Năm 2020 sẽ là năm bận rộn đối với ngoại giao Việt Nam khi vừa đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc.
Một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu hiểu rõ nhất về trọng trách tại hai diễn đàn đa phương quan trọng này là nguyên thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh.
Ông từng là đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc từ năm 2004-2011, trong đó có hai năm Việt Nam trong HĐBA (2008-2009). Sau đó, ông là người Việt đầu tiên đảm nhận chức Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017.
Ông đã có những chia sẻ với Zing.vn về “vai trò kép” của Việt Nam năm 2020.
Trái: Đại diện phái đoàn vui mừng khi Việt Nam chính thức được bầu vào HĐBA ngày 7/6. Phải: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu trước báo giới ngay sau đó. |
- Những năm 1990 chứng kiến Việt Nam lần đầu gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU. Nhìn lại, ông thấy ngoại giao đa phương của Việt Nam thay đổi thế nào?
- 30 năm nhìn lại, sự thay đổi đó thể hiện qua vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên thế giới.
30 năm trước, ASEAN cũ từng chỉ có 6 thành viên, đứng về một bên; Việt Nam, Lào, Campuchia đứng về một bên. Ta và ba nước còn lại ở Đông Nam Á lúc bấy giờ chỉ tham gia ASEAN sau quá trình hòa giải khá phức tạp. Giờ đây, Việt Nam đã là thành viên chủ chốt, đang lần thứ 3 làm Chủ tịch chèo lái con thuyền ASEAN trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước ASEAN, quan hệ đối tác toàn diện với hai nước ASEAN khác; Lào và Campuchia luôn là quan hệ đặc biệt.
Việt Nam từ chỗ là bên đối kháng của ASEAN cũ trở thành thành viên chủ chốt của ASEAN mới. ASEAN được đánh giá cùng với EU là hai tổ chức khu vực thành công nhất. Đó là sự thay đổi cơ bản về chất.
Với Mỹ và phương Tây cũng vậy. Từ chỗ là đối thủ của nhau trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động quốc tế, nay quan hệ giữa ta và Mỹ cùng nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ là quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện.
Với vị thế mới, ngoại giao đa phương của ta từ chỗ phải loay hoay đối phó với các vấn đề bị đối thủ áp đặt tới chỗ chủ động nêu ra các vấn đề ta thấy thiết thực để thảo luận, tìm giải pháp, trở thành thành viên có trách nhiệm tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị quốc tế.
Ngoài lần thứ hai là Ủy viên không thường trực HĐBA và lần thứ ba đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, chúng ta cũng từng đảm nhận những chức vụ quan trọng tại các cơ quan Liên Hợp Quốc như Đại Hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội nghị Giải trừ Quân bị, Ủy ban Luật pháp Quốc tế, tham gia vào cơ chế lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn khác.
Đối với ASEAN, sau khi nhiệm kỳ của Tổng thư ký đầu tiên là người Việt Nam kết thúc, chúng ta cũng đang đảm nhận một trong bốn cương vị Phó tổng thư ký (Đại sứ Hoàng Anh Tuấn).
- Việt Nam có thách thức gì khi làm Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ?
- Để hoạt động có hiệu quả tạị HĐBA, cần phải hiểu thấu đáo và nắm vững không chỉ các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế mà cả thủ tục và cơ chế hoạt động rất phức tạp của Hội đồng. Phải nắm được nguồn gốc, bản chất các cuộc xung đột, lợi ích các bên liên quan, trong đó có lợi ích của chính mình, thì khi tham gia hoặc chủ trì quá trình thương lượng mới đề ra được phương thức xử lý hài hòa, đảm bảo cả lợi ích chung và lợi ích riêng.
Các nước ủy viên thường trực là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc có các cán bộ chủ chốt cắm chốt hàng chục năm ở cả trong nước và tại Phái đoàn Đại diện Thường trực chuyên theo dõi và tham gia công việc Hội đồng Bảo an.
Các nước ủy viên không thường trực, đặc biệt những nước lần đầu tham gia HĐBA, có khó khăn hơn trong việc đáp ứng hai yêu cầu trên.
Quân nhân Việt Nam cùng quân nhân các nước tại phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Cục gìn giữ Hòa bình Việt Nam. |
Tuy nhiên chúng ta cũng có những thuận lợi. Lần này VN được bầu vào HĐBA vào tháng 6, tức có sáu tháng chuẩn bị. Nhiệm kỳ trước, tháng 10 mới bầu cử, chúng ta chỉ có hai tháng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, đặc biệt khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch hai lần vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế nhạy cảm, phức tạp nhất như các vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, vấn đề Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, chiến sự ở Gruzia, các vấn đề Bắc Darfur, Sudan, Somali - Ethiopia, Zimbabwe, Dải Gaza, biên giới Campuchia - Thái Lan, Myamar, thậm chí vấn đề đòi đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế xét xử lãnh đạo một số nước chúng ta đã trực tiếp chủ trì thương lượng xử lý.
Bản thân một số cán bộ từng tham gia lần trước nay đảm nhiệm những cương vị chủ chốt tại Phái đoàn Đại diện Thường trực.
- Làm thế nào để cân bằng được lợi ích quốc gia giữa những cạnh tranh lợi ích của những nước rất lớn và các vấn đề quốc tế nóng hiện tại?
- Quan trọng nhất là phải xác định lợi ích của mình nằm ở đâu và gắn với lợi ích chung thế nào để có lập trường phù hợp, ngay cả khi liên quan tới các nước lớn.
Giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung như hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, cần phải tìm ra mẫu số chung. Chẳng hạn, trong vấn đề hạt nhân, dứt khoát Việt Nam không thể chấp nhận bất cứ quốc gia nào có vũ khí hạt nhân hay kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Đó không chỉ là nghĩa vụ của các nước tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), mà còn là đòi hỏi đảm bảo an ninh cho tất cả các nước, trong đó có ta. Ở đây, an ninh khu vực và quốc tế là mẫu số chung.
Khi chúng ta xử lý vấn đề Iran năm 2008, quan hệ song phương về chính trị lúc bấy giờ giữa Việt Nam với Iran rõ ràng tốt hơn quan hệ chính trị với các nước phương Tây, nhưng chúng ta không thể chấp nhận việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân, và chúng ta đã tham gia lập trường chung nhằm đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế.
- Có cải tổ nào về HĐBA mà Việt Nam có thể đóng góp được trong nhiệm kỳ tới?
- Nhiệm kỳ trước, chúng ta cũng tham gia tích cực các sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc, tăng tính minh bạch của HĐBA. Ở HĐBA, từ phòng tham vấn ra đến phòng họp chính thức là hai thế giới rất khác nhau. Trong tham vấn, vai trò 5 nước thường trực lấn át, các nước không thường trực phải bản lĩnh mới giữ được lập trường.
Bản thân Việt Nam cũng có những sáng kiến riêng để tăng tính minh bạch. Chúng ta là nước Ủy viên không thường trực đầu tiên đưa ra và thực hiện sáng kiến tổ chức thông báo cho các thành viên Liên Hợp Quốc nói chung về công việc của Hội đồng Bảo an trong tháng làm Chủ tịch.
Chúng ta cũng tham gia tích cực các sáng kiến cải tổ Hội đồng Bảo an, trong đó có vấn đề mở rộng Hội đồng, tuy quá trình này chưa có nhiều tiến triển do thiếu sự đồng thuận giữa các nước lớn.
- Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ông đánh giá sao về thay đổi này?
- Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình rất có lợi, nâng cao uy tín của Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện để quân đội ta trong thời bình rèn luyện.
Trong ASEAN cũng có ý tưởng thành lập đội quân gìn giữ hòa bình chung. Tuy nhiên, ý tưởng này chưa thể triển khai do chưa có sự ủng hộ của tất cả các nước.
- Chủ nghĩa dân túy đang làm xói mòn các định chế đa phương lớn như trường hợp của WTO. Ông có lo ngại nguy cơ này?
- Chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng trên bình diện chung tại các diễn đàn đa phương, kể cả Liên Hợp Quốc. Tác động của chủ nghĩa dân túy đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại đã thể hiện rõ, đặc biệt trong sự tê liệt của các cơ chế thương mại đa phương dẫn đến xu thế hướng nội, bảo hộ.
Tại HĐBA, tác động của chủ nghĩa dân túy có thể hạn chế hơn do là nơi chủ yếu xử lý các vấn đề hòa bình, an ninh rất sát sườn và có độ nhạy cảm cao. Lợi ích kinh tế vi mô và ngắn hạn khó là yếu tố chính quyết định lập trường các nước.
- Năm 2020 Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN có thể sẽ có những đột phá nào mới?
- Một trong những ưu tiên hàng đầu ASEAN đang triển khai thực hiện là nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc nâng cao sự hiểu biết của chính người dân ASEAN về Cộng đồng ASEAN. Chúng ta đang xây dựng Cộng đồng với khẩu hiệu lấy con người làm trọng tâm, nhằm tăng cường sự đồng thuận và sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng Cộng đồng.
Tiếp tục triển khai thực hiện ưu tiên trên, chúng ta đã chọn chủ đề - là kim chỉ nam cho hoạt động của ASEAN trong năm 2020 - là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Chúng ta cũng tính tổ chức hoạt động kiểm điểm việc thực hiện Hiến chương ASEAN để xác định quá trình này có gì bất cập, trên cơ sở đó kiến nghị cụ thể về nâng cao hiệu lực của Hiến chương, kể cả kiến nghị áp dụng nguyên tắc đồng thuận sao cho linh hoạt hơn nhằm đảm bảo cả hai yêu cầu là không để một thành viên nào bị bỏ lại phía sau trong các quyết định quan trọng của tổ chức, và ASEAN có thể chủ động thích ứng trong sự gắn kết với tình hình khu vực và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng và khó lường.
Bản thân Hiến chương đã có quy định rằng sau 5 năm Hiến chương có hiệu lực năm 2007, nếu các nước ASEAN có đồng thuận, có thể tiến hành kiểm điểm xem xét lại Hiến chương.
- Năm 2012, Ban thư ký ASEAN đã tiến hành khảo sát, cho thấy 81% người được hỏi có nghe về cái tên ASEAN, nhưng 76% trong số 81% đó có nghe nhưng không có hiểu biết về ASEAN. Làm thế nào để tăng hiểu biết của người dân về ASEAN?
- Thậm chí, khi tôi dự diễn đàn doanh nghiệp ở các nước đối tác của ASEAN như Anh, Italy, New Zealand, Australia, nhiều người và doanh nghiệp ở các nước đó còn biết về ASEAN nhiều hơn là khi đi nói chuyện với các cơ sở trong ASEAN.
Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi “ASEAN mang lại lợi ích gì cho người dân ASEAN” là hãy hỏi ngược lại: Nếu không có ASEAN thì liệu người dân ASEAN có được như bây giờ: Tự do đi lại trong ASEAN mà không cần thị thực, hàng hóa thông thương không thuế, lao động lành nghề trong nhiều lĩnh vực có thể tự do đi lại trong ASEAN tìm công ăn việc làm, các nước ASEAN có thể cùng nhau lo đối phó với các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, không phải bận tâm về nguy cơ nội khối...
ASEAN đã có Kế hoạch Tổng thể về Truyền thông. Các nước thành viên cần phải quan tâm hơn đẩy mạnh hoạt động nâng cao hiểu biết về ngôi nhà chung ASEAN.
- Năm vừa qua chứng kiến sự cọ xát rất lớn của các cường quốc tại khu vực. Khi làm Chủ tịch ASEAN, làm thế nào để Việt Nam điều phối trước tình hình cạnh tranh nước lớn?
- Thực ra không chỉ hiện nay, mà 10 năm qua, châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến sự can dự ngày càng tăng giữa các nước lớn. Mỹ triển khai chính sách tái cân bằng từ thời chính quyền Obama, tăng cường hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động vươn tầm ảnh hưởng dẫn đến sự cọ xát gay gắt, không chỉ với Mỹ mà kéo theo sự can dự của các nước lớn khác, đặc biệt là trong khu vực và vấn đề Biển Đông. Tình hình diễn biến phức tạp cả thập kỷ qua, giờ còn căng thẳng hơn.
Trong bối cảnh đó, để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, quan trọng nhất là ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm, tức không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh ấy mà lấy kim chỉ nam là lợi ích của ASEAN thể hiện qua các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiến chương ASEAN, các quy tắc trong các thỏa thuận về quan hệ đối tác với chính các nước lớn đó.
Bản thân tôi, khi còn làm Tổng Thư ký và sau này, tôi vẫn nêu quan điểm của mình rằng ASEAN giữ vai trò trung tâm không có nghĩa ASEAN luôn phải đứng giữa các cường quốc cạnh tranh hay xung đột, mà ASEAN phải đứng trên cạnh tranh giữa các cường quốc, lấy trọng tâm là lợi ích của ASEAN.