Vỡ đập thủy điện Lào, hàng nghìn người trong cảnh màn trời chiếu đất
Thứ ba, 24/7/2018 16:44 (GMT+7)
16:44 24/7/2018
Công trình đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy của Lào đổ sụp vào đêm 23/7, khiến huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, chìm trong biển nước và đẩy hơn 6.600 người vào cảnh màn trời chiếu đất.
Hãng thông tấn nhà nước Lào (KPL) cho biết vụ việc xảy ra tại đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu vào lúc 20h ngày 23/7. Đập vỡ nhấn chìm nhiều khu vực thuộc tỉnh Attapeu trong biển nước, làm "một số người thiệt mạng và vài trăm người mất tích", đồng thời cuốn theo một số ngôi nhà ở phía nam huyện Sanamxay. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã hủy cuộc họp chính phủ hàng tháng để dẫn đầu đoàn quan chức đến huyện Sanamxay chỉ đạo cứu hộ, cứu trợ. Ảnh: ABC Laos.
Vụ vỡ đập gây ngập úng ở 6 làng thuộc huyện này là Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, và Samong. Trong số các làng này, 2 làng Hinlad và Mai là chịu ảnh hưởng nặng nhất. Ông Mai Khắc Tú, thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào, xác nhận với Zing.vn rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tiếp nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu. Ông Tú cho biết đại sứ quán đang tiếp tục thu thập thông tin và triển khai gấp các công việc cần thiết. "Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng của Lào và cơ quan đại diện của Việt Nam tại địa phương để xác minh có nạn nhân người Việt hay không. Hiện chưa có thông tin cụ thể, chính xác về thương vong của vụ tai nạn", ông Tú nói thêm. Ảnh: ABC Laos.
Đài ABC Laos cho hay ít nhất 100 người mất tích trong sự cố vỡ đập. Trong khi đó, theo thông tin đăng tải bởi KPL, hiện số người mất tích vẫn chưa được công bố chính thức. Hình ảnh trên Facebook đài này cho thấy người dân tụ tập bên bờ một con sông nước chảy siết. Thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết thêm một số bản chịu ảnh hưởng của vụ vỡ đập có người Việt sinh sống, nhưng không rõ số lượng. Ảnh: ABC Laos.
Theo KPL, gần 5 tỷ m3 nước đã tràn xuống huyện Sanamxay. Lượng nước này tương đương hơn 2 triệu hồ bơi đạt chuẩn Olympics, AFP so sánh. Ảnh: ABC Laos
Hơn 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: ABC Laos.
Chính quyền địa phương đã cho dựng các lều trú ẩn tạm thời cho những nạn nhân chịu ảnh hưởng của đợt lụt do vỡ đập. Ảnh: ABC Laos.
Theo KPL, chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt. Ảnh: Facebook/ Attapeu Today.
Trong nhiều năm qua, Lào đã xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, gây quan ngại cho các nước ở hạ lưu sông. Lượng điện này hầu hết được bán sang các nước láng giềng như Thái Lan. Ảnh: Attapeu Today.
Nhà máy thủy điện Xepian-Xe Nam Noy dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019, theo website PNPC. Theo kế hoạch, khoảng 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại được phân phối tại địa phương.
Ảnh: Attapeu Today.
AFP cho biết đập thủy điện đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (viết tắt PNPC). Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy có công suất thiết kế 410 MW, ước tính cung cấp khoảng 1.860 GWh điện/năm khi đưa vào sử dụng. Ảnh: CM Vietnam
PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3/2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào với một số công ty Hàn Quốc và Thái Lan. Công trình thủy điện này, ước tính tiêu tốn 1,02 tỷ USD, là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào. Ảnh: CM Vietnam.
Dự án nằm trên sông Xe Kong dài 480km bắt nguồn từ sườn phía đông dãy Trường Sơn tại tỉnh Thừa Thiên Huế của Việt Nam chảy qua Nam Lào sang Campuchia rồi nhập vào sông Mekong. Ảnh: CM Vietnam.
Đoạn sông trong vùng xây dựng đập có địa hình dốc, cao trình chênh nhau 800 m. Các công trình đầu mối gồm đập tràn chuyển dòng và 2 đập ngăn sông: đập đất đá hỗn hợp Xe Pian cao 49 m và đập đá lõi đất Xe Namnoy cao 78 m. Nhà máy thủy điện gồm 3 tuabin Pelton có công suất 3×124 MW, sản lượng điện 1927 GWh/năm. Sau khi hoàn thành vào năm 2019, 90% sản lượng điện sẽ xuất khẩu sang Thái Lan. Ảnh: CM Vietnam.
Việc Bắc Kinh đầu tư cho các dự án thủy điện trên sông Mekong được nhiều nước nghèo ở Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng kèm theo đó là cái giá lớn mà môi trường và xã hội phải trả.
Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu.
Thái Lan lên kế hoạch lập quỹ khu vực với các nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển, giảm phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc.