Matthew Evans, sống tại hạt Devon của Anh cho biết anh đã đứng hình mất 10 giây khi nhìn qua cửa sổ và thấy một ánh sáng lạ lơ lửng trên biển. Kể lại với Plymouth Live, Evans cho biết vật sáng này sau đó tăng tốc và đi về phía xa.
Hình ảnh vật thể lơ lửng trên mặt biển được Matthew Evans chụp lại. Ảnh: Matthew Evans. |
Trong bức hình được anh đăng tải trên mạng xã hội, có thể thấy 4 chấm sáng chụm thành một cụm, lơ lửng trên mặt biển. Anh cho biết chỉ vài giây sau khi chụp bức ảnh, chùm sáng dường như chạy về phía xa và biến mất.
"Cửa sổ căn bếp của tôi nhìn ra biển rất rõ, nên tôi có thể nhìn thấy ngay. Chùm sáng không bay nhanh như máy bay, mà di chuyển rất chậm và dường như đứng im trong gần 10 giây. Tôi chỉ vừa kịp chụp ảnh thì nó đã bay đi mất. Nó thật sự rất sáng", Evans kể lại.
Sau khi anh đăng tải tấm hình lên mạng, nhiều người dùng nghĩ ra cách giải thích chùm sáng này. Có người cho rằng đó là ánh sáng mặt trời khúc xạ qua mây, có người lại khẳng định đó là đèn đường phản chiếu lên cửa sổ. Một số người thì cho rằng do trời tối, mây kéo đến trên đường chân trời nên Evans không nhìn ra đây chính là ánh đèn từ một chiếc tàu.
Đến nay, chưa có chuyên gia nào đưa ra lời giải thích cho bức ảnh của Matthew Evans. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu người dùng tại Anh đăng tải những bức ảnh với vật thể lơ lửng trên biển.
Trong bức ảnh đăng tải ngày 18/3, du thuyền “Anthem of the Seas” nặng 168.000 tấn của hãng Royal Caribbean trông như đang “bay lơ lửng” ngoài khơi bờ biển Bournemouth. Trước đó, cũng có 2 trường hợp ảnh chụp tương tự.
Du thuyền "Anthem of the Seas" như thể đang bay lơ lửng hôm 18/3 gần Bournemouth. Ảnh: Triangle News/Ryan Rushforth. |
Theo giới chuyên gia, những bức ảnh này được tạo nên bởi hiện tượng nghịch nhiệt.
Chuyên gia thời tiết của BBC, Jen Bartram cho biết “con tàu lơ lửng” là một ảo ảnh. Khi xảy ra ảo ảnh, vật thể có thể trông như đang ở phía trên đường chân trời.
“Trò đùa của ánh sáng là do hiện tượng nghịch nhiệt - một lớp không khí lạnh gần mặt biển, ở trên lại có một lớp không khí ấm hơn”, ông nói.
Điều này ngược với điều kiện bình thường, là khi lên càng cao trong khí quyển, thì nhiệt độ càng phải lạnh (vì vậy mà đỉnh núi thường lạnh hơn chân núi).
“Khi ánh sáng đi từ con tàu đến mắt chúng ta, ánh sáng đó đã bị lệch về phía lớp không khí lạnh hơn, dày hơn (ở dưới), và hiện tượng khúc xạ này khiến mắt chúng ta tưởng con tàu cao hơn nhiều so với thực tế”, ông giải thích thêm.
Ảo ảnh tương tự cũng có thể khiến vật thể đằng sau đường chân trời trở nên nhìn thấy được đối với chúng ta, ông Bartram nói thêm. “Đó sẽ là một cảnh tượng tuyệt vời”, ông nói.