Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VCCI: 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm

Khảo sát của VCCI cho thấy 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% chỉ trụ được nửa năm trong bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh.

Mới đây Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã có công văn gửi Thủ tướng phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như kiến nghị một số giải pháp.

Theo ông Lộc, "cuộc chiến" kinh tế để chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn.

Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI, gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền; trên 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu, 82% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019…

doanh nghiep pha san vi dich anh 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Đức Phạm.

Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm, trên 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. Hệ lụy này có thể khiến hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc trong những tháng tới.

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI kiến nghị với Thủ tướng một số giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp.

VCCI đề nghị trừ một số lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ Y tế cần có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp… để hướng dẫn xử lý và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm Covid-19, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, doanh nghiệp khi không cần thiết.

Đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh. VCCI cũng đề xuất cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể.

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ngoài ra, đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

VCCI cũng đề xuất có mức giảm sâu thêm 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.

Về dài hạn, Chủ tịch VCCI nhận định nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng.

Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp, đặt ra bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp.

Ông Lộc nhấn mạnh cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu dịch.

“Đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất”, ông Lộc chia sẻ.

Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm