Vật lộn trong biển nước để cứu người sau vụ vỡ đập ở Lào
Thứ tư, 25/7/2018 06:58 (GMT+7)
06:58 25/7/2018
Quan chức Lào cho biết khu vực đang bị bủa vây bởi biển nước đục ngầu cũng là vùng không có sóng điện thoại, nhóm cứu hộ đang rà soát khu vực để cung cấp hỗ trợ cơ bản trước tiên.
Đập của công trình thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu đổ sụp vào 20h ngày 23/7, mang theo 5 tỷ m3 nước nhấn chìm gần 5 bản của huyện Sanamxay. Nhiều nhà dân bị cuốn trôi. Hàng trăm người mất tích và hàng nghìn người lâm vào cảnh không nhà cửa sau sự cố vỡ đập. Ảnh: Reuters
Lực lượng cứu hộ đang đối mặt nhiều thách thức về đi lại và liên lạc do địa bàn bị ảnh hưởng có phạm vi rất rộng. Ảnh: Reuters
Vụ vỡ đập đã gây ngập úng ở 6 làng thuộc huyện này, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là 2 làng Hinlad và Mai. Hơn 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Người dân được bố trí đến ở tại khu lều dựng tạm sau khi sự cố xảy ra. Ảnh: Reuters
Theo các thông tin địa phương, Ban cứu hộ trung ương Lào đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ. Ảnh: Reuters
Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt.
Ảnh: Reuters
Đại diện tỉnh Salavan lân cận trao viện trợ tiền, quần áo khô và thực phẩm cho chính quyền tỉnh Attapeu. Chia sẻ với Zing.vn tối 24/7, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết một số công nhân của công ty bị cô lập tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak. doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án đưa người lao động ra khỏi vùng ngập. Công ty cũng khẳng định đang hợp tác với chính phủ Lào để triển khai hoạt động cứu hộ những người dân gần khu vực vỡ đập. Ảnh: ABC Laos.
Các nỗ lực cứu hộ đã được tiến hành ráo riết. Hình ảnh trên Facebook của trang ABC Laoscho thấy một đội cứu hộ đến từ Thái Lan đã đến tỉnh Attapeu và sẵn sàng cho chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân tại vùng lũ Sanamsay. Một công ty điện lực Thái Lan Ratchaburi có tham gia vào dự án thủy điện. Ngày 24/7, công ty này xác nhận một đập dài 770 m đã sụp đổ do không đủ sức chuyển dòng. Tình hình mưa lớn liên tiếp làm mực nước tăng đột biết, vượt sức chịu đựng của con đập. Ảnh: ABC Laos.
Quân đội và lực lượng cứu hộ được điều động gấp rút bằng trực thăng đến Attapeu. Chính quyền địa phương phía Đông Nam Lào đang phải căng sức hỗ trợ hàng nghìn người dân vừa rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì vụ vỡ đập. Ảnh: ABC Laos.
Đài ABC Laos cho hay ít nhất 100 người mất tích trong sự cố vỡ đập.
Ông Mai Khắc Tú, thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào, xác nhận với Zing.vn rằng Đại sứ quán đã tiếp nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy. Ông Tú cho biết Đại sứ quán đang tiếp tục thu thập thông tin và triển khai gấp các công việc cần thiết. Ảnh: ABC Laos.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã hủy bỏ cuộc họp chính phủ hàng tháng để dẫn đầu đoàn quan chức đến huyện Sanamxay chỉ đạo cứu hộ, cứu trợ. Ảnh: ABC Laos.
Biển nước mênh mông nhấn chìm khu vực xung quanh con đập. Ảnh: Reuters
Vị trí đập phụ (số 1) bị vỡ vào đêm 23/7, thuộc dự án thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy. Đồ họa: BBC.
Công trình đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy của Lào đổ sụp vào đêm 23/7, khiến huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, chìm trong biển nước và đẩy hơn 6.600 người vào cảnh màn trời chiếu đất.
26 công nhân của công ty Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện.
Một công ty Việt Nam là nhà thầu trong dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở Lào, nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập khiến hàng trăm người mất tích và nhiều người có thể đã thiệt mạng.