Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Vào Hội đồng Bảo an là cọ xát với lợi ích của các nước lớn'

VN đã hiểu rõ “những gì cốt lõi nhất, đan xen nhất” nhờ nhiệm kỳ trước trong HĐBA, và nhân sự ở hai “đầu cầu” Hà Nội và New York đã sẵn sàng góp phần xử lý xung đột trên thế giới.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 1Viet Nam vao hoi dong bao an anh 2

Việt Nam đã hiểu rõ “những gì cốt lõi nhất, đan xen nhất” nhờ nhiệm kỳ trước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhân sự ngoại giao ở hai “đầu cầu” Hà Nội và New York cũng sẵn sàng góp phần xử lý xung đột trên thế giới.

Sau kết quả bỏ phiếu hôm 7/6, Việt Nam đã chính thức trở thành đại diện nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là tổ chức chính trị quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc, quyết định các vấn đề hòa bình và an ninh trên bình diện toàn cầu. 

Ngoài bề nổi là những cuộc họp, nghị quyết công khai, cuộc vận động ở Hội đồng Bảo an còn vô số cuộc họp kín thâu đêm, thương thảo bên lề với nhiều nhóm lợi ích khác nhau, là nơi cọ xát về quan điểm giữa các nước lớn, theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, trong cuộc phỏng vấn mới đây với Zing.vn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh được coi là một trong những chiến lược gia nhiều kinh nghiệm của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là về ngoại giao đa phương vốn là cốt lõi của Hội đồng Bảo an. Nhà ngoại giao kỳ cựu dành phần lớn sự nghiệp với các diễn đàn đa phương.

Ông từng là trưởng SOM ASEAN (Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN) của Việt Nam trong giai đoạn nhiều biến động của 2007-2014.

Trước đó, ông từng công tác hai nhiệm kỳ tại phái đoàn Việt Nam tại LHQ, bao gồm cương vị Phó Đại diện Thường trực của phái đoàn từ tháng 7/1996 đến tháng 8/1999.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 3

- Việt Nam vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lần này có khác gì lần đầu thưa đại sứ?

- Từ sớm Việt Nam đã được nhóm châu Á đề cử là ứng viên duy nhất. Bản thân việc đó thể hiện các thành viên LHQ đánh giá cao khả năng, vị thế của Việt Nam. Chúng ta có những thuận lợi trong nhiệm kỳ này.

Thứ nhất, chúng ta đã có nhiệm kỳ trước 2008-2009 trong HĐBA. Những gì cốt lõi nhất, đan xen nhất của việc tham gia HĐBA mình đã hiểu và nắm được - vai trò, trách nhiệm, cuộc chơi của HĐBA, cách tương tác về quan điểm, lợi ích trong HĐBA để làm sao có tiếng nói, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh, giải quyết các tranh chấp.

Thứ hai, về nhân sự, chúng ta đã có đội ngũ tốt, có kế hoạch đào tạo dài hạn, bổ sung. Nhân sự đó sẽ bố trí ở hai đầu cầu: thủ đô Hà Nội và New York.

Tính chất của HĐBA là có thể họp khẩn cấp, bất cứ lúc nào mỗi khi có vụ việc, xung đột, có thể thâu đêm. Hai đầu khi đó phải trực và có kênh phối hợp xuyên suốt. Nhiệm kỳ này, bộ máy phối hợp thuận lợi hơn nhiều, cũng thừa kế những gì của nhiệm kỳ trước.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 4
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và 10 ủy viên không thường trực có nhiệm kỳ hai năm. Ảnh: Reuters.

- Ông có thể giải thích về cách thức HĐBA vận dụng quyền lực của mình?

- HĐBA là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu về hoà bình, an ninh, được Hiến chương giao. Có nhiều mức, hình thức thể hiện điều này, từ bày tỏ lập trường, khuyến nghị, kêu gọi đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Có nhiều cách thực hiện, chẳng hạn: ra thông cáo báo chí, tuyên bố Chủ tịch HĐBA, tuyên bố, nghị quyết của Hội đồng. Để đạt được, HĐBA phải tham vấn sâu rộng, hướng đến đạt sự chấp thuận của các nước thành viên Hội đồng, có thể theo nhất trí hoặc phải qua bỏ phiếu theo đa số, bao gồm cả 5 nước ủy viên thường trực. Một trong số họ có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua một quyết định của Hội đồng. Nhưng cần lưu ý, HĐBA có quyền cưỡng chế, khi họp theo Chương VII của Hiến chương LHQ, nghị quyết hay quyết định đó có tính ràng buộc, như các nghị quyết trừng phạt, cấm vận.

Khi khẩn cấp, Chủ tịch hoặc HĐBA có thể đưa ra một tuyên bố trước để đảm bảo tính thời gian, sau đó có thể có nhiều cuộc họp, tham vấn, có thêm thời gian để thống nhất về các biện pháp kế tiếp.

Cũng có khi, ở mức thấp hơn nữa, nước chủ tịch chỉ thông báo tóm tắt về phiên họp HĐBA, rằng các nước có ý kiến chung thế này, thế kia, khi mà quan điểm các nước vẫn khác nhau.

- Hoạt động hàng ngày của việc tham gia HĐBA là những gì?

- Về nguyên tắc, HĐBA là cơ quan thường trực, có thể họp bất cứ lúc nào. HĐBA có những cuộc họp thường kỳ, theo chuyên đề, và những cuộc họp đột xuất, khẩn cấp khi có vấn đề nảy sinh. HĐBA có thể họp công khai, trong đó không chỉ các nước trong Hội  đồng, mà các nước thành viên khác của LHQ có thể tham gia, phát biểu. Còn có những cuộc tham vấn kín, tham vấn không chính thức của riêng HĐBA, để chuẩn bị, thương lượng, bàn tính xem HĐBA sẽ xử lý, ra quyết định gì.

Người ta thường thấy bề nổi của HĐBA khi họ họp công khai, nhưng bề chìm mới có nhiều vấn đề xử lý, đó là sự cọ xát về quan điểm, các cuộc tham vấn, giữa các nước thành viên, các nước lớn, các nước có liên quan, còn cả các nhóm khu vực. Rồi Tổng thư ký, Ban thư ký LHQ cũng có vai trò, trách nhiệm của mình, có thể có những đề xuất khác nhau.

Như vậy, khi là thành viên, Việt Nam sẽ phải tham gia đầy đủ, rất sâu rộng, phải tính toán, quyết định xem ứng xử thế nào, tham vấn, thể hiện quan điểm, rồi còn cả thái độ bỏ phiếu nữa. Đó là những tương tác phức tạp, nhiều chiều, phải cân nhắc rất thận trọng, trách nhiệm. Nhiều khi, các nước phải xin thêm vài ba giờ để liên hệ, xin ý kiến thủ đô, đó là chuyện bình thường. Nhưng cũng có lúc phải ứng xử tức thì, tại chỗ, sẽ cần bản lĩnh, dựa trên cả quá trình thông tin, chỉ đạo thường xuyên, thông suốt từ thủ đô.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 5Viet Nam vao hoi dong bao an anh 6

- Ngồi trong HĐBA, Việt Nam có thể phải bỏ phiếu đối với các nghị quyết có tính cưỡng chế, tác động lớn đến thành viên LHQ khác. Việt Nam nên tiếp cận như thế nào?

- Khi tham vấn và thương lượng về những tuyên bố hay nghị quyết của HĐBA, mình phải nhìn dưới nhiều góc độ. Thứ nhất, trách nhiệm của mình trước HĐBA, Hiến chương LHQ; thứ hai, mình cũng phải đại diện cho khu vực, phản ánh quan điểm những nước, các nhóm nước, khu vực, nhất là những nước có vấn đề, lợi ích trực tiếp liên quan - một quá trình cân nhắc nhiều chiều. Đây là câu chuyện vận dụng các nguyên tắc, chính sách đối ngoại, rồi quan hệ của mình với các nước, những người trong cuộc thế nào.

Thông thường, cùng với việc bỏ phiếu, các nước còn phát biểu quan điểm, giải thích phiếu. Chẳng hạn, với một nghị quyết, tuyên bố, nhất là khi nó có ảnh hưởng lớn như có nội dung cấm vận nước nào đó, người ta có thể đồng ý một phần chứ không phải toàn phần, bỏ phiếu thuận, chống hoặc trắng, thì sẽ phát biểu trước hoặc sau bỏ phiếu để giải thích việc này.

Chẳng hạn, một nước có thể bỏ phiếu thuận một nghị quyết về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đó là việc có thể thuận, nhưng nếu trong nghị quyết lại có đoạn họ không đồng ý, chỉ trích nước này nước kia, thì họ có thể phát biểu giải thích về các đoạn này. Có khi, còn đòi bỏ phiếu riêng từng đoạn.

- Nếu các vấn đề liên quan sát sườn lợi ích chúng ta, làm thế nào để chúng ta xử lý một cách cân bằng trong HĐBA?

- Điều quan trọng nhất là chúng ta phải xuất phát từ chính sách đối ngoại của mình là tôn trọng độc lập chủ quyền, xử lý hòa bình các tranh chấp, đồng thời vận dụng nguyên tắc của hiến chương LHQ. Phải có sự khéo léo vận động các nước để bảo đảm làm sao ta vừa đạt lợi ích quốc gia mà vừa duy trì mục tiêu, tôn chỉ của LHQ.

Chúng ta cũng phải tin rằng, Việt Nam đã có vị thế như hiện nay, chắc chắn sẽ trao đổi một cách xây dựng và trách nhiệm hơn với các nước khác.

Khi trúng cử, vừa đại diện cho châu Á, vừa là thành viên của ASEAN, chắc chắn ngoài lập trường của mình, mình cũng tôn trọng, phản ánh những tiếng nói, nguyên tắc đã có của ASEAN.

Chúng ta cũng phải suy tính rằng trong hiến chương LHQ có nguyên tắc và tôn chỉ về xử lý giữa các thể chế khu vực và toàn cầu, trong đó có LHQ và HĐBA. Đó là các nguyên tắc về tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ, hướng tới môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 11

- Vì sao các thành viên HĐBA bỏ phiếu trắng đối với một số nghị quyết?

- Bỏ phiếu trắng là thông lệ không chỉ của HĐBA, mà còn của LHQ. Ở LHQ có phiếu thuận (màu xanh), phiếu chống (màu đỏ). Có thể bỏ phiếu trắng (màu vàng), và có thể không bỏ phiếu. LHQ bỏ phiếu theo đa số những nước có mặt để bỏ phiếu. LHQ có trên 190 nước, nhưng có khi ra bỏ phiếu chỉ còn 150-170 nước, thì đa số tính theo số có mặt, có lúc rất nhiều nước đi đâu không biết (cười), nhưng có lúc vắng mặt là thể hiện lập trường, kể cả đang ngồi đó nhưng chủ ý không bấm nút bỏ phiếu.

Đó là LHQ nói chung. Nhưng ở HĐBA thì khác, các nước thành viên luôn phải có mặt và luôn phải thể hiện thái độ, đó là trách nhiệm trước hoà bình, an ninh thế giới, trước cộng đồng quốc tế.

Quay lại câu chuyện phiếu trắng: trước hết nó thể hiện sự không đồng tình với cả hai vế kia, tức là thuận hay chống. Thuận - họ vẫn có những cái bảo lưu, không hài lòng. Chống - họ cũng đắn đo. Còn thông điệp của họ là gì còn tùy nội dung vấn đề hay các nội dung khác nhau trong nghị quyết.

- Thương thảo bên lề HĐBA có giống hay khác với thương thảo bên lề ASEAN, diễn đàn đa phương mà ông có nhiều năm gắn bó?

- Đó là hai cơ chế rất khác nhau, có tôn chỉ mục đích, cách thức làm việc và thủ tục riêng. HĐBA có quyền lực cưỡng chế, trong đó có 5 ủy viên thường trực là các cường quốc rất lớn, được giao trách nhiệm và đủ quyền lực để tương tác, bảo đảm thực thi, áp đặt cưỡng chế.

Còn ASEAN là sự hợp tác, tham vấn, đi đến sự nhất trí để cùng nhau thực hiện, mà không áp đặt lên nhau. Hai cái đó rất khác nhau.

ASEAN là câu chuyện đồng thuận, còn HĐBA là câu chuyện quyền lực, quyết định bằng bỏ phiếu, nước lớn thậm chí có quy chế phủ quyết.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 12Viet Nam vao hoi dong bao an anh 13

- Cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, thay đổi tương quan lực lượng cũng như chính sách của nhiều nước trên thế giới. Làm thế nào để xử lý cân bằng các cọ xát này khi vào HĐBA?

- HĐBA có vị trí cao nhất trong việc bảo đảm hòa bình, giải quyết xung đột, thúc đẩy các điều kiện để có hòa bình bền vững, và sự ủng hộ của 15 nước thành viên là rất quan trọng, trong đó có các thành viên thường trực.

Không phải bây giờ mới có cạnh tranh nước lớn. Trong lịch sử đã có cạnh tranh gay gắt giữa hai hệ thống trong Chiến tranh Lạnh. Chắc chắn trong các vấn đề khác nhau, các nước nói chung và các nước lớn nói riêng cũng có những quan điểm khác nhau. Ngày nay, cạnh tranh nước lớn càng làm cho cái khác nhau này thêm phức tạp.

Vậy tham gia HĐBA, có mấy việc Việt Nam phải suy nghĩ.

Phải từ chính sách độc lập tự chủ, hòa bình phát triển của Việt Nam mà nhìn nhận xem lợi ích của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề đó như thế nào.

Phải tranh thủ được không chỉ các thành viên HĐBA, mà còn tham vấn với các nước trực tiếp liên quan, tranh thủ được khu vực, để thể hiện được tiếng nói không chỉ của mình, mà còn của các nước liên quan, khu vực, và thành viên LHQ nói chung.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 14
Bất đồng giữa các thành viên thường trực là trở ngại trong việc giải quyết một số xung đột đẫm máu trên thế giới. Ảnh: AP.

- Việt Nam đề ra một số ưu tiên và vấn đề quan tâm cho nhiệm kỳ của mình, trong đó có việc tăng cường vai trò của tổ chức khu vực. Ông đánh giá thế nào về hợp tác của ASEAN vào các nỗ lực của HĐBA?

- Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN. Song hành hai vị trí, đồng nghĩa với gấp đôi trách nhiệm, nhưng làm tốt, cũng sẽ gấp đôi vị thế. Quan trọng là kết nối, làm cầu nối giữa hai cơ chế khu vực và toàn cầu. Ta có thể vừa nói tiếng nói của mình trong HĐBA, vừa nói tiếng nói của ASEAN, chia sẻ quan điểm, sáng kiến khu vực, ASEAN với thế giới, HĐBA. Đó là hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, được quy định trong Chương VIII của Hiến chương LHQ.

Đối với các vấn đề xung đột, chiến tranh, nếu các tổ chức khu vực xử lý được thì HĐBA sẽ ít can thiệp hơn. Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN, chúng ta phải tham vấn ở đây với các nước thành viên, các nước trực tiếp liên quan, để làm sao ASEAN đóng vai trò chủ đạo giải quyết các vấn đề khu vực, để HĐBA không phải can thiệp vào. Đó là điều tốt nhất.

Ngoài ra, ASEAN với LHQ có quan hệ đối tác. Hàng năm các bộ trưởng ASEAN gặp Tổng thư ký LHQ, có lúc mời Tổng thư ký dự các hội nghị ASEAN. Là Chủ tịch ASEAN, ta sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác này.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 15

- Các xu thế mới gây chia rẽ trên thế giới như chủ nghĩa dân túy, biệt lập hay Brexit có làm xói mòn vị thế của LHQ và HĐBA? Phải chăng thế giới sẽ cần những định chế mới thay vì những định chế từ 1945 tới nay?

- Xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, ổn định, phát triển, chẳng hạn như mục tiêu thiên nhiên kỷ trước đây và mục tiêu phát triển bền vững 2030 của LHQ. Thêm nữa là xu thế ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ và chủ nghĩa đa phương trong giải quyết vấn đề. Ngày nay các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đã vượt qua khuôn khổ một quốc gia và khu vực, đòi hỏi hợp tác chung.

Đương nhiên sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ hay dân túy có thể làm cho những vấn đề hay nội hàm của các vấn đề phải xem xét lại, như biến đổi khí hậu, bảo hộ mậu dịch, tự do thương mại. Nhưng phải kết hợp, làm sao vừa đảm bảo vai trò của các thể chế đa phương vừa để các nước cảm thấy có lợi.

Thế giới trong những thập kỷ qua có những thay đổi sâu sắc. Các nước phải chung tay cải tổ nâng cao hiệu quả của các thể chế đa phương, như LHQ hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ những năm 1990, cũng có những tranh luận lớn ở LHQ để thúc đẩy cải tổ, bao gồm nâng cao hiệu quả, vai trò và tính đại diện.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 16

- Trong tháng làm chủ tịch HĐBA (quay vòng giữa các ủy viên theo thứ tự alphabet), Việt Nam sẽ có trọng trách, nhiệm vụ gì đặc biệt?

- Là chủ tịch, anh phải chủ trì các cuộc họp trong tháng, còn quyết định thế nào vẫn là trao đổi của Hội đồng. Anh phải thu xếp các cuộc họp thường kỳ, nhận các thông báo của Tổng thư ký và các thành viên LHQ về các vấn đề yêu cầu HĐBA xử lý.

Có sự chuẩn bị rất dài cho tháng làm Chủ tịch HĐBA. Nếu 5 tháng nữa mình làm chủ tịch, mình thường nêu sáng kiến chuyên đề gì cho tháng đó, phù hợp với HĐBA, thể hiện được trông đợi của các nước thành viên LHQ.

Tôi nhớ 2008-2009, Việt Nam có làm chuyên đề về phụ nữ trong xung đột. Chúng ta tham gia xây dựng chủ trương, đề án, nội dung, để xây dựng được nghị quyết về vấn đề này.

- Ông nhận xét việc phối hợp giữa nhân sự của chúng ta ở Hà Nội và New York là rất quan trọng cho thành công của Việt Nam nhiệm kỳ tới?

- Cần có cơ chế để chia sẻ thông tin, cập nhật ngay giữa phái đoàn và thủ đô, chẳng hạn vừa họp thì anh phải nắm bắt nhanh nhạy quan điểm các nước. Anh phải tham vấn cả không chính thức để nắm bắt, báo về nhà, rồi nhà lượng định nhiều chiều khác nhau, cân nhắc những tình huống có thể xảy ra, cân nhắc những cách khác nhau vận dụng lập trường của mình.

Ngoài ra, chúng ta sẽ phân biệt có những cái thủ đô chỉ đạo, có những cái phải xin ý kiến thủ đô, nhưng có những cái nếu theo thông lệ thì có thể quyết định tại chỗ. Có những cái phải xin thủ đô không thể kịp. Đó là cơ chế phân cấp.

Một đường dây nóng dùng khi đột xuất nửa đêm 12h họp bên kia, tức là nửa đêm bên này, và cơ chế thông tin, xin chỉ đạo cũng rất quan trọng. Lệch múi giờ 11-12 tiếng là một cái khó. Đầu ở nhà chắc sẽ có lực lượng tác chiến thì mới dễ xử lý, vì chờ họp liên ngành lâu lắm.

Viet Nam vao hoi dong bao an anh 17Viet Nam vao hoi dong bao an anh 18

Tham gia HĐBA, Việt Nam sẽ góp phần giảm chia rẽ giữa các cường quốc

Việt Nam sẽ làm tốt vai trò ủy viên Hội đồng Bảo an, góp phần giảm sự chia rẽ đã từ lâu khiến cơ quan này bị chỉ trích, theo các lãnh đạo ngoại giao Việt Nam và chuyên gia quốc tế.

Cơ hội và trách nhiệm của Việt Nam trước ngưỡng cửa Hội đồng Bảo an

Vào Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh việc kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế.

Trọng Thuấn

Ảnh: Việt Linh
Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm