Hiện tại, nhiều nhà máy sản xuất xe hơi lớn của Việt Nam đang phải đóng cửa do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, một số nhà máy khác vẫn hoạt động thì gặp khó khăn về lao động và tiêu thụ.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn kép, nghĩa là vừa khó khăn trong sản xuất, vừa khó khăn về tiêu thụ.
Khó khăn khi đóng cửa và mở cửa
Mới đây, Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và TC Motor đều thông báo tạm ngưng sản xuất, lắp ráp tại nhà máy để tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Ford Việt Nam cũng đã tạm dừng hoạt động nhà máy tại Hải Dương từ 26/3. Đại diện của Ford Việt Nam cho biết việc dừng hoạt động sản xuất sẽ kéo dài trong vài tuần tùy thuộc vào tình hình bệnh dịch.
Nhiều nhà máy thông báo tạm ngưng sản xuất, lắp ráp tại nhà máy để tham gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Toyota cho biết tạm dừng sản xuất tại Việt Nam từ 30/3. Trước đó, toàn bộ đại lý và chi nhánh Toyota tại Hà Nội đã tạm thời đóng cửa phòng trưng bày và xưởng dịch vụ dự kiến từ 28/3 đến 15/4
Honda Việt Nam dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy tại Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 4. Doanh nghiệp này cho biết việc hoạt động trở lại sẽ phụ thuộc tình hình dịch bệnh chung và chỉ thị của Chính phủ.
Tương tự, TC MOTOR cũng tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy lắp ráp ôtô Hyundai tại tỉnh Ninh Bình từ ngày 1/4 tới 15/4.
Trong khi đó, vẫn có số ít doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam duy trì sản xuất, lắp ráp.
Đại diện Thaco cho biết nhà máy sản xuất ôtô ở Chu Lai (Quảng Nam) vẫn hoạt động bình thường. Theo đó, doanh nghiệp này nhập và chuẩn bị linh kiện trước 6 tháng, do đó vẫn còn đủ để kéo dài sản xuất.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nhất định tới một số hoạt động của Thaco. Cụ thể, nhiều chi nhánh bán xe khắp cả nước phải tạm dừng hoạt động đến 15/4. Nhân viên văn phòng được yêu cầu giãn cách làm việc nên chỉ khoảng 40% đi làm trực tiếp, còn lại được làm việc tại nhà.
Tại nhà máy sản xuất, để thực hiện theo quy định giãn cách, người lao động được yêu cầu giãn cách theo ca, thay phiên nghỉ.
“Chúng tôi có 7.000 công nhân thì thực hiện giãn cách nên duy trì ở nhà máy thường xuyên 5.000 người. 2.000 người còn lại được giãn cách ca, luân phiên nhau nên việc làm của công nhân vẫn đảm bảo như thường”, đại diện Thaco chia sẻ.
Vị này cũng nhấn mạnh các phân xưởng của nhà máy sản xuất ôtô khá rộng lớn, chủ yếu điều kiện bằng robot nên việc giãn cách lao động thực hiện không quá khó khăn. Doanh nghiệp cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Nỗi lo kép
Theo một lãnh đạo VAMA đánh giá, việc các nhà máy ôtô phải đóng cửa trong 15 ngày cách ly xã hội là vấn đề “chưa phải lớn lắm”. Nguyên nhân bởi sau thời gian này, các nhà máy có thể hoạt động trở lại bình thường.
“Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là sản xuất như thế nào và tiêu thụ ra sao”, vị này chia sẻ.
Theo đó, khi dịch bệnh ngày càng phức tạp trên thế giới, việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ôtô thuộc VAMA phụ thuộc 60-70 lượng phụ tùng, linh kiện nhập khẩu từ các nước khác, nằm trong một chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Một chiếc ôtô có hàng nghìn chi tiết, chỉ cần thiếu một là không thể sản xuất được. Việc thiếu linh kiện khó hơn bởi chưa biết khi nào mới lại như cũ”, vị này nói.
Đồng thời, khó khăn thứ hai là việc tiêu thụ xe đang giảm mạnh. Hiện tại, thị trường tiêu thụ ôtô ở Việt Nam rất trầm lắng. Trong khi đó, nhiều ngành vận tải bị yêu cầu dừng hoạt động để chống dịch nên nhu cầu lại giảm sâu hơn. Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa khiến dự báo về việc tiêu thụ xe sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
VAMA đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời cũng kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Việt Linh. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong quý I, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%. Đây là mức giảm sâu so với mức tăng 17,9% cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ôtô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019.
Sản lượng ôtô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ôtô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo dự báo VAMA, lượng tiêu thụ ôtô trong năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của hiệp hội. Lượng xe đến sửa chữa đã giảm khoảng 30-40%. Dự báo về lâu dài số lượng xe này có thể giảm mạnh tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Từ khó khăn đó, VAMA đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời cũng kích cầu tiêu dùng.
“Cân nhắc giảm 50% thuế suất thuế GTGT, 50% thuế trước bạ cho khách hàng mua ôtô để kích cầu tiêu dùng”, VAMA đề xuất.