Theo AFP, các nhân viên không tìm thấy thi thể của Emanuela Orlandi - cô gái mất tích cách đây 36 năm, và thậm chí còn bí ẩn hơn nữa khi họ không hề tìm thấy hai thi thể được ghi trên bia mộ. Nói cách khác, hoàn toàn không có gì được tìm thấy trong hai ngôi mộ tại nghĩa trang Teutonic.
"Tôi không hề nghĩ tới việc sẽ tìm thấy những ngôi mộ trống rỗng", anh trai của nạn nhân, Pietro Orlandi, chia sẻ. Người đàn ông 60 tuổi và gia đình vẫn không ngừng các nỗ lực tìm kiếm người phụ nữ này trong 36 năm qua.
"Chúng tôi thật sự không thể tin nổi", bà Laura Sgro, luật sư của gia đình, cho biết.
"Gia đình xứng đáng được biết điều gì đã xảy ra. 36 năm đã trôi qua, đã có tới 3 giáo hoàng khác nhau ở Vatican", bà Sgro nói.
"Có ai đó biết về sự việc, nhưng đang giữ im lặng vì 'luật im lặng' hoặc lo sợ bị trả thù. Emanuela cần được tìm thấy. Xin hãy liên hệ với chúng tôi", bà Sgro nói thêm.
Các nhân viên mở nắp hai ngôi mộ trong nghĩa trang Teutonic ở Vatican, nơi có bức tượng thiên thần chỉ tay xuống. Ảnh: AFP. |
Gia đình Emanuela từng hy vọng khi nhận được một tin nhắn nặc danh với nội dung: "Hãy nhìn vào nơi thiên thần đang chỉ đến", chỉ dẫn đến 2 ngôi mộ ở nghĩa trang Teutonic bên trong Vatican, nơi có bức tượng thiên thần.
Nghĩa trang Teutonic nằm cạnh Vương cung Thánh đường Thánh Peter, nơi đây chứa hài cốt của các chiến binh Thụy Sĩ hy sinh khi bảo vệ Vatican chống lại các lực lượng của Vương quốc Italy mới hồi năm 1870. Đây cũng là nơi chôn cất dành riêng cho các thành viên của các tổ chức tôn giáo nói tiếng Đức ở Rome.
Hai ngôi mộ thuộc về 2 công chúa, được chôn vào các năm 1836 và 1840. Vatican cũng đã liên hệ với con cháu của 2 công chúa này để thông báo rằng "những gì còn lại của tổ tiên họ đang mất tích".
Tòa thánh cũng cho biết sẽ tra cứu về những hoạt động liên quan đến 2 ngôi mộ này trong thế kỷ 19, và những lần khác trong thập kỷ 1960 và 1970 để xác định điều gì đã xảy ra.
Các giả thiết và thuyết âm mưu về sự mất tích của Emanuela Orlandi đã lan truyền khắp Italy trong hàng thập kỷ qua.
Một thuyết âm mưu cho rằng thiếu nữ trẻ, vốn là con gái một nhân viên ngân hàng Vatican, bị bắt cóc để đổi lấy sự tự do cho một tay súng đang bị giam giữ vì cố ám sát (không thành công) Giáo hoàng John Paul II vào năm 1981.
Năm ngoái, các công nhân tu sửa tòa thánh ở Rome phát hiện một bộ xương người gần như hoàn chỉnh tại văn phòng ngoại giao. Trước khi Emanuela Orlandi biến mất khoảng vài tuần, Mirella Gregori, một cô gái khác, cũng mất tích.
Báo cáo ban đầu cho thấy bộ hài cốt này là của phụ nữ. Tuy nhiên, ba tháng sau, các điều tra viên đã khép lại vụ án, cho rằng hài cốt là của một người đàn ông.
Enrico De Pedis, ông trùm của băng Magliana từng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ bắt cóc Orlandi. Đã có suy đoán rằng cô gái được chôn cùng với người này, nhưng xét nghiệm DNA không tìm thấy kết quả trùng khớp.