Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Theo đó, cơ quan này đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành nghị quyết và trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tùy điều kiện thực tế.
"Quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh thời gian qua", VCCI đánh giá.
Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
"Chính sách giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất hiện nay đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới", Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lý giải.
VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 23/9, Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...
Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 2 mức thuế trên đối với xăng dầu. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ Tài chính, nếu thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế từ ngày 1/11 đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng thì dự kiến tác động của biện pháp giảm thuế theo phương án này giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,15%.