Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu cứu

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết với tình hình chiết khấu 0 đồng như hiện tại thì hàng nghìn cây xăng chỉ có thể trụ nổi trong vòng một tháng nữa.

Tại Hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" diễn ra sáng 21/9, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu bằng 0 đồng/lít trong suốt thời gian dài khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Trung Sơn, đại diện doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) cho biết doanh nghiệp lỗ gần một tỷ đồng từ đầu năm đến nay vì chiết khấu thấp.

"Chỉ khi chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt... và trên 1.500 đồng/lít, doanh nghiệp mới có lãi", ông nói.

Ông Sơn tính toán với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì doanh nghiệp lỗ tương ứng khoảng 1.500 đồng/lít. Theo đó, với doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ lỗ rất nặng. "Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không thể trụ nổi nếu tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng, bắt buộc phải đóng cửa", chủ doanh nghiệp này thừa nhận.

doanh nghiep xang dau anh 1

Việc chiết khấu thấp khiến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Ảnh: Đức Anh.

"Chiết khấu bằng 0 thì không doanh nghiệp nào có thể tồn tại"

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải - thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội cho biết từ quý II trên thị trường xăng dầu đã nảy sinh nhiều bất cập khiến doanh nghiệp xăng dầu càng bán càng lỗ.

Cụ thể, về chiết khấu (hoa hồng của doanh nghiệp đầu mối chia cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ), ông cho biết từ tháng 7 đến nay, mức chiết khấu rất thấp, có thời điểm chiết khấu xuống còn 0 đồng/lít tại kho đầu nguồn.

"Với chiết khấu như trên, doanh nghiệp càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương yêu cầu bán hàng và không được phép đóng cửa", ông Hạnh nêu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.

Với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có doanh nghiệp nào tồn tại được.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu.

"Do đó, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng doanh nghiệp phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy", bà Hường kiến nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng xăng dầu là mặt hàng chịu quản lý của Nhà nước và phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Bảo, với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. "Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông nói.

doanh nghiep xang dau anh 2

Kinh doanh xăng dầu đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Ảnh: Duy Hiệu.

Hàng loạt khó khăn

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác cũng đưa ra nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến cách tính giá cơ sở, quy định nhập xăng dầu... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Điều 3, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn tới thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp..

"Cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, vì xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ, trong khi các kỳ nghỉ đang có xu hướng kéo dài để kích cầu. Nếu chờ đợi qua ngày nghỉ không phải điều hành theo thị trường mà là quay về tư duy bao cấp", bà nói.

Cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Hạnh dẫn thực tế một lít xăng từ khâu vận chuyển kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng phải chi 1.217-1.341 đồng/lít; với dầu là 1.130-1.254 đồng/lít.

"Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Đồng thời, cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh", chủ doanh nghiệp này kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Nhà nước nên thay đổi về mặt tư duy coi xăng dầu là một loại hàng hóa bình thường và điều hành giá theo cơ chế thị trường.

Giá xăng dầu có thể giảm tiếp hơn 2.000 đồng/lít

Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 21/9 dự kiến có đợt giảm tiếp. Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn.

Sở Công Thương TP.HCM: Chỉ 2 trên 550 cây xăng ngưng bán hàng

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn chỉ có 2/550 cửa hàng ngưng hoạt động do sửa chữa trong thời hạn 15-30 ngày, do đó nguồn cung xăng dầu cho người dân vẫn đáp ứng đủ.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm