Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vạn Thắng Vương

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Sau cái chết của Nam Tấn Vương, Ngô Xương Xí nhu nhược không dám nhận ngôi vương, Kinh đô ở Cổ Loa dời tới Bình Kiều.

Bình Kiều thương tiếc Ngô Xương Xí

Cái “triều đình bỏ túi” theo Ngô Xương Xí từ Cổ Loa gồm mấy chục vị đại thần, hầu hết già yếu lẩm cẩm, nói trước quên sau, nuối tiếc những ngày oanh liệt lúc còn trai tráng.

Một tháng hai lần vào ngày sóc và ngày vọng, họ mũ áo vào chầu, giữ đúng khuôn mẫu những kẻ bề tôi trung thành, nhưng không còn sức lực và tài năng giúp ông phục hưng cơ nghiệp nhà Ngô đang như ngọn đèn trước gió.

Nhìn lại lực lượng quân sự càng thất vọng hơn, số tướng soái có tài không ai chịu đem quân theo ông về Bình Kiều. Họ đã nghĩ đến tương lai của mình hơn là vương nghiệp nhà Ngô.

Những kẻ theo ông về đây đều là để sai vặt, bắt trộm, đánh cướp, chứ không thể bày binh bố trận chống giặc giữ nước được.

Quân lính chủ lực chỉ trông cậy vào đội của Bình Kiều, do tướng Vương Thừa Vũ xây dựng từ lâu, có quân phong quân kỷ, biết đánh trận. Còn số quân Cổ Loa theo về hầu hết là lính già yếu hoặc thuộc đội cấm binh canh gác hoàng thành để giữ trật tự hơn là chống giặc.

Dinh Bo Linh len ngoi vua anh 1

Bìa tập 6 tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân.

Một hôm, Ngô sứ quân cho triệu Vương Thừa Vũ vào nội điện đàm đạo cho khuây khỏa. Lúc nói tới các thời hưng suy của triều đại trước, tướng phòng thành Dương Hòa Nghĩa xin vào bệ kiến. Ngô sứ quân cho vào. Vừa trông thấy viên tướng trung thành, ông đã vội hỏi:

- Chẳng hay khanh muốn tâu trình việc gì?

Dương Hòa Nghĩa quỳ tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thần vừa được tin Đinh Bộ Lĩnh đã đánh bại được động trưởng Ô Man, thâu phục hết các động vùng rừng núi phía Tây, lại đánh chiếm luôn cả thành Thường Vệ của Đỗ Cảnh Thạc nữa.

- Thế thì nguy hiểm lắm rồi!

Ngô Xương Xí buột miệng thốt lên như thế rồi tái mặt, hai mắt nhắm nghiền, đầu lảo đảo rồi ngã vào trong hai tên cung nữ đứng hầu phía sau. Mọi người hốt hoảng đỡ ông nằm xuống sập ngự, cho gọi quan thái y tới.

Khi quan thái y vào, Ngô sứ quân đã hôn mê và cấm khẩu. Bắt mạch, quan thái y nhìn mọi người lắc đầu, quay lại thì Ngô sứ quân đã tắt thở, cáo chung vương nghiệp nhà Ngô.

Hoa Động tung hô Vạn Thắng Vương

Tin Ngô Xương Xí từ trần loan tới Hoa Lư vừa lúc Đinh Bộ Lĩnh kéo quân khải hoàn cũng về tới nơi. Đinh Liễn cùng quân sư Khuông Việt dẫn các quan văn, võ ra tận bến đò Hoàng Long nghênh đón.

Khi Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện trước ba quân, mọi người tung hô vang dội rồi cung thỉnh ông lên kiệu rồng rước về nội thành.

Sau khi đã vào nội cung vấn an sức khỏe từ mẫu Đoàn Thị, Đinh Bộ Lĩnh ngự ra chính điện để các quan vào lạy mừng. Nhân dịp này, quân sư Khuông Việt thay mặt các quan, tâu lên Đinh Bộ Lĩnh:

- Muôn tâu thế tử, từ ngày được Trần Minh công giao trọn quyền binh, thế tử đã điều khiển quốc sự một cách tài tình, đã chỉ huy cuộc kháng chiến chống lại liên quân triều đình của Cổ Loa đến thắng lợi, đã thu phục được Hoan Châu bằng những lời biện giải sáng suốt mà không tốn một mũi tên, không mất một tên lính.

Tiếp đó, viên thứ sử Ái Châu ngang ngạnh đã phải bỏ thành chạy trốn mà không thoát khỏi quân lực của thế tử.

Đến lượt động trưởng Ô Man anh hùng một cõi, từng đánh bại quân của Đỗ Cảnh Thạc, cũng phải xếp giáo quy hàng binh lực Hoa Lư. Khu vực kiểm soát của thế tử đã lớn rộng bằng một nửa đất Giao Châu.

Nay Ngô Xương Xí đã từ trần, họ Ngô hết người kế vị, trong nước một ngày không thể không có vua. Đây đúng là lúc để thế tử lên ngôi tôn, lãnh đạo binh Hoa Lư tiến ra các phía, đánh bại sứ quân, thống nhất đất nước để trăm họ được an cư lạc nghiệp.

Các quan đều quỳ xuống tung hô vạn tuế. Đinh Bộ Lĩnh chưa kịp đáp, quân sư Khuông Việt đã tâu tiếp:

- Căn cứ việc đã qua, thế tử đánh đâu được đấy và cần cho việc sắp tới, bần tăng xin cùng thần dân trăm họ dâng lên bệ hạ tôn hiệu “Vạn Thắng Vương”.

Các quan lại đồng thanh tung hô “Vạn Thắng Vương vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.

Lời tâu của quân sư Khuông Việt rất đẹp lòng Đinh Bộ Lĩnh, vì đó cũng là ý muốn của ông khi trở về Hoa Lư, nhưng chưa tiện nói ra. Ông tỏ lời cảm ơn quân sư và các quan, kêu gọi mọi người hãy tận tâm giúp ông hoàn thành sứ mạng trong những ngày tới.

Ông giao cho Đinh Dự, Vũ Ngọc Bích và Phạm Hạp cùng nghiên cứu tổ chức triều nghi và sắp xếp lễ đăng quang, có sự góp ý của quân sư Khuông Việt.

Nửa tháng sau, tờ biểu được 3 người cùng ký tên, dâng lên Đinh Bộ Lĩnh, được ông chấp thuận toàn bộ. Lễ đăng quang của Vạn Thắng Vương được tổ chức vào dịp Trung thu năm Bính Dần (966).

Sang ngày rằm tháng 8, lễ chính thức được cử hành. Vạn Thắng Vương ngự trên ngai vàng.

Vũ Ngọc Bích tuyên đọc tờ chiếu lên ngôi, đại khái phần đầu nêu lên lý do vì sao nhà vua phải tức vị, còn phần sau mang nội dung tờ hịch xuất quân, kêu gọi các sứ quân phải biết tự lượng sức mình, nạp ấn dâng thành sẽ được cắt đặt vào các địa vị xứng đáng, tránh cho quân lính khỏi bị chết oan, dân chúng khỏi mất nhà mất của.

Tờ chiếu vừa đọc xong, các quan và binh lính lại hô vang “Vạn Thắng Vương vạn tuế” vang cả một góc trời.

Nguyễn Đình Tư / NXB Văn hóa & Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY