Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục trải qua một tuần đầy biến động từ những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine leo thang và giá dầu tăng nóng.
VN-Index vẫn liên tục biến động với các phiên tăng giảm đan xen trong tuần 28/2-4/3. Điểm đáng ghi nhận là khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ 1.480 điểm thì dòng tiền bắt đáy lập tức can thiệp để tích lũy đi lên.
Nhưng khi VN-Index tiến sát ngưỡng cản 1.510 điểm thì áp lực chốt lời cũng dâng cao bởi tâm lý thị trường đang khá yếu. Chỉ số chính tăng 6,44 điểm (0,43%) trong tuần để dừng chân tại mốc hơn 1.505 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp HPG, GVR và DIG là những mã có ảnh hưởng tốt nhất đến VN-Index trong tuần qua khi góp tổng cộng gần 8 điểm tăng. Ở chiều ngược lại các mã BID, CTG và SAB là lực cản chính khi kéo lùi 4 điểm của thị trường.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó khi tổng giá trị giao dịch bình quân tăng 2,6% lên 33.370 tỷ đồng/phiên. Riêng giá trị khớp lệnh tại sàn HoSE tăng 2% đạt mức 31.843 tỷ đồng/phiên.
Giao dịch của khối ngoại diễn ra vẫn theo chiều hướng khá xấu khi mua vào số cổ phiếu trị giá 8.363 tỷ đồng và bán ra 9.076 tỷ đồng. Nhóm này bán ròng 13,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 713 tỷ đồng.
VN-Index biến động theo xu thế đi lên trong tuần 28/2-4/3. Đồ thị: TradingView. |
Thị trường chung đã vượt trên mốc 1.500 điểm nhưng chủ yếu nhờ lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn và thiếu sự lan tỏa. Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá dao động bởi căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Dự báo cho tuần mới 7-11/3, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng VN Index sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.480-1.510 điểm và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng/giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.
Do vậy nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội "lướt sóng" ở các cổ phiếu đang bước vào nhịp tăng nóng trong tuần vừa qua, thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi từ căng thẳng Nga-Ukraine.
Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn lình xình thời điểm hiện tại để tích lũy thêm các cổ phiếu mục tiêu, nhưng nên hạn chế gia tăng margin và giữ lại một phần sức mua để sẵn sàng giải ngân theo chiều lên nếu thị trường xuất hiện tín hiệu bứt phá trong tuần tới.
Tương tự khi Chứng khoán BIDV cho rằng VN-Index sẽ còn vận động quanh 1.485-1.515 điểm trong tuần tới trong bối cảnh dòng tiền chưa mạnh và thiếu đồng thuận do các yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Chứng khoán SHS nhận định thị trường đang có những yếu tố không lường trước và những tin tức này có thể làm thay đổi xu hướng trong ngắn hạn. Nếu không có bất ngờ thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.470-1.520 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại.
Chứng khoán Rồng Việt tin rằng chỉ số vẫn chịu áp lực tại vùng cản 1.510 điểm. Nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố rủi ro và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý, ưu tiên những cổ phiếu có tín hiệu tích cực từ vùng tích lũy và đang thu hút dòng tiền.
Chứng khoán Đông Á dự báo xu hướng giao dịch của VN-Index trong tuần tới có thể vẫn dao động nhẹ quanh 1.500 điểm.
Nhà đầu tư có thể giữ danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, dành sức mua để đón nhận cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh, hướng đến đầu tư trung dài hạn vào cổ phiếu thép, dầu khí, cổ phiếu vật liệu xây dựng, khu công nghiệp.