Gần 2 tuần sau khi con đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) được gỡ bỏ rào chắn của công trình metro số 1, đoạn đường 800 m này vẫn còn đến 20 mặt bằng bỏ trống.
Trong lúc này, giá chào thuê vẫn không ngừng tăng vọt, đến nay có căn đã được "hét" giá 600 triệu đồng/tháng.
Giá chào thuê tăng phi mã
Chia sẻ với Zing, đại diện chuỗi cà phê Morico cho biết chủ mặt bằng chi nhánh 30 Lê Lợi đã thông báo tăng giá thuê, tuy nhiên chưa nói rõ thời điểm và mức tăng. Đây là cửa hàng đầu tiên và cũng là flagship của thương hiệu hơn 6 năm qua, do đó doanh nghiệp quyết tâm giữ lại.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có tiềm lực tài chính đến vậy. Khách thuê một mặt bằng khác trên con đường này cho biết sẽ chuyển đi khi hợp đồng hết hạn vài tháng tới, bởi giá thuê sẽ tăng gấp đôi lên mức 10.000 USD/tháng.
Giá chào thuê mặt bằng đường Lê Lợi suốt tuần qua tăng vọt gấp 2-3 lần. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong vai đại diện một doanh nghiệp đang có ý định mở cửa hàng trên đường Lê Lợi, phóng viên được môi giới báo giá thuê 8.000 USD/tháng cho một mặt bằng 108 m2 có một trệt, một lầu. Môi giới này cũng tiết lộ mức giá đã tăng gấp 3 lần so với thời gian đoạn đường này còn bị rào chắn.
Một mặt bằng khác với diện tích tương tự nhưng có một trệt, hai lầu có giá thuê lên đến 200 triệu đồng/tháng. "Phía anh chị có phải là chuỗi lớn không? Nếu là thương hiệu mới thì anh chị nên cân nhắc lại vì giá thuê đang hơi cao", môi giới nói.
Trong khi đó, người tự nhận là chính chủ một căn nhà 2 mặt tiền diện tích gần 95 m2, gồm một trệt hai lầu, báo giá thuê 400 triệu đồng/tháng. Người này cho biết chỉ mong muốn các thương hiệu lớn hoặc chuỗi cửa hàng ký hợp đồng lâu dài.
Thậm chí, một mặt bằng khác với chiều ngang 12 m và chiều dài 30 m còn được định giá thuê 600 triệu đồng/tháng vì "đã có sẵn thiết kế sang trọng".
Dữ liệu của chuyên trang Batdongsan cho biết trung bình giá cho thuê mặt bằng trên đường Lê Lợi trong tuần qua đã lên đến 400 triệu đồng/căn/tháng, trong khi cách đây một tháng chỉ khoảng 200 triệu đồng. Mức độ quan tâm đối với mặt bằng cho thuê tại đây đồng thời tăng 91%. Chợ Tốt Nhà cũng ghi nhận diễn biến tương tự với giá thuê cao nhất hiện ở mức 600 triệu đồng/tháng.
Giá chào thuê mặt bằng cao nhất trên một số tuyến đường trung tâm TP.HCM | |||||
Dữ liệu: Chợ Tốt Nhà. | |||||
Nhãn | Lê Lợi | Nguyễn Huệ | Lê Thánh Tôn | Lý Tự Trọng | |
Triệu đồng/tháng | 600 | 800 | 300 | 250 |
Trao đổi với Zing, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan - cho rằng đà tăng giá này là bình thường, bởi chủ nhà cần bù đắp cho khoảng thời gian 8 năm chịu ảnh hưởng bởi công trình metro và Covid-19.
"Thậm chí, so sánh với các tuyến đường lớn khác ở khu vực trung tâm như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa..., mức giá này cũng tương đương chứ không có gì khác biệt, không phải mức giá trên trời", ông Đinh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế, số liệu của Chợ Tốt Nhà cho thấy mặt bằng kinh doanh trên đường Nguyễn Huệ đang có giá chào thuê cao nhất TP.HCM, lên đến 800 triệu đồng/căn/tháng. Còn giá thuê trên các con đường sầm uất khác ở trung tâm TP cũng chỉ dao động trong khoảng 200-400 triệu đồng/căn/tháng.
Chủ nhà không cần khách thuê?
Trái ngược với sự sôi động trong giá cả, con đường 800 m này trên thực tế vẫn thiếu vắng khách thuê. Bên cạnh 4 mặt bằng đang sửa sang, vẫn còn trên dưới 20 căn nhà bỏ trống. Thống kê của Chợ Tốt Nhà cho biết phải mất 100 lượt xem tin chào thuê mặt bằng Lê Lợi mới có 28 lượt liên lạc thực sự.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, đây là tình trạng chung của các tuyến đường trung tâm, không riêng gì Lê Lợi. Tỷ lệ lấp đầy nhìn chung hiện chỉ khoảng 30-35%, một số khu vực thậm chí còn đìu hiu hơn.
Hàng loạt mặt bằng trống san sát nhau trên đường Lê Lợi. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vị chuyên gia lý giải những mức giá này thực sự gây "sốc" với người có nhu cầu thuê, khiến bài toán tài chính của họ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng khách mua chính ở khu vực trung tâm là khách du lịch quốc tế chưa trở lại Việt Nam nhiều.
"Hậu Covid-19, doanh nghiệp không còn nguồn lực cho các chi phí cố định. Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ sự bất ổn của dịch bệnh, thị trường có thể khiến họ không kinh doanh được mà vẫn phải gánh chịu chi phí cố định rất lớn ở đây. Đó là lý do khách thuê đang có xu hướng tìm về các quận Bình Thạnh, Tân Bình, quận 11... với giá thuê thấp hơn 4-5 lần", ông nhận định.
Dòng tiền cho thuê không có ý nghĩa quá lớn với chủ sở hữu những tài sản này. Nếu không ai thuê, họ sẵn sàng bỏ nhà trống.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan
Dù vậy, giá chào thuê vẫn sẽ tiếp đà tăng, bởi dòng tiền cho thuê không có ý nghĩa quá lớn với chủ sở hữu những tài sản này. Nếu không ai thuê, họ sẵn sàng bỏ nhà trống. Do đó, đây là thị trường nơi người cho thuê là "kèo trên", giá thuê được xác lập bởi kỳ vọng của chủ nhà.
"Những người cần dòng tiền, ví dụ vay tiền để đầu tư, đã bán cắt lỗ những căn nhà này từ lâu sau nhiều năm ế ẩm. Những người đang trụ lại coi đây là kênh giữ tiền, bởi sự khan hiếm nguồn cung khiến giá nhà tại đây liên tục tăng cao, hiện mỗi m2 đã có giá hơn một tỷ đồng", ông Tuấn nói.
Do đó, ông cho rằng kịch bản lạc quan nhất là những mặt bằng trung tâm đến quý IV/2023 có thể đạt tỷ lệ lấp đầy 60%. Trước mắt, khu vực này chỉ phù hợp với nhóm nhỏ ngành nghề có biên lợi nhuận rất cao, hoặc những doanh nghiệp sẵn sàng chi lớn để tăng nhận diện thương hiệu.
Đơn cử, đại diện chuỗi Chuk Tea & Coffee cho biết đang sửa sang lại một mặt bằng trên đường Lê Lợi để mở cửa đón khách trong thời gian tới. Theo vị này, đây là một trong những trục đường trung tâm được mong chờ nhất trong nhiều năm qua với vị trí đắc địa liền kề nhiều công trình trọng điểm và tiêu biểu của TP.HCM.
"Cửa hàng đầu tiên tại Lê Lợi mang ý nghĩa tuyên ngôn cho thương hiệu. Với mặt bằng ở đây, chúng tôi muốn đem đến nhiều trải nghiệm cho khách hàng hơn là chú trọng vào doanh số trong giai đoạn này", vị này cho biết.