Trong phiên giao dịch đang diễn ra trên sàn Kitco, có thời điểm vàng giao ngay đã gặp áp lực chốt lời lớn từ giới đầu tư và giảm một mạch từ vùng 1.980 USD xuống dưới 1.910 USD/ounce.
Tuy nhiên, dòng tiền lớn tham gia vào thị trường đã giúp vàng không chịu áp lực giảm quá lâu và đang có xu hướng tăng trở lại. Giá giao dịch gần nhất ghi nhận trên sàn này là 1.961,5 USD/ounce, tăng 18,5 USD so với phiên liền trước.
Giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua tăng 13,1 USD, đóng cửa phiên 28/7 ở mức 1.956,1 USD/ounce.
Vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 3 triệu
Trong khi đó, hợp đồng vàng tương lai Comex đêm qua cũng đạt mức cao kỷ lục 1.974,7 USD/ounce. Việc giá tương lai vẫn cao hơn giao ngay cho thấy kỳ vọng tăng giá rất lớn từ giới đầu tư với vàng.
Đà tăng giá trở lại của vàng thế giới cũng là động lực chính giúp giá trong nước tăng trong sáng nay (29/7). Cuối phiên hôm qua, một số doanh nghiệp đã giảm giá bán vàng miếng về dưới 57 triệu đồng/lượng, nhưng đến sáng nay đều đã tăng mạnh trở lại.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chiều qua niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 55,9 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), đến sáng nay đã nâng giá mua lên 56,4 triệu/lượng và giá bán ở mức 57,9 triệu đồng.
Giá vàng bán tại Hà Nội sáng nay cũng tăng hơn nửa triệu so với chiều qua, hiện phổ biến ở mức 57,92 triệu đồng.
Dù đã giảm so với đỉnh 58,1 triệu đạt được trong sáng 28/7, vàng SJC hiện tại vẫn cao hơn 2,9 triệu so với cuối tuần trước, tương đương mức tăng 5,3% sau 3 ngày.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI chiều qua giảm giá vàng, đến sáng nay đã điều chỉnh tăng trở lại, hiện ở mức 56-57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 850.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay đồng ý mua vào với giá 55,2 triệu đồng và bán ra ở mức 57,7 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với chiều qua.
Tương tự, cả Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý sáng nay nâng giá bán lên phổ biến ở mức 57,6 triệu/lượng, giá mua vào cũng được tăng tương ứng lên trên 56 triệu đồng.
Ở vùng giá hiện tại, vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng theo tỷ giá quy đổi cùng ngày tại ngân hàng Vietcombank.
Có thể chạm mốc 2.000 USD trong tuần này
Theo Gary Wagner, chuyên gia phân tích vàng tại Kitco, kim loại quý có thể đạt mốc 2.000 USD/ounce sớm hơn nhiều dự báo của các nhà đầu tư.
Trước đó, ông cùng nhiều nhà phân tích khác đã phải nâng giá dự báo về vàng trong tháng 7 từ 1.800 USD lên 1.900 USD/ounce, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng hiện tại của kim quý.
Theo tính toán, từ giữa tháng 3 đến nay, vàng đã tăng khoảng 500 USD mỗi ounce, còn tính riêng từ 17/7, mức tăng cũng là 150 USD. So với mức tăng tương đương gần nhất, kim loại quý mất tới 3 năm rưỡi để tăng 500 USD/ounce, kéo dài từ cuối 2015 ở mức 1.045 USD đến tháng 8/2019 mới đạt hơn 1.500 USD.
Dự báo mới nhất từ các quỹ đầu tư và chuyên gia phân tích đều nâng giá mục tiêu với vàng lên 2.000 USD/ounce. Ảnh: Việt Hùng. |
“Sự so sánh này cho thấy giá vàng đang tăng nhanh như thế nào. Trước đây, để tăng 500 USD vàng mất tới 3 năm rưỡi nhưng nay chỉ mất chưa đầy 4 tháng”, ông Wagner nói.
Vị chuyên gia phân tích cho rằng vàng vẫn có thể tăng cao hơn đáng kể so với giá hiện tại khi các trợ lực tăng thời gian qua chưa hề mất đi. Về mặt kỹ thuật, đợt tăng giá lần này của vàng có thể vượt qua mốc 2.000 USD, thậm chí là 2.100 USD hoặc cao hơn trước khi kết thúc.
Theo dự báo mới nhất của Goldman Sachs, vàng có thể tăng lên mốc 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới với trợ lực chính là tranh chấp tiền tệ giữa các nước. “Nỗi lo sợ lạm phát, nợ chính phủ gia tăng và lo ngại đồng USD bắt đầu một xu hướng giảm mới là các yếu tố sẽ đẩy vàng tăng cao hơn nhiều”, báo cáo nêu.
So với giá mục tiêu 12 tháng trước đó (2.000 USD), giá mục tiêu mới của ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới này đã tăng 15%.
Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng dù vàng không phải là “hàng rào lớn” chống lạm phát so với các mặt hàng khác như dầu mỏ và kim loại cơ bản. Nhưng đây là tài sản tốt nhất trong môi trường hiện tại vì lạm phát sẽ bị thúc đẩy bởi sự suy giảm tiền tệ, đặc biệt là đồng bạc xanh.