Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), kim loại quý thế giới tiếp tục xu hướng đi lên khi giá vàng giao ngay trên sàn New York (Mỹ) đã tăng 14,8 USD/ounce, đóng cửa ngày 29/7 ở mức 1.970,9 USD/ounce. Đây cũng là giá đóng cửa cao nhất trong lịch sử giao dịch của vàng tại thị trường này.
Tương tự, vàng giao ngay trên Kitco đang giữ xu hướng ổn định ở vùng giá 1.966,4 USD/ounce, tăng 10 USD so với cuối phiên 28/7.
Trong khi đó, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 cũng tăng 7,3 USD, giao dịch lần cuối ở mức 1.951,8 USD/ounce.
Tăng hơn 8 triệu đồng trong tháng 7
Vàng thế giới hiện cao hơn 450 USD so với đầu năm 2020, tương đương mức tăng gần 30% sau 7 tháng. Nếu so với đầu tháng 7, giá kim quý hiện tại cũng cao hơn 195 USD mỗi ounce, tăng 11%.
Vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 55,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra.
Với đà tăng mạnh từ ngày 22/7, người mua vàng miếng trong nước đang phải trả giá cao hơn gần 3 triệu so với giá quy đổi của vàng thị trường thế giới.
Số liệu ngày 30/7 ghi nhận lúc 9h10. |
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng miếng TP.HCM ở mức 56,7 triệu/lượng (mua) và 57,95 triệu/lượng (bán), tăng lần lượt 400.000 đồng và 250.000 đồng so với chiều qua.
Tương tự, vàng SJC bán ra tại Hà Nội sáng nay cũng ở mức 57,97 triệu đồng, cao hơn 250.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Dù có thời điểm tăng lên mốc 58,1 triệu/lượng, vàng miếng SJC chưa ghi nhận phiên nào có giá đóng cửa trên 58 triệu đồng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay thu hẹp chênh lệch giá mua bán vàng miếng khi tăng giá mua vào thêm 450.000 đồng so với chiều qua, hiện ở mức 56,65 triệu/lượng, trong khi đó, giá bán được giữ nguyên ở mức 57,65 triệu đồng.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay vẫn giữ nguyên giá so với chiều qua, hiện ở mức 56,3-57,6 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Giá bán tại Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý sáng nay cũng có xu hướng tăng, hiện phổ biến ở mức 57,7 triệu/lượng. Giá mua vào cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tương ứng, hiện ở mức 56,5 triệu đồng.
So với cuối tuần trước (25/7), vàng trong nước hiện cao hơn gần 3 triệu đồng, tương đương tăng 5,4%. Nếu so với cuối tháng 6, vàng miếng SJC hiện đã tăng 8,56 triệu đồng/lượng (17,3%). Đà tăng này mang lại cho người mua vàng mức lãi ròng 7,31 triệu/lượng (14,8%) sau khi trừ chênh lệch giá mua bán.
Vàng vẫn còn xu hướng tăng
Đêm qua, vàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng do đồng USD suy yếu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông báo duy trì mức lãi suất gần bằng 0 trong thời gian tới.
Đà tăng của kim loại quý được dự báo vẫn chưa dừng lại khi đồng USD tiếp tục suy yếu và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được duy trì. Ảnh: Bloomberg. |
Theo dữ liệu của Kitco, giá trị đồng USD đã liên tục suy yếu từ giữa tháng 3 sau khi đạt mức cao 103 điểm. Trong 4 tháng qua, đồng bạc xanh đã mất khoảng 10% giá trị và đang cố định ở mức 93,2 điểm. Trong tháng 7, đồng USD đã giảm từ 97,5 điểm xuống mức hiện tại, điều này đưa đồng tiền của Mỹ xuống mức thấp 2 năm.
Sau khi Ủy ban Thị trường mở Dự trữ Liên bang (FOMC) tuyên bố không thay đổi lãi suất, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết sẽ sử dụng bất cứ công cụ nào có thể để cung cấp các gói cứu trợ đảm bảo sự hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc kinh tế có phục hồi được nhanh hay không lại phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19.
Đến nay, Fed đã bơm hàng nghìn tỷ USD để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ trước sự tàn phá của dịch bệnh. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục áp dụng trong tương lai gần.
Ông Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Bloomberg Intelligence cho rằng cách tốt nhất để không đi ngược lại xu hướng của ngân hàng trung ương là đầu tư vào kim loại quý.
McGlone khuyến nghị các nhà đầu tư tìm mua vàng giảm giá vì kim loại quý có thể tiếp tục dao động quanh mức 2.000 USD/ounce trong cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ. "Trong ngắn hạn, vàng đang cao hơn 21% so với trung bình 52 tuần, đây là mức cao nhất kể từ mức đỉnh năm 2011", ông nói.