Đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng chóng mặt, có thời điểm chạm ngưỡng 1.980 USD/ounce. Nguyên nhân là các nhà đầu tư đổ tiền vào vàng khi đồng USD suy yếu, lãi suất cực thấp và nguồn cung tiền tăng mạnh.
Trao đổi với Zing, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Guangzhi Chen thuộc hãng KGI Securities (Singapore) khẳng định nên tiếp tục mua vào ngay cả khi giá kim loại quý vượt ngưỡng kỷ lục năm 2011.
"Các nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục tích lũy vàng như một cách phân bổ tài sản. Vàng sẽ vẫn tăng giá về lâu dài. Trong năm nay, vàng có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce", ông nhận định.
Giới chuyên gia nhận định vàng thế giới sẽ vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay. Ảnh: Chí Hùng. |
Khác gì với năm 2011?
Theo ông Guangzhi, trợ lực của giá vàng ở thời điểm hiện tại có nhiều điểm chung với hồi năm 2011. Đó là thanh khoản dồi dào, đồng USD giảm giá mạnh, môi trường lãi suất thấp hoặc thậm chí âm, nỗi bất an về triển vọng nền kinh tế toàn cầu và tâm lý bi quan đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, đà tăng của giá vàng giờ không còn xuất phát từ nỗi lo sợ.
"Trong cuộc khủng hoảng 10 năm trước, hệ thống tài chính và ngân hàng của rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới bị mất khả năng hoạt động. Hay nói đúng hơn là giới đầu tư lo ngại rằng hệ thống tài chính sẽ sụp đổ. Điều này khiến họ đổ tiền vào những nơi an toàn hơn, đẩy giá vàng tăng mạnh", Chủ tịch Dragon Capital giải thích.
Nhưng trong cuộc khủng hoảng lần này, ông Scriven cho rằng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đảm bảo rằng hệ thống tài chính sẽ hoạt động bình thường. Yếu tố sợ hãi đã không còn chi phối giới đầu tư.
"Lần này, nỗi sợ hãi không còn là nguyên nhân. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là về tiền tệ", ông Scriven nói với Zing. Các gói hỗ trợ lớn của hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới có thể tạo ra lạm phát và ảnh hưởng đến giá vàng. "Khi nguồn cung tiền mặt toàn cầu tăng mạnh, khó mà thoát khỏi khả năng lạm phát trong vài năm tới", ông nói thêm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng tăng cao không còn là nỗi sợ hãi. Ảnh: Chí Hùng. |
Do dịch Covid-19 gây cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản) mạnh tay nới lỏng định lượng, dẫn đến đồng tiền mất giá và có khả năng tạo ra siêu lạm phát. Vàng giữ được giá trị khi sức mua của đồng tiền giảm. Nói cách khác, giá trị của tiền giảm, giá vàng sẽ tăng.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu cũng đưa các ngân hàng trung ương đến quyết định cắt giảm lãi suất, dẫn tới lãi suất thực tế giảm và vàng tăng giá. Lãi suất thực càng thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng càng giảm.
Đà tăng bền vững
CNBC dẫn lời chuyên gia Jens Nordvig thuộc Exante nhận định thị trường quốc tế đã đánh hơi thấy nguy cơ lạm phát từ hàng loạt gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại vì đại dịch.
Giá vàng cũng được thúc đẩy bởi thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách liên bang có thể chạm mốc kỷ lục 2.700 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm tài khóa 2020. "Nhu cầu đối với kim loại quý cũng cho thấy các nhà đầu tư đang muốn thoát khỏi đồng USD", Ken Hoffman, chuyên gia cấp cao tại McKinsey, nhận định.
"Thay vì thị trường vật lý, giá vàng chủ yếu được thúc đẩy thông qua giao dịch giấy. Nhìn chung, kim loại quý leo dốc trong một thời gian rất ngắn mà không có chất xúc tác chính, vậy nên sẽ có nhiều đầu cơ", ông Guangzhi tại KGI Securities trả lời Zing.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tại KGI Securities, nếu nhìn vào khoảng thời gian dài hơn, vàng đã bắt đầu chu kỳ tăng từ đầu năm 2016. Giá vàng có thể bị điều chỉnh nhưng đà tăng vẫn còn nguyên vẹn.
Giới đầu tư toàn cầu mất niềm tin vào đồng USD. Ảnh: Reuters. |
"Giá vàng chỉ có thể giảm mạnh khi lãi suất tăng đáng kể, nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói chung bước ra khỏi cuộc suy thoái và các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm dự trữ vàng", chuyên gia Guangzhi bình luận. Dù vậy, đây là điều khó có thể xảy ra vào thời điểm này.
"Đà tăng của vàng vẫn chưa thể kết thúc", ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp, viết trong một ghi chú gửi tới khách hàng. Các nhà phân tích tại UBS cũng dự đoán vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trước cuối năm nay "nhờ môi trường lãi suất thấp, đồng USD suy yếu và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc".