Hải trình xuyên đêm
Gió thốc nhẹ từ cửa biển Đà Nẵng. Thuyền trưởng Phan Bé (41 tuổi, quê Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhấn 3 hồi còi vang góc âu thuyền Thọ Quang, rồ máy, nhổ neo tàu Sang Fish 01.
Chỉ bằng 3 cú đánh lái, thuyền trưởng Bé dễ dàng đưa con tàu vỏ thép dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chuyển hướng, luồn lách qua những dãy dài tàu gỗ đang neo đậu ở âu thuyền, trước sự tròn mắt ngạc nhiên của cánh đồng nghiệp tàu gỗ.
“Bình thường tàu gỗ nặng, máy chậm, góc quay nhỏ phải mất 5-7 “đỏ” (đánh lái) mới có thể ra ngoài cầu cảng. Tàu sắt lợi hại thiệt!”, anh Hồ Văn Đức (42 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam), ngư dân trên tàu hồ hởi.
Đêm 12/8, tàu thuyền ra vào sôi động cửa biển Đà Nẵng. Anh Bé cho tàu tạm ngừng phía cửa biển, bày biện đủ hương hoa, lễ vật làm lễ “xuất quân”.
Hạ thủy hơn tháng nay và đưa vào thử nghiệm nghề hậu cần, thu gom hải sản trên biển, nhưng đây là hải trình đầu tiên tàu vỏ thép Sang Fish 01 hành nghề lưới vây. 23 lao động được huy động khắp các làng chài miền Trung. Thuyền trưởng Bé thành kính thắp hương, khấn vái, mong chuyến biển thiên thời - hải lợi - nhân hòa.
“Ngày trước đi biển còn khó khăn, nguy hiểm, phương tiện lạc hậu. Giờ tất cả đều trang bị tận răng, tàu vững chắc, an toàn hơn, chỉ mong mọi người đồng tâm nhất trí, thêm một chút may mắn là thành công” - anh Bé tin tưởng.
Trên cabin, chỉ huy tàu Lê Văn Sang cẩn thận đảo mắt qua hàng loạt thiết bị hàng hải, rađa, la bàn, máy Icom, định vị… Các thông số hiển thị cụ thể từng mực nước, hướng sóng, vị trí và tốc độ di chuyển của tàu.
Ra khỏi cửa biển, sóng mạnh dần, tàu chao nghiêng rồi trả lắc nhẹ nhàng. Suốt đêm, con tàu đạp sóng với tốc lực 8-9 hải lý/giờ. Vùng biển khơi xa Hoàng Sa - Đà Nẵng tiếp tục đón chúng tôi bằng những trận sóng lừng mạnh hơn.
Từng con sóng bạc đầu, giật cấp 5-6 như “nắn gân” con tàu mới. Thuyền trưởng Bé đánh mũi tàu xé toạc từng lớp sóng, đưa tàu về vị trí đã lập trình cách Đà Nẵng chừng 84 hải lý trước khi tắt máy, thả neo.
Tàu cá vỏ thép Sang Fish 01. |
Cả vùng biển rộng lớn, như kín tầm mắt những con tàu lớn nhỏ neo đậu cách nhau chừng vài trăm mét. “Tọa độ vàng đó, cá lúc nhúc phía dưới nhưng nước chảy xiết thế này phải đến đêm mới bủa lưới được”, anh Bé chỉ tay về màn hình máy dò, nói. Trên màn hình, những chấm vàng ken đặc, nhúc nhích chạy. Vị trí cá nhiều nhất, cách mặt nươc chừng 30-40 m.
Khởi đầu nan
Tuy nhiên, ai nấy khá chật vật với những mẻ lưới vây rút chì đầu tiên. 1h sáng 14/8, chỉ huy trẻ Lê Văn Sang hụ còi, đốc thuyền viên vào vị trí máy tời, thả chì, đứng dọc dài trên be chắn lưới, bắt đầu công việc. Gần 1.000m2 lưới, sâu 170m hối hả “tuôn” xuống lòng biển. Thuyền trưởng Bé tay chắc bộ đàm, đánh lái quay vòng tròn bọc cá.
Hơn tiếng đồng hồ, các công đoạn thả lưới diễn ra trơn tru, bài bản. Trên boong tàu, hai con lăn máy tời chính gầm gừ kéo sợi dây thừng to bằng cổ chân, rút chì.
Đang kéo tời thắt đáy thành chiếc túi khổng lồ vây cá, bất ngờ khớp nối con lăn tời với trục chính bị nứt, xì khói. Tời hư, 23 thuyền viên đứng khựng không thể dùng sức tay kéo lưới. Những luồng cá ken đặc theo lỗ hổng vờn ra lòng biển.
Mẻ đầu trắng tay, cả tàu chưng hửng. Các thuyền viên trắng đêm dùng 2 tời phụ kéo lưới. Cả trăm mét lưới bị kéo rách, các vòng chì xô dồn khiến việc khắc phục thêm khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan, hầu như tàu mới nào mở biển cũng gặp những sự cố”, anh Sang trấn an.
Cả ngày, các thành viên trên tàu tích cực vá lưới, sửa tời. Máy trưởng Tống Văn Tương (32 tuổi, quê Lệ Thủy, Quảng Bình) thạo cả nghề cơ khí. Anh Tương bảo: tời có thiết kế chịu lực đến vài chục tấn, riêng dàn chì nặng đến 3 tấn. Mới đang kéo ở những dây đầu, sức nặng chỉ chừng 2-3 tấn nhưng đã bị hư tời do khớp nối yếu nên bị bứt. Anh Tương lấy máy cưa, hàn tạo thêm mối nối, tăng lực liên kết, độ kéo cho tời.
Không nản, cả tàu tiếp tục hy vọng mẻ lưới thứ hai. 9h tối 14/8, nước chảy xiên tốc độ chừng 2 lý/giờ. Các tàu bên tắt đèn gom cá. Anh Sang hụ còi, bắt đầu thả lưới vây. Hơn 1 tiếng đồng hồ, mọi việc suôn sẻ, thêm nửa tiếng kéo lưới, tất cả đều “ngon”. Bất ngờ các trục truyền dẫn lực tời chính bốc khói.
Tời đứng khựng, 4 con ốc to dài nối trục bứng văng ra ngoài. Tời lại hỏng! Mẻ lưới đang kéo rút 80%, vẫn còn khoảng trống lớn dễ mất cá. “Còn nước còn tát”, anh Bé bỏ cabin, chạy thốc xuống dưới hầm tàu cùng máy trưởng Tương, chỉ huy Sang kiểm tra.
Giọng anh Sang gắt: Làm thế này chết dân à! Những ngày thử tời tôi đã kiến nghị trục lực ly tâm bị lệch, bộ phận kỹ thuật đơn vị đóng tàu đến kiểm tra, khắc phục nhưng “bệnh chính” lại không được chỉnh sửa. Trục nối lệch dẫn đến lực không đồng nhất, tác động vào các đinh vít, gây cháy đứt đinh.
Sự cố hư tời liên tục trong các mẻ lưới đầu tiên trên tàu Sang Fish 01. |
Anh Sang xé toặc lớp nhựa bọc tường, mở trục khắc phục. Gần nửa tiếng, việc “cải tạo” hoàn thành. Nhưng vừa kéo rút thêm 5-7 vòng chì lên boong, máy tời lại giật liên hồi do “vết thương tái phát”.
“Bình thường mất vài ba tiếng là xong mẻ lưới vây, nhưng hư hỏng thế phải thêm dăm ba tiếng nữa. Mệt”, anh Bé gằn giọng. 5 tiếng bủa lưới, kéo vây, tàu Sang Fish 01 có đến 3 lần hư trục. Cá trồi hết về lại biển, chỉ còn 2-3 tạ cá sót lại “an ủi”…
Và kỳ vọng
Mỗi ngày con tàu vỏ thép lầm lũi khoan vào lòng biển từng mẻ cá thí điểm. Thuyền trưởng Bé cho tàu di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau trước khi chạm mặt vào ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
“Chuyến biển 20 ngày này, tàu đánh bắt ngang dọc Hoàng Sa, và có thể đến cả vùng Trung Sa. Biển động, đánh bắt thêm khó khăn nhưng như thế để đánh giá tàu chính xác hơn”, anh Bé nói. Lúc này, cả chục tàu Bình Định, Quảng Bình, Đà Nẵng có mặt, ráp đội hình đánh lưới vây tấp nập. Đêm, biển trời Hoàng Sa rực sáng dưới những dàn đèn cao áp hai bên mạn tàu thuyền.
Tranh thủ giờ nghỉ, anh Hồ Văn Đức thả câu “tăng gia sản xuất”. Những con cá hố dính câu kéo vội lên mặt biển, chế món gỏi đặc sản Hoàng Sa. 24 năm gắn nghiệp ngư dân, anh Đức theo miết nghề câu mực. Đây là chuyến biển đầu tiên của anh trên tàu vỏ thép và hành nghề lưới vây rút chì. Ngư trường Hoàng Sa dồn nén biết bao kỷ niệm, giông bão đời ngư phủ. Cánh bạn tàu gọi anh là “nhân chứng Chanchu, người trở về từ cõi chết”.
Ngày ấy, chuyến câu mực trên tàu ông Phạm Văn Thành (Thanh Khê, Đà Nẵng), bất ngờ lạc giữa tâm bão Chanchu (tháng 4/2006) đổi hướng. Kế bên, các tàu của anh trai Nguyễn Văn Ba cùng cháu trai Nguyễn Văn Tam vật lộn cùng từng lớp sóng dữ. Con tàu gỗ chẳng khác nào như chiếc lá tre giữa trận cuồng phong, bão táp.
Máy Icom rèn rẹt tiếng kêu cứu của anh Ba rồi tắt ngấm. Tàu lật úp, các thuyền viên bị nhấn chìm. Xác cháu Tam bỏ lại giữa Hoàng Sa, chỉ vớt được thi thể anh Ba. Đại tang làng chài hậu bão Chanchu vẫn còn trong ký ức của những ngư phủ như anh Đức.
Biển lặng, anh lại vươn khơi, gắn mình với nghiệp câu mực. “Có tàu vỏ thép rồi, thấy tiện nghi, thoáng đãng và không sợ… chết nữa. Con tàu thiết kế với khả năng chống lật, chịu sóng gió lớn, tạo sự tin tưởng cho ngư dân”, anh Đức nói.
Ngư dân Nguyễn Công Nhất (32 tuổi, cùng quê Thăng Bình) hào hứng: Chỉ riêng như chuyện sinh hoạt đã “sướng” nhiều lần rồi. Tàu thép có trang bị vòi nước, nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi thoáng đãng. Như tàu gỗ anh em cứ “trả về với tự nhiên”, ra hai bên mạn tàu nhiều lúc nguy hiểm khó lường.