Nửa chặng đường đã qua của World Cup 2018 đã mang đến rất nhiều khoảnh khắc thú vị đầy cao trào hấp dẫn? Chính xác. Bên cạnh những trận đấu kịch tính, bàn thắng đẹp mắt và cả những siêu sao gây thất vọng, người ta không thể nào bỏ qua một điểm nhấn quan trọng tại vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga: công nghệ VAR.
Mỗi lần tham khảo công nghệ VAR, trọng tài đều đưa ra những nhận định chính xác hơn? Đúng vậy. Đã có những tình huống phạm lỗi, những pha chạm tay qua mắt được trọng tài nhưng lại bị VAR "vạch trần"? Không sai.
Công nghệ VAR có ảnh hưởng rất lớn đến các trận đấu tại World Cup năm nay. Ảnh: Getty. |
Rõ ràng, VAR đã góp công không nhỏ giúp các nhà cầm cân nảy mực đưa ra những quyết định chính xác hơn trong trận đấu. Chắc chắn đó là một tín hiệu tích cực để đảm bảo tính công bằng tại World Cup năm nay.
Áp lực từ VAR
Tuy nhiên, cũng chính là VAR đang trở thành đề tài gây tranh cãi nhất tại World Cup năm nay, đặc biệt là trong cuộc thư hùng giữa Bồ Đào Nha và Iran vừa qua, bởi kết quả của cuộc đối đầu này trực tiếp phán quyết số phận của các đội bóng tại bảng B.
Với tính chất gay cấn trên, không có gì ngạc nhiên khi trọng tài Enrique Caceres người Paraguay phải nhận rất nhiều áp lực từ phía các cầu thủ trên sân và cả ban huấn luyện 2 đội trên ngoài đường pitch.
Cristiano Ronaldo đã "tặng" cho Morteza Pouraliganji một cú thúc cùi chỏ trong tình huống không bóng. Sau gần 40 giây đăm chiêu suy nghĩ, trọng tài Nam Mỹ quyết định chỉ rút ra một chiếc thẻ vàng cho CR7 trong sự phản đối của các cầu thủ Iran.
Nhưng rồi, lại chính đội bóng châu Á giành được lợi thế từ công nghệ hỗ trợ trọng tài. Caceres một lần nữa phải đi ra ngoài sân để đánh giá lại tình huống xem bóng có chạm tay của cầu thủ Bồ Đào Nha trong vòng cấm hay không. Cuối cùng, một quả penalty được trao cho Iran, khiến "Seleccao" vuột mất ngôi đầu bảng.
Theo đánh giá của trọng tài Graham Poll của giải Ngoại hạng Anh, trận đấu này chính là một bài test "hạng nặng" cho VAR và cho chính những con người điều khiển nó. Hàng loạt tranh cãi đã nổ ra sau 90 phút thi đấu nảy lửa, cho thấy VAR đã can thiệp sâu vào kết quả chung cuộc đến mức nào.
Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, VAR cũng đang cho thấy "lợi bất cập hại" khi lần đầu tiên được sử dụng tại World Cup.
VAR làm mất đi tính "con người" của bóng đá
Bóng đá không phải là một trò chơi hướng đến sự hoàn hảo. Bóng đá được gọi là môn thể thao vua bởi nó mang đến những cảm xúc mạnh mẽ, vui buồn yêu hận. Nó thuộc về con người và do con người điều khiển.
Từ các cầu thủ, HLV cho đến trọng tài, họ đều là người trần mắt thịt và không ai là không bao giờ mắc sai lầm. Thế nhưng, World Cup hiện tại lại cố gắng xóa bỏ tính "con người" của bóng đá, qua đó khiến bóng đá chẳng khác gì trò chơi Play Station khô khan và máy móc.
Giết chết cảm xúc
Có cảm giác như không phải con người đang sử dụng VAR, mà là VAR điều khiển con người. Cầu thủ và CĐV không dám ăn mừng nếu VAR "chưa cho phép".
Bàn thắng vào lưới nhưng các cầu thủ vừa ghi bàn vẫn cứ nơm nớp một nỗi lo sợ bị ... mừng hụt. VAR hiện tại có một độ trễ nhất định và làm gián đoạn mọi thứ trên sân, từ mạch trận cho đến sự bùng nổ cảm xúc.
Các cầu thủ Iran ăn mừng cuồng nhiệt bàn thắng trước khi trọng tài quyết định không công nhận bàn thắng sau khi tham khảo VAR. |
Vì lẽ đó, giải Ngoại hạng Anh, giải vô địch quốc gia hấp dẫn và có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh, vẫn đang trì hoãn áp dụng VAR. Công nghệ cần phải được chạy trơn tru, các trọng tài phải trao đổi thông tin liên lạc nhuần nhuyễn với nhau trước khi đưa VAR vào sử dụng.
Trọng tài bị "ném đá" nhiều hơn
Hiện tại, FIFA chưa thể đưa ra một bộ điều lệ tiêu chuẩn hướng dẫn cách sử dụng VAR cho các trọng tài và người chơi. Vậy VAR có ý nghĩa gì khi các cầu thủ cứ nhất mực nói có, CĐV phản ứng dữ dội, HLV la ó ngoài đường pitch, nhưng một mình trọng tài nhất mực nói không?
Trong và sau các trận đấu đã qua, không ít đội tuyển đã lên tiếng phàn nàn về các quyết định của trọng tài. Từ vị thế của một nhà cầm cân nảy mực, trọng tài giờ đây còn bị phản đối nhiều hơn, thậm chí trở thành một "thế lực" thứ 3 trên sân bị cả 2 đội bóng lao vào "xâu xé".
Sinh ra thêm những bất đồng
Từ xưa đến nay, ai cũng hiểu việc đánh giá hành vi phạm lỗi của cầu thủ đều "phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của trọng tài". Bóng đá không có trắng đen, đúng sai rõ ràng.
Bóng đá cũng không thể tránh được sự cảm tính, khi phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về một con người. Những bất đồng, tranh cãi là chuyện luôn tồn tại trong bộ môn thể thao này.
Và khi VAR xuất hiện, luật bóng đá vẫn không thay đổi, trọng tài vẫn là "người phán xử" trên sân. Thực tế cho thấy, chính VAR lại sinh ra thêm những bất đồng, mâu thuẫn mới về chuyện có nên tham khảo hay không tham khảo VAR.
Cần cải thiện chất lượng trọng tài hơn là cần VAR
Dù VAR đã không ít lần "cứu sống" vài đội bóng chịu thiệt thòi vì bị phạm lỗi, bỏ lỡ tình huống được hưởng penalty, vẫn có không ít những đội bóng khác chịu cảnh oan uổng khi trọng tài không tham khảo VAR.
Bàn thắng của Thụy Sĩ khiến các cầu thủ Brazil khiếu nại trọng tài sử dụng VAR nhưng không thành công. Ảnh: Reuters. |
Suýt chút nữa đội tuyển Anh đã bị Tunisia cầm hòa sau khi trọng tài bỏ qua 2 tình huống Harry Kane bị phạm lỗi trong vòng cấm. Đen đủi hơn là trận hòa của Brazil trước Thụy Sĩ, khi Zuber trước khi đánh đầu ghi bàn đã có pha đẩy người với Miranda.
Như vậy, VAR dù có bắt trọn những khoảnh khắc này, chỉ cần trọng tài không tham khảo VAR, các đội bóng oan uổng vẫn chịu cảnh thất thế. Việc cần làm không phải là áp dụng công nghệ, mà là cải thiện con người.
Điều FIFA cần thay đổi là nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm của các đội ngũ trọng tài, tìm mọi cách ngăn chặn những tư tưởng và hành động thiên vị của các "vị vua áo đen" trên sân.