Tuần giao dịch (13-19/7) ghi nhận nhiều biến động của vàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chốt phiên cuối tuần, cả vàng trong nước và thế giới đều ghi nhận đà tăng so với tuần trước.
Vàng thế giới trên cả sàn Kitco và New York đều đóng cửa tuần ở mức 1.810,3 USD/ounce, tăng gần 12 USD so với cuối tuần trước. Vàng miếng tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt tuần ở mức 50,38-50,78 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại TP.HCM.
Tập Đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá mua ở mức 50,48 triệu và bán ra ở ngưỡng 50,7 triệu đồng.
Tăng giá hay bị bán tháo?
Tuần vừa qua cũng ghi nhận là tuần đầu tiên vàng thế giới đóng cửa ở mức trên 1.810 USD/ounce. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây có thể là khởi đầu cho một cuộc bán tháo vào tuần sau.
Ông Bart Melek, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho rằng vàng đang được giao dịch giống như một tài sản rủi ro, giá tăng và giảm cùng với chứng khoán.
Theo đó, kim loại quý đã đạt đến một phạm vi dao động mới từ 1.750 USD đến 1.830 USD trong tháng 7, cao hơn nhiều so với phạm vi 1.668-1,750 USD của tháng 5 và 6.
Cùng quan điểm, ông George Gero, Giám đốc điều hành của RBC Wealth Management cho biết, đang có một mô hình giao dịch được hình thành giữa vàng và chứng khoán trong 3 tuần qua.
Thông thường, nhà đầu tư sẽ mua vàng khi cổ phiếu giảm giá, hoặc bán khi cổ phiếu tăng giá, tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi. Trong nhiều tuần, giá vàng dao động cùng chiều với chứng khoán dù nền kinh tế không mấy khởi sắc.
“Nếu có một làn sóng virus corona lớn xảy ra lần thứ 2 khiến các bang tại Mỹ phải đóng cửa, chứng khoán sẽ bị bán tháo và vàng cũng không ngoại lệ”, ông George lưu ý.
Trong khi đó, ông Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures cho biết, việc giá vàng liên tục đi ngang ở mức trên 1.800 USD có thể do 2 nguyên nhân.
Một là vàng đang tạo ra mức hỗ trợ lớn và giá có thể tăng cao hơn rất nhiều trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp thị trường đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua để đưa giá tăng cao hơn. Nếu xảy ra trường hợp thứ 2, điều này sẽ dẫn tới một cuộc bán tháo vào tuần tiếp theo.
“Nếu vàng có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.829 USD/ounce, kim loại quý có thể hướng đến mức cao nhất mọi thời đại 1.923 USD”, nhà môi giới hàng hóa nói thêm.
Nhiều kỳ vọng tăng giá
Dù có một vài quan điểm thận trọng, đa số nhà phân thích trên thị trường đều cho rằng vàng vẫn còn rất nhiều động lực kỹ thuật và cơ bản để tăng giá.
Không có lực cầu mạnh, giá vàng trong nước hiện biến động chính theo đà tăng giảm của vàng thế giới. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong cuộc khảo sát tới 16 chuyên gia tại Phố Wall của Kitco, 11 người (69%) tin rằng kim loại quý sẽ tăng trong tuần tới, chỉ 1 chuyên gia (6%) dự đoán giá sẽ thấp hơn, và 4 người (25%) cho rằng giá đi ngang.
Cuộc khảo sát với 1.642 nhà đầu tư cá nhân cũng cho kết quả tương tự khi có tới 977 người (60%) bỏ phiếu vàng tăng giá, 349 người khác (21%) cho rằng vàng sẽ giảm và 317 người còn lại (19%) giữ quan điểm trung lập.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đều kỳ vọng vàng sẽ tăng cao tuần thứ 7 liên tiếp.
Adrian Day, Chủ tịch và CEO Adrian Day Asset Management cho biết, ông hy vọng động lực cơ bản sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên cao.
Vị này cho rằng, mọi người đang mua vàng như một bảo hiểm hoặc tài sản trú ẩn nên vấn đề giá không còn quá quan trọng. Do đó, vàng có thể tăng cao hơn đáng kể vào tuần tới.
Ông Charlie Nedoss, chiến lược gia thị trường cao cấp của Tập đoàn LaSalle Futures cho rằng, yếu tố tiếp tục đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian tới là sự yếu đi của đồng USD - đang bắt đầu một xu hướng giảm mới.
“Kỳ vọng ngày càng tăng khi chính phủ Mỹ sẽ công bố các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại vì đại dịch Covid-19, điều này sẽ đè nặng lên đồng bạc xanh và hỗ trợ giá vàng”, ông nói.
Cùng quan điểm, ông Darin Newsom, Chủ tịch của Darin Newsom Analysis cho biết, không có lý do gì để mua USD lúc này. Vì vậy, tiền sẽ tiếp tục chảy vào vàng như một tài sản an toàn để bảo vệ sự tăng quá cao của cổ phiếu.