Theo báo cáo triển vọng tháng 3 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán trong nước có rủi ro ngắn hạn từ những biến động bất ngờ từ cuộc giao tranh giữa Nga - Ukraine.
Ngoài ra FED có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã nằm trong kỳ vọng bởi lạm phát tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Trong trường hợp mức tăng nhẹ hơn thì có thể yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường.
Tổng hợp các biến động lớn, nhóm chuyên gia dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.450-1.540 điểm trong tháng 3.
Xét đến ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine, VDSC nhận thấy tác động ngắn hạn là có xảy ra ở các thị trường mới nổi, cận biên và phát triển, trong khoản 30 ngày sau sự kiện khi mức giảm trung bình từ khoảng 0,49% đến 1,68%.
Tuy nhiên các thị trường thường dần lấy lại cân bằng sau khoảng 3 tháng, cho thấy các sự kiện chiến tranh chỉ có tác động theo hướng tiêu cực (nếu có) trong ngắn hạn.
"Với thị trường Việt Nam, chúng tôi đánh giá xung đột Nga - Ukraine có thể xảy ra rung lắc với những diễn biến tiếp theo của dòng sự kiện tuy nhiên mức độ tác động sẽ không mang tính quá tiêu cực đến thị trường khi yếu tố căng thẳng có lẽ đã không còn mang tính chất quá bất ngờ như ban đầu", VDSC nhận định.
VDSC khuyến nghị thận trọng trước những bất ổn bên ngoài, hạn chế mua đuổi nhóm đầu cơ hàng hóa. Ảnh: Thạch Thảo. |
Trong giai đoạn hiện tại, dòng tiền được dự báo sẽ mang tính chọn lọc hơn, luân chuyển đến những nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa và có câu chuyện tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Cụ thể VDSC chỉ ra cổ phiếu cảng biển sẽ được hưởng lợi khi giá cước nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong ngắn hạn nếu việc khủng hoảng nguồn cung tiếp tục diễn ra tồi tệ hơn.
Cổ phiếu thủy sản cũng được hưởng lợi nhiều nhất khi giá bán tăng nhanh khoảng 50% so với cùng kỳ và nguồn cầu mạnh mẽ với sự sụt giảm nguồn cung của Nga. Xu hướng tăng của giá bán vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2022 trước việc giá thực phẩm toàn cầu vẫn tăng.
Đối với nhóm dầu khí, các chuyên gia đánh giá dư địa tăng giá không còn nhiều khi mà giá cổ phiếu đã phản ánh thông tin về căng thẳng địa chính trị và giá dầu thời gian qua.
Chiến sự tại Ukraine làm dấy lên quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi mà Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt.
Hoạt động “đầu cơ theo giá hàng hóa” đã đưa giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng nhanh và mạnh. Trái với diễn biến giá cổ phiếu, VDSC không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.
Nhóm chuyên gia kết luận nhà đầu tư nên "thận trọng trước những bất ổn bên ngoài, hạn chế mua đuổi nhóm đầu cơ hàng hóa và tăng vị thế sức mua để tích lũy cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan".