Eximbank đang trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính khi những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn liên tục ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
Đến nay, đây cũng là nhà băng duy nhất chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên theo kế hoạch vì không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự.
Cùng với đó, các nhóm cổ đông khác nhau cũng liên tiếp đề nghị miễn nhiệm nhân sự chủ tịch HĐQT, dẫn tới tình trạng ghế chủ tịch tại Eximbank đổi chủ tới 5 lần trong chưa đầy 1 năm.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn nội bộ không chỉ khiến kế hoạch kinh doanh của ngân hàng bị gián đoạn mà còn có tác động trực tiếp tới tăng trưởng của nhà băng này những năm qua.
Eximbank đi trước về sau
Trước khi nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ với tổng tài sản hơn 167.500 tỷ đồng (cuối năm 2019), Eximbank là một trong những nhà băng có quy mô tổng tài sản và lợi nhuận cao nhất nhì nhóm cách đây 8 năm.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Eximbank diễn ra trong mâu thuẫn nội bộ nhà băng. Ảnh: Việt Dũng. |
Năm 2012, với tổng tài sản hơn 170.000 tỷ, Eximbank là một trong những ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản nhất thị trường khi đó. Chỉ số tài chính dư nợ cho vay của ngân hàng cũng đạt gần 75.000 tỷ, tiền gửi của khách hàng đạt trên 58.000 tỷ đồng.
Quy mô của Eximbank khi đó tương đương với Techcombank (180.000 tỷ); ACB (176.000 tỷ); MBBank (175.600 tỷ) và Sacombank (152.000 tỷ)… Ngân hàng cũng thường xuyên nằm trong top 3 lợi nhuận khối tư nhân.
Tuy nhiên, sau 8 năm, chỉ tiêu tài sản tại Eximbank gần như đứng yên, thậm chí còn giảm nhẹ 2%. Các chỉ tiêu cho vay khách hàng, tiền gửi tăng lần lượt 51% và 140%.
Tăng trưởng đi lùi của ngân hàng còn thể hiện ở kết quả doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2019 đều thấp hơn so với 8 năm trước.
Ngược lại với Eximbank, nhóm ngân hàng cùng quy mô năm 2012 lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong 8 năm qua.
Nhờ sáp nhập Southernbank, tài sản và các chỉ tiêu tài chính của Sacombank đã tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2019 với tốc độ tăng trưởng bình quân tài sản là 18%/năm, đạt gần 453.600 tỷ đồng cuối năm 2019.
Hai chỉ tiêu cho vay khách hàng và huy động vốn của nhà băng này cũng tăng lần lượt 207% và 273% so với năm 2012.
Xét về hiệu quả kinh doanh, năm 2012, lợi nhuận Eximbank cao gấp đôi Sacombank, nhưng đến năm gần nhất, lợi nhuận nhà băng này thu về chỉ tương đương 1/3 so với ngân hàng có trụ sở chính tại quận 3, TP.HCM.
Năm 2019, tổng doanh thu hoạt động của Sacombank cũng đạt trên 14.600 tỷ đồng, gấp 3 lần Eximbank.
Hay như MBBank, nhà băng này ghi nhận tổng tài sản tăng 234% từ năm 2012, đạt gần 411.500 tỷ vào cuối 2019. Chỉ tiêu cho vay khách hàng và huy động vốn tăng lần lượt 336% và 232%.
Với tổng doanh thu trên 1 tỷ USD, MBBank cũng là một trong những ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng năm vừa qua.
Giai đoạn 2012-2019 cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tài sản của ACB đạt 118% và Techcombank là 113%. Cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng tại cả 2 nhà băng này đều tăng gấp 2-3 lần so với 8 năm trước.
Trở về vạch xuất phát sau 8 năm
Cũng tại năm 2012, lợi nhuận trước thuế của ACB và Techcombank chỉ bằng 1/2 so với Eximbank, nhưng đến nay mức lợi nhuận tại 2 nhà băng này đã cao gấp nhiều lần.
Thậm chí, những ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank từng có quy mô tài sản nhỏ hơn Eximbank 8 năm trước, đến nay cũng đã vượt mặt ngân hàng này.
Những ngân hàng kể trên cũng là nhóm có lợi nhuận cao nhất khối tư nhân, đều đạt vài nghìn tỷ mỗi năm.
Với đà giảm tài sản gần 7% trong quý I, Eximbank hiện chỉ được xếp vào nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ với quy mô tương đương PVComBank, TPBank, SeABank hay MSB.
Nhà băng này cũng là một trong số ít ngân hàng 5 năm liền không chia cổ tức cho cổ đông.
Báo cáo của Ban kiểm soát ngân hàng đã chỉ ra chính những mâu thuẫn trong nội bộ HĐQT nhiệm kỳ qua đã ảnh hưởng tới hoạt động của Eximbank. Đặc biệt là vấn đề không bổ nhiệm được tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và không tổ chức được các cuộc đại hội đồng cổ đông trong 2 năm 2019-2020.
Năm nay, lãnh đạo Eximbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản tăng 5% so với năm 2019, đạt 176.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng 6%, đạt 147.800 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 122.275 tỷ, tăng 8%, nợ xấu dưới 2%.
Với các chỉ tiêu này, Eximbank đặt mục tiêu thu về 1.918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng, tăng gần 10%.
Nếu kế hoạch kinh doanh nói trên được cổ đông thông qua, chỉ tiêu tài sản của Eximbank sẽ trở về vạch xuất phát năm 2012 sau gần 8 năm đi ngang trên thị trường.