Chỉ tính riêng trận U23 Việt Nam gặp UAE, tổ VAR do trọng tài Fu Ming ít nhất ba tình huống liên lạc hoặc có tác động tới quyết định của trọng tài chính Muhamah Taqi. Hai trong số đó không làm thay đổi quyết định của "Vua sân cỏ" người Singapore trên sân. Câu hỏi đặt ra, VAR liệu có quyết định hoặc làm thay việc của trọng tài chính trên sân hay không?
Trọng tài Taqi nhờ sự tư vấn của tổ VAR trước khi ra quyết định. Ảnh: Quang Thịnh. |
VAR là gì
Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên, chúng ta phải hiểu VAR là gì. Đó là viết tắt của video assistant referee (trợ lý trọng tài video).
Theo quy định của FIFA, VAR chỉ được quyền can thiệp ở bốn tình huống: bàn thắng hoặc pha phạm lỗi dẫn đến bàn thắng, penalty hoặc pha phạm lỗi dẫn đến penalty, tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp hay không và xác định chính xác cầu thủ chịu phạt.
Cũng theo quy định, người ra quyết định cuối cùng là trọng tài chính điều khiển trận đấu. Tổ VAR chỉ có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất các phương án xử phạt (nếu có) thông qua bộ đàm.
Tháng 3/2018, VAR được đưa vào hệ thống luật bóng đá sau nhiều năm lên ý tưởng và thử nghiệm ở nhiều giải đấu chuyên nghiệp. World Cup 2018 là giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên sử dụng VAR ở tất cả trận đấu.
VAR hoạt động như thế nào tại U23 châu Á 2020
Tại U23 châu Á 2020, VAR được đưa vào sử dụng với mục đích giảm thiểu những sai sót và tối đa hóa lợi ích dựa trên việc phát hiện những sai sót có thể ảnh hưởng tới cục diện trận đấu.
Dựa trên nguyên tắc, tổ VAR tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 gồm bốn trọng tài sẽ quan sát trận đấu bằng 12 camera được lắp đặt xung quanh sân thi đấu. Có thể nói, khó có tình huống nào bị bỏ sót với hệ thống camera dày đặc và ở nhiều góc độ.
Trận đấu giữa U23 Saudi Arabia và Nhật Bản ghi nhận trường hợp đầu tiên trọng tài phải nhờ VAR trước khi đưa ra quyết định cuối. Trọng tài người Australia Chris Beath cho U23 Saudi Arabia hưởng phạt đền ở những phút cuối trận khi tỷ số đang là 1-1.
Trọng tài Chris xem lại tình huống phạm lỗi của cầu thủ Nhật Bản sau khi nhận báo cáo của tổ VAR. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trọng tài không xem lại quyết định thổi phạt 11 m của mình mà xem lại cầu thủ số 15 hay thủ môn của U23 Nhật Bản đã phạm lỗi với số 19 Feras Al-Birakan. Xác định người phạm lỗi là một trong bốn tình huống VAR có quyền đề xuất.
VAR có quyết định thay trọng tài ở trận U23 Việt Nam?
Ở trận U23 Việt Nam hòa 0-0 trước UAE, trọng tài Taqui có ba lần nhờ đến sự tư vấn của tổ VAR. Lần đầu tiên xác định pha phạm lỗi của Tấn Sinh có dẫn đến quả penalty hay không. Lần thứ hai, pha dứt điểm của Hoàng Đức chạm tay hậu vệ UAE có đủ điều kiện hưởng một quả phạt đền
Lần cuối, trọng tài cần xác định tình huống Majid Mobarak phạm lỗi có đáng nhận thẻ đỏ. Ở cả ba tình huống đó, trọng tài người Singapore dù thay đổi quyết định hay không, đều không dùng đến màn hình xem lại dành riêng cho ông như cách trọng tài Chris Beath đã làm.
Hình ảnh tương tự cũng thường thấy ở giải Ngoại hạng Anh. Các trọng tài hiếm khi xem lại tình huống mà thường đưa ra quyết định sau khi thảo luận cùng tổ VAR.
Theo Liên đoàn Bóng đá châu Á, VAR có thể hỗ trợ trọng tài chính bằng hai cách: sử dụng thông tin từ VAR để quyết định hoặc xem lại tình huống gây tranh cãi và đưa ra đánh giá ở khu vực dành riêng cho trọng tài.
Trao đổi cùng Zing.vn, Trưởng ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Dương Văn Hiền cho biết, trong cách vận hành của VAR, trọng tài sẽ được tư vấn thông qua bộ đàm bởi bốn trọng tài VAR có thể quan sát rõ và đầy đủ hơn nhờ hệ thống camera quanh sân.
"Ở đó, họ quan sát rõ hơn và sẽ đưa ra tư vấn, đề xuất. Quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính. Việc xem lại video hay không cũng phụ thuộc trọng tài chính. Họ cảm thấy cần xem lại để đưa ra quyết định chính xác hơn, ở những tình huống nhạy cảm hoặc chỉ cần thông qua trao đổi với những tình huống rõ ràng", ông Hiền chia sẻ.
Kết thúc lượt đầu bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam tạm đứng thứ 2 với 1 điểm, sau Jordan có 3 điểm nhờ trận thắng 2-1 trước Triều Tiên ở trận đấu muộn. Ngày 13/1, thầy trò HLV Park Hang-seo gặp Jordan lúc 20h15.