Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ phiếu hàng hóa lại 'gây bão' phiên đầu tuần

Bất chấp sự tích cực của các cổ phiếu hàng hóa cơ bản, VN-Index vẫn mất hơn 6 điểm do bị kéo lùi bởi cổ phiếu ngành tài chính và bất động sản.

Chiến sự căng thẳng tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt đang khiến giá các loại hàng hóa trên thế giới biến động mạnh, điều này cũng tác động lớn đến các cổ phiếu hàng hóa có liên quan.

Tuần trước nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép, phân bón, than... là tác nhân chính giúp VN-Index lấy lại được ngưỡng kháng cự tâm lý để tiến lên 1.505 điểm.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/3, nhóm mã liên quan đến các loại hàng hóa tiếp tục "gây bão", sắc tím lại xuất hiện nhiều ở nhiều ngành khi phân bón, hóa chất, dầu khí, than...

Đáng kể là cổ phiếu dầu khí được hưởng lợi nhất khi giá dầu thế giới có thời điểm gần chạm ngưỡng 130USD/thùng. Nhiều mã nhóm này dư mua trần như ASP, PSH, PVC, PVG, CNG, PXI, PVO, PVB hay các mã khác cũng tăng phổ biến 4-7%.

Thông tin về việc Nga sẽ hạn chế xuất khẩu phân bón cũng có tác động rất tích cực đến nhóm cổ phiếu phân bón Việt Nam. Các mã lớn như DCM, DPM, LAS, BFC, PSW, PMB... đã tăng trần.

Sắc tím cũng hiện diện tại nhóm cổ phiếu than như HLC, THT, MDC, NBC, MDC, TVD, TDN, TC6... khi giá than thế giới vẫn tịnh tiến lên đỉnh mới.

Ngoài ra giá nhóm leo đỉnh cũng giúp NSH tiếp tục tăng 3,4% hay TKU tăng 4,6% trong phiên. Nhóm xuất khẩu thép hàng đầu Việt Nam như HPG tăng 2,6%, HSG tăng 4% và thậm chí NKG có thời điểm tăng trần.

chung khoan ngay 7/3,  chung khoan do lua,  co phieu hang hoa anh 1

Nhiều cổ phiếu hàng hóa như dầu khí, than, phân bón... tăng trần.

Trở lại với thị trường chung, VN-Index mở cửa gặp áp lực bán lớn khiến chỉ số lao dốc mạnh nhưng cũng hồi phục khá nhanh khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Chỉ số chính đang giằng co mạnh quanh mốc tâm lý quan trọng quanh 1.500 điểm.

Mặc dù có thời điểm lấy lại sắc xanh trong phiên sáng trong áp lực bán lại dâng cao về cuối ngày khiến chỉ số chính lại lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa VN-Index mất 6,28 điểm (-0,42%) xuống 1.499,05 điểm. Sàn có 256 mã giảm giá và 207 mã tăng điểm (có đến 31 mã tăng trần).

Sàn niêm yết ở Hà Nội là HNX giao dịch tích cực hơn trong phiên đầu tuần. Chỉ số duy trì sắc xanh phần lớn thời gian và kết phiên tăng 2,27 điểm (0,5%) lên 452,86 điểm. UPCoM-Index giao dịch giằng co khi kết phiên chỉ giảm nhẹ 0,06% về 113,22 điểm.

Tính toàn thị trường có 594 mã tăng giá (trong đó có 90 mã tăng trần, chủ yếu thuộc cổ phiếu hàng hóa cơ bản) và ngược lại có 470 mã giảm giá.

chung khoan ngay 7/3,  chung khoan do lua,  co phieu hang hoa anh 2

VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm. Đồ thị: TradingView.

Mặc dù nhóm cổ phiếu hàng hóa "gây bão" nhưng thị trường chung vẫn đi xuống do tác động xấu từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng.

Rổ chỉ số VN30 hôm nay giảm đến 16,22 điểm (-1,06%) với 22/30 mã giảm giá. Trong đó tác động xấu nhất là VHM, MSN, SAB và nhóm ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn chìm trong sắc đỏ với mức giảm phổ biến 1-4% (trừ EIB tăng mạnh 5,9%). Trong đó đáng kể nhất là TPB giảm 4,3% về 39.000 đồng, ACB mất 3,1% còn 33.250 đồng hay BID rơi 2,4% về 42.250 đồng...

Cổ phiếu ngành chứng khoán và bất động sản cũng góp phần kéo thị trường đi lùi đáng kể. Trong đó nhóm chứng khoán cũng giảm phổ biến 1-3% hay nhiều bất động sản mất 2-3% trong phiên.

Ngược lại đại diện ngành dầu khí GAS và ngành thép HPG là lực kéo chính cho thị trường. Tiếp đến phải kể đến GVR của Tập đoàn Cao su hay PLX của Petrolinmex...

chung khoan ngay 7/3,  chung khoan do lua,  co phieu hang hoa anh 3

Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect.

Khối ngoại hôm nay có diễn biến xấu khi bán ra lượng cổ phiếu trị giá 2.756 tỷ và mua vào chỉ 1.283 tỷ, tương ứng bán ròng mạnh 1.473 tỷ đồng trên HoSE.

Các mã bị nước ngoài xả lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-340 tỷ) và các mã bất động sản lớn như NLG (-156 tỷ), VHM (-140 tỷ), NVL (-102 tỷ).

Trước phiên giao dịch này khối phân tích các công ty chứng khoán cũng đưa ra các nhận định khá thận trọng khi dự báo VN-Index sẽ biến thiên trong khoảng 1.500 điểm, không loại trừ điều chỉnh mạnh khi có yếu tố bất ngờ.

Chứng khoán BIDV cho rằng VN-Index sẽ còn vận động quanh 1.485-1.515 điểm trong tuần tới trong bối cảnh dòng tiền chưa mạnh và thiếu đồng thuận do các yếu tố tiêu cực bên ngoài.

Chứng khoán Vietcombank kỳ vọng chỉ số sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.480-1.510 điểm và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng/giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.

Chứng khoán Đông Á dự báo xu hướng giao dịch của VN-Index trong tuần tới có thể vẫn dao động nhẹ quanh 1.500 điểm.

Nhiều thị trường chứng khoán ở châu Á thậm chí còn đang đỏ lửa với mức giảm rất mạnh 2-3% tại các thị trường lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan...

Chứng khoán tiếp tục giằng co quanh 1.500 điểm?

Các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục thận trọng khi dự báo VN-Index sẽ biến thiên trong khoảng 1.500 điểm và không loại trừ điều chỉnh mạnh khi có yếu tố bất ngờ.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm