Hoạt động từ năm 2011 với vỏn vẹn 3 chiếc máy bay, đến nay Vietjet Air đã đặt hàng tổng cộng 371 máy bay và đang vận hành 64 chiếc. Nếu nhận đủ số máy bay này theo dự kiến vào năm 2025 và khai thác toàn bộ, Vietjet sẽ trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ có quy mô đội bay hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chỉ thua AirAsia, Lion Air, IndiGo
Hiện ba hãng hàng không giá rẻ có đội bay lớn nhất châu Á lần lượt là Lion Air của Indonesia, AirAsia của Malaysia và IndiGo của Ấn Độ với lần lượt 314, 261 và 213 tàu bay.
Tuy nhiên, số lượng máy bay của Lion Air và AirAsia được tính toán dựa trên tổng số tàu bay của tất cả hãng hàng không thuộc sở hữu hai tập đoàn này. Chỉ duy nhất IndiGo hiện không có hãng con và 213 máy bay đều do hãng bay giá rẻ lớn nhất Ấn Độ khai thác.
Cụ thể, Lion Air Group có 6 hãng con hoạt động tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Hãng bay biên chế ít máy bay nhất của tập đoàn này có 3 tàu bay và nhiều nhất là 118 tàu bay. Trong khi đó, AirAsia Group có 9 hãng con đang vận hành ở Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Philippines. Hãng con có đội bay nhỏ nhất trong AirAsia Group có 2 máy bay và lớn nhất là 94 máy bay.
Đây cũng là ba doanh nghiệp hàng không giá rẻ có số máy bay đã đặt hàng kể từ khi vận hành lớn nhất châu Á. Theo ghi nhận của Airbus đến ngày 31/1, AirAsia Group đã đặt hàng tổng cộng 688 máy bay còn IndiGo là 530 máy bay. Hai hãng này chưa từng đặt mua máy bay của Boeing. Còn Lion Air đã đặt mua tổng cộng 612 máy bay với 225 chiếc của Airbus và 387 chiếc của Boeing.
Đang khai thác chỉ 64 chiếc, kém xa 3 hãng trên nhưng số lượng 371 máy bay đã đặt mua của Vietjet chỉ xếp sau AirAsia, Lion Air và IndiGo trong ngành hàng không giá rẻ tại châu Á.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thị trường, một bức tranh khác được vẽ ra. AirAsia đang hoạt động tại 6 nước với gần 2 tỷ người; IndiGo phục vụ thị trường Ấn Độ gần 1,4 tỷ dân; Lion Air vận hành tại 3 quốc gia với hơn 370 triệu khách hàng. Trong khi đó, Vietjet chỉ đang khai thác tại thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân và có một hãng bay liên kết tại Thái Lan.
Điều này chứng tỏ con số 371 máy bay đặt hàng của Vietjet là rất lớn. Chưa kể đến việc cả ba hãng bay giá rẻ tên tuổi trên đều cất cánh trước Vietjet từ 5 đến 15 lăm.
Một minh chứng khác cho tham vọng lớn của Vietjet là những hãng bay giá rẻ đang biên chế đội bay dưới 100 tàu bay tương tự hãng hàng không Việt Nam là Spring Airlines của Trung Quốc (83 chiếc), SpiceJet của Ấn Độ (75 chiếc) hay Cebu Pacific của Philippines (70 chiếc) đều chỉ đặt mua không quá 200 máy bay từ khi vận hành, kém xa Vietjet.
“371 máy bay là khiêm tốn”
Chia sẻ với Zing.vn, ông Greg Waldron, Tổng biên tập Tạp chí FlightGlobal khu vực châu Á, cho rằng số lượng máy bay Vietjet đã đặt mua là rất lớn. Ông Waldron nhận định Vietjet có thể sẽ dùng đội bay quy mô lớn này để phát triển thị trường quốc tế.
“Tôi nghĩ Vietjet sẽ sử dụng số máy bay này phục vụ nhiều điểm đến quốc tế hơn. Từ năm 2017, số lượt hành khách trên các chuyến bay quốc tế của Vietjet đã tăng trưởng đáng kể. Không chỉ các chuyến bay từ Hà Nội tới Sài Gòn, Vietjet giờ còn chuyên chở nhiều hành khách từ nước ngoài về Việt Nam. Vì vậy, họ có thể dùng nhiều máy bay đã đặt mua để khai thác các chặng bay quốc tế”, ông Waldron cho hay.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia hàng không cũng nhấn mạnh khả năng cho các hãng khác thuê lại tàu bay của Vietjet, đặc biệt là hãng liên kết Thai Vietjet Air của chính hãng hàng không Việt Nam.
“Họ có Thai Vietjet. AirAsia và Lion Air cũng có những đơn hàng rất lớn và bạn có thể thấy họ đưa rất nhiều máy bay sang các hãng con của mình ở Thái Lan", ông Waldron thông tin.
Theo ông Waldron, Vietjet sẽ nhận số lượng máy bay rất lớn, rất nhiều trong số này sẽ ở lại Việt Nam nhưng nhiều máy bay cũng sẽ hoạt động ở nước ngoài cho Thai Vietjet hoặc có thể được cho những hãng hàng không khác thuê. Điều này phụ thuộc vào điều kiện thị trường Việt Nam và cơ hội cho thuê máy bay mà Vietjet nhìn ra.
Một tàu bay của Thai Vietjet cất cánh ở sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan. Ảnh: Yui.F/Planespotter. |
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo của Vietjet xác nhận đội tàu bay hãng đã đặt mua ngoài việc khai thác tại Việt Nam còn hướng đến kế hoạch phát triển liên kết mạng bay với các hãng hàng không liên kết như Thai Vietjet.
“Hãng dự tính sẽ khai thác hết tàu bay của Boeing vì có kế hoạch nhượng quyền thương hiệu. Ví dụ Thai Vietjet sẽ sử dụng 50-60 tàu bay thuê từ Vietjet”, vị này cho biết. Cụ thể, Vietjet dự kiến mỗi năm sẽ đưa thêm 10 máy bay sang cho hãng liên kết ở Thái Lan. Riêng tại Việt Nam, đại diện Vietjet chia sẻ hãng dự định sử dụng đội bay khoảng 190 chiếc và cho rằng “371 máy bay là khiêm tốn”.
Cũng theo lãnh đạo Vietjet, trước mắt hãng sẽ phát triển từng thị trường, trong đó ưu tiên Việt Nam và Thái Lan. “Mạng bay Việt Nam và Thái Lan nối nhau, khách hàng sẽ được lợi khi không cần phải mua vé từng hãng và sử dụng dịch vụ chuẩn như nhau”, vị này cho hay.
Thai Vietjet thành lập năm 2014, hoạt động theo mô hình nhượng quyền từ Vietjet. Trong đó, Vietjet đang sở hữu 9% cổ phần tại Thai Vietjet, theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của công ty.
Đội bay của Thai Vietjet hiện gồm 7 máy bay với 5 chiếc A320 và 2 chiếc A321 của Airbus, khai thác các đường bay nội địa tại Thái Lan và một số đường bay quốc tế từ Thái Lan đi Việt Nam và Đài Loan. Theo báo cáo thường niên của Vietjet, đến cuối năm 2017, Thai Vietjet đã vận chuyển hơn 1,2 triệu khách trên hơn 9.200 chuyến bay.