Việc tham gia Hội đồng Bảo an (HĐBA) với tư cách ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ khiến tiếng nói, lập trường, và các phát biểu của Việt Nam có ý nghĩa khác hẳn so với khi không nằm trong HĐBA, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.
“Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu trong các vấn đề hòa bình và an ninh khu vực... Nếu ngồi tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam có thể tham gia bỏ phiếu, và có thể có những lá phiếu mang tính cưỡng chế nên tác động lớn hơn rất nhiều”, ông Lê Hoài Trung phát biểu tại hội thảo sáng ngày 2/4 mang tên “Việt Nam trong Hội đồng Bảo an” ở Hà Nội.
10 năm sau khi Việt nam hoàn thành nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009, Việt Nam đang là ứng viên duy nhất cho vị trí ủy viên không thường trực từ nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương trong Liên Hợp Quốc.
Hội thảo sáng ngày 2/4 mang tên “Việt Nam trong Hội đồng Bảo an” ở Hà Nội. Ảnh: Trọng Thuấn |
“Năm 2008 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lúc đầu cũng có những lo ngại nhưng sau quá trình tham gia, các đối tác quốc tế hiểu hơn về Việt Nam rất nhiều, hiểu hơn Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và có quan điểm tương đồng với đại đa số các quốc gia trong các vấn đề nhạy cảm”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Ủy viên không thường trực làm cầu nối giữa các cường quốc
Sự chia rẽ trong nhóm các ủy viên thường trực là một thách thức lớn của HĐBA, và các thành viên không thường trực, như Việt Nam trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, sẽ có thể đóng vai trò đáng kể làm giảm sự chia rẽ này, tránh để HĐBA biến thành một “màn kịch đối đầu” thay vì một diễn đàn ngoại giao, theo ông Ian Martin, nguyên giám đốc của tổ chức Báo cáo HĐBA, một tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả của HĐBA.
“Trong khủng hoảng Syria, sự chia rẽ giữa năm thành viên thường trực đã cản trở mọi tiến triển về chính trị. Nhưng các thành viên không thường trực đã nỗ lực để cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Syria”, ông Martin nói. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2012 ở nước này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực. Các ủy viên không thường trực do các nước thành viên LHQ đề cử và bầu chọn với nhiệm kỳ kéo dài hai năm.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ hai năm. Ảnh: Reuters. |
Một lầm tưởng về HĐBA là cơ quan này thường xuyên không ra được nghị quyết trong các khủng hoảng quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Johan Verbeke, giám đốc viện chính sách Egmont (Bỉ) chuyên về quan hệ quốc tế và từng là đại sứ của Bỉ ở HĐBA, những tranh chấp chưa được giải quyết được truyền thông nhắc đến nhiều hơn.
“Hơn 80% các cuộc khủng hoảng mà HĐBA xử lý đang diễn ra ở châu Phi, và bạn sẽ không nghe thấy những điều đó, vì chúng đã được giải quyết hợp lý. Bạn sẽ thường nghe về những xung đột phức tạp mà các cường quốc còn đang tranh cãi”, ông Verbeke nói với Zing.vn qua điện thoại.
Theo ông, đối với những xung đột phức tạp, việc các dự thảo nghị quyết bị phủ quyết là điều nằm trong dự liệu các nước.
“Chúng tôi luôn biết rõ từ 40 năm nay rằng mọi nghị quyết để dàn xếp vấn đề Israel-Palestine sẽ luôn bị phủ quyết. Có những lúc các nước đề ra nghị quyết để buộc nước khác phủ quyết, để phơi bày lập trường của bên kia và đưa vấn đề ra tranh luận”, ông Verbeke nói.
Ông nhắc đến dự thảo nghị quyết mới đây của HĐBA về Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát được tất cả các nước tán thành, trừ Mỹ.
HĐBA đã luôn vấp phải phiếu phủ quyết trong tất cả 12 dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria dù cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người. Ảnh: AP. |
HĐBA ngày nay khác với 10 năm trước
Phân tích về nhiệm kỳ HĐBA dự kiến vào năm 2020-2021 của Việt Nam, ông Martin nói sự chia rẽ giữa các ủy viên thường trực vẫn tiếp diễn, nhưng sẽ khác so với nhiệm kỳ trước của Việt Nam cách đây 10 năm.
Trong quá khứ, Mỹ, Anh, Pháp luôn bỏ phiếu giống nhau, tạo thành khối phương Tây trong HĐBA, ngoại trừ việc Pháp phản đối Mỹ và Anh xâm lược Iraq. Tuy nhiên, hiện nay, lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang rất khác nhau, chưa kể đến hỗn loạn Brexit ở Anh, theo ông Martin.
Hai nước thường trực còn lại, Nga và Trung Quốc, có chung quan điểm về nhiều vấn đề bao gồm bảo vệ chủ quyền và chống lại điều mà họ cho là sự can thiệp của Mỹ. Nhưng việc Trung Quốc có bỏ phiếu giống Nga hay không càng trở nên khó đoán.
“Ví dụ vấn đề Syria, Trung Quốc chỉ bầu giống Nga trong 6/7 lần phủ quyết đầu tiên, và không theo Nga trong 5 lần còn lại mà Nga phủ quyết”, ông Martin nói.
Nghị trình của HĐBA đa phần vẫn sẽ tương tự hiện nay. Dù lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã có thể rút khỏi một số nơi như Liberia, Bờ biển Ngà, HĐBA vẫn sẽ dành nhiều thời gian cho các cuộc khủng hoảng ở châu Phi (như Mali, Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, CHDC Congo, Somalia), và Trung Đông, chủ yếu là Syria và Yemen.
Sự phối hợp giữa các thành viên không thường trực trong HĐBA sẽ là một điểm mới so với nhiệm kỳ 2008-2009 Việt Nam nằm trong hội đồng. Các nước này hiện có những cuộc họp riêng, thậm chí có nhóm "chat" trên ứng dụng di động riêng giữa các đại diện, theo ông Martin.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã có thể rút khỏi Liberia vào năm 2016, kết thúc nhiệm vụ bắt đầu từ năm 2003 nhằm ổn định tình hình tại đất nước trải qua hai cuộc nội chiến đẫm máu. Ảnh: AFP. |
“Luôn phải dự tính những điều ngoài dự tính”
Ông Martin nói thêm thế giới đang cần HĐBA hơn bao giờ hết khi vẫn tồn tại căng thẳng và khả năng bùng phát xung đột như ở Triều Tiên, khu vực Kashmir tại biên giới Ấn Độ - Pakistan, eo biển Đài Loan, từ rủi ro của việc ngừng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân hay tấn công mạng.
Ông Verbeke, từ viện chính sách Egmont ở Bỉ, nói việc tham gia HĐBA đòi hỏi đại diện mỗi nước phải nghiên cứu sâu các vấn đề, tìm hiểu mọi khía cạnh phức tạp nhất, để có thể lập luận rõ ràng và mạch lạc, đi thẳng vào trọng tâm trước hội đồng.
“HĐBA là một cơ quan hướng đến kết quả, và tập trung tìm cách giải quyết các khủng hoảng. Khác với Đại hội đồng LHQ, đây không phải là nơi để phát biểu dài dòng, triết lý, mà đòi hỏi những đề xuất cụ thể đối với các vấn đề cụ thể”, ông Verbeke nói.
Các diễn giả tại hội thảo sáng 2/4 đều tin tưởng Việt Nam với vị thế của mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong HĐBA.
“Với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2008-2009 tại Hội đồng Bảo an, với những kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế, mà mới đây nhất là vai trò chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, với đội ngũ các bộ, ngành, kể cả địa phương và doanh nghiệp, đã được rèn luyện, chắc chắn chúng tôi có năng lực tốt hơn so với năm 2008-2009”, ông Lê Hoài Trung khẳng định.
“Luôn phải dự tính những điều ngoài dự tính”, ông Martin khuyên Việt Nam, và không quên chỉ ra Việt Nam có trách nhiệm kép khi cũng là chủ tịch ASEAN năm 2020.
“Trong mọi nhiệm kỳ HĐBA, luôn có những cuộc khủng hoảng mà thành viên hội đồng không thể chuẩn bị trước”.