rừng hung dữ như hổ, báo... cũng đầy ra đấy. Dạo đó, mấy bà con trong khu nhà chúng tôi vừa bán xong vụ hoa tết, đang chuẩn bị cho một cái tết nữa xa nhà, xa quê...".
Cụ Ngô Văn Ngôn hôm nay... |
Theo lời kể của cụ Ngôn, năm ấy (1968), cụ Ngôn chỉ mới bước quá tuổi thanh niên, sức vóc còn căng tràn. Chiều tối hôm đó, cơm xong, anh chàng Ngôn vừa mở cửa bước ra phía sau nhà thì đối mặt ngay với con beo có cặp mắt xanh lè. Sau một giây sững người, anh Ngôn đứng im ở thế thủ với cặp mắt cũng trừng trừng nhìn thẳng vào hai đốm sáng như tia điện của con vật.
Với tay cầm chiếc chĩa ba làm vườn, anh dồn toàn bộ sức lực nhấc người phóng thẳng về phía con beo. Vừa lao, anh Ngôn vừa hét vang cả cánh rừng. Chiếc chĩa ba trên tay anh Ngôn cắm phập vào cổ con thú, hai đốm mắt xanh lè của nó nhợt nhạt rồi tắt ngấm.
Mọi người trong khu nhà nghe tiếng hét váng động một góc rừng của anh Ngôn, vội vàng chạy đến. Cũng là lúc anh Ngôn đã khống chế hoàn toàn con thú. Mọi người thở phào. Có người còn bảo: "Nó mà quật được Ngôn rồi phóng thẳng vào nhà thì đúng là hoạ. Nếu không bị nó "xơi tái" thì cũng phải kiếm đường trốn về quê thôi, chứ ở đây trồng hoa trồng rau mà cứ dăm bữa "ổng" ghé thăm một lần như thế này thì hãi quá!".
Quả thật, ngày ấy, chuyện lập làng trồng rau, trồng hoa đã khó, chuyện đối mặt với thú dữ như cơm bữa càng hãi hơn, khiến cho không ít người trong đội quân tiên phong ở Hà Đông kia nao núng tinh thần, muốn bỏ về lại quê...
Dân trụ lại thì mới có làng
Nhấp ngụm nước trà, cụ Ngôn đứng lên vào phòng trong rồi nhanh chóng trở ra với một bức ảnh đen trắng lồng trong khung kính đã ố vàng. Tôi nhìn vào bức ảnh và không mấy khó khăn để nhận ra sân vận động Đà Lạt nằm ngay cạnh hồ Xuân Hương (nay là quảng trường Lâm Viên). Trong ảnh, một người đàn ông ăn mặc chải chuốt đứng quay lưng gắn cái gì đó dạng như mề đay lên ngực áo người đứng đối diện cùng với 3 người khác.
Cụ Ngô Văn Ngôn bảo: "Người mặc bộ vét tây màu trắng này là Vua Bảo Đại. Đức thượng hoàng đang gắn huy chương "nhất hạng Long bội tinh" cho bố tôi là cụ Ngô Văn Ất đấy. Cái "nhất hạng Long bội tinh" ngày đó là thứ huy chương tối cao của Chính phủ Nam triều".
Cụ Ngôn chỉ tay vào tấm ảnh: "Người đứng ngoài cùng bên trái này là cụ Nguyễn Xuân Lâm (cháu nội cụ Nguyễn Công Trứ). Hồi ấy, cụ Lâm cũng làm vườn nhưng mà là đại diện cho chính quyền địa phương cấp ấp, cấp thôn gì đó. Còn người thứ hai tiếp theo là bố tôi. Người thứ ba là ông Cao Minh Hiệu - Tỉnh trưởng Lâm Viên lúc bấy giờ. Còn người thứ tư cuối cùng là cố vấn người Pháp của cựu hoàng Bảo Đại".
...và bên con beo dữ bị hạ sát năm xưa. |
Tôi hỏi cụ, bố của cụ lúc ấy được khen thưởng nhờ thành tích gì, cụ Ngôn tự hào: "Bố tôi được vua khen là nhờ ông ấy có công động viên dân tình ở lại bám trụ xứ "rừng thiêng nước độc" Đà Lạt này mà trồng hoa, trồng rau. Theo sử sách thì trong vài nhóm dân xứ Tràng An vào khai khẩn ấp Hà Đông những ngày đầu (cuối những năm 30 và trong thập niên 40) ấy có hai anh em cụ Ngô Văn Ngôn và anh trai là cụ Ngô Văn Bính.
Vào Hà Đông năm trước năm sau, chàng thanh niên Ngô Văn Bính viết thư về Quảng Bá (thuộc đất Hà Nội nay) động viên bố là cụ Ngô Văn Ất đưa cả nhà vào. Ông Ất vào và không quên mang theo 2.000 củ giống hoa lay ơn theo lời dặn của anh cả Bính. "Hai ngàn củ giống lay ơn ấy đã góp phần đáng kể vào việc làm nên cái làng hoa Hà Đông nổi tiếng này đấy. Và với riêng ông cụ nhà tôi, công lớn nhất của cụ là giữ chân bà con trụ lại được ở xứ "rừng thiêng" này để trồng rau, trồng hoa.
Ngày đó, người Pháp và cả người Việt ở đây thiếu rau. Còn hoa thì khỏi nói, nó giống như là vàng vậy. Có điều, dân Hà Nội được đưa vào làng Hà Đông này chủ yếu là để trồng rau, trồng hoa nhưng cứ ra đường là gặp thú dữ, lại thêm cái sương giăng quanh năm nên trồng thứ rau gì cũng chết, nên nhiều người cứ có dịp là trốn về quê. Thế là ông bố tôi đã tìm ra cách thức canh tác sao cho rau không héo, hoa không rục...
Ngày ấy, dân mình đâu đã biết cách thức canh tác các giống rau ôn đới của người Pháp. Vậy mà bố tôi không biết học được ở đâu cách bảo quản rau không héo, hoa không rục để dạy lại cho bà con, giúp người dân không còn nao núng tinh thần nữa. Và vậy là ông bố tôi được đức kim thượng Bảo Đại tặng nhất hạng Long bội tinh...". Nhấm thêm ngụm trà, cụ Ngô Văn Ngôn nhìn về xa xăm: "Ông cụ mất năm 1959, thọ 64 tuổi. Năm nay, nếu cụ còn sống thì những gần 120 tuổi rồi nhẩy... Có cụ, dân mới ở lại, mới thành làng, thành ấp như giờ này...".