Ảnh bìa tập 3 & 4 tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân. |
Đinh Bộ Lĩnh trở về Hoa Lư tường trình mọi việc vừa diễn ra tại Bố Hải Khẩu cho Đinh Dự và Đàm mẫu nghe, rồi thu xếp công việc, bái biệt mẹ. Ông dẫn vợ và đứa con đầu lòng là Đinh Liễn cùng các kẻ tả hữu và bộ tốt hơn một trăm người lên đường ra Bố Hải Khẩu.
Trần Lãm nhận Đinh Bộ Lĩnh làm nghĩa tử
Thấy Đinh Bộ Lĩnh đem cả vợ con ra sống gần mình như thể con tin, Trần Lãm rất vui lòng vì thấy động trưởng Hoa Lư thực lòng đi theo mình.
Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở cho vợ con, các tướng dưới quyền và binh lính đi theo, Đinh Bộ Lĩnh bắt tay vào nhiệm vụ một viên phụ tá của sứ quân Trần Lãm.
Cứ dăm hôm một lần, ông dắt Đinh Liễn đi theo vào biệt dinh hỏi thăm sức khỏe Trần Minh công và thọ lãnh những lời chỉ bảo cần thiết…
Ảnh bìa tập 3 & 4 tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân. |
Với cách xử sự khôn ngoan như thế, Đinh Bộ Lĩnh ngày càng được Trần Lãm thương mến và tin cậy, các tướng sĩ kính nể.
Vào cuối năm đó, mưu sĩ Hoàng Tất Thông bỗng nhiên lâm bệnh nặng. Một hôm, Trần Minh công và Đinh Bộ Lĩnh cùng đến thăm, thấy ông nằm liệt giường, mặt mũi hốc hác, hai mắt đã mất hết vẻ tinh anh.
Trần Lãm ngồi xuống bên giường bệnh nhân, cầm tay mà nói:
- Ta cùng mưu sĩ nuôi chí lớn khuông phò xã tắc. Trên con đường thiên lý ấy, chúng ta chỉ mới đi được vài ba dặm, mục tiêu chưa đạt tới, mà mưu sĩ đã lâm trọng bệnh, nhỡ có mệnh hệ nào, ta biết trông cậy vào ai!
Hoàng Tất Thông cố gượng lấy hết sức tàn, cất tiếng nói từng câu đứt đoạn:
- Tướng công và động trưởng hãy bình tâm, người ta sống chết có số mệnh, không ai thoát khỏi. Chỉ tiếc một điều là tôi không sống thêm để trông thấy kết quả tốt đẹp của sự hợp tác giữa Bố Hải Khẩu và Hoa Lư mà trong đó tôi được vinh dự góp phần xây dựng…
Tôi còn một ước vọng cuối cùng muốn đề đạt lên tướng công và động trưởng.
Trần Lãm đáp:
- Ta sẵn sàng nghe.
Hoàng Tất Thông cố gắng nhếch mép nở một nụ cười khoan khoái rồi nói:
- Qua gần một năm trời động trưởng về đây hợp tác với tướng công, đêm ngày chăm lo công vụ, tỏ ra là vị chỉ huy có công tâm và trách nhiệm, xứng đáng kế vị tướng công mai sau...
Tướng công nay đã già rồi, phần nối dõi không có, mà sự nghiệp chưa biết ngày nào mới hoàn thành, chi bằng tướng công nên nhận động trưởng đây làm nghĩa tử và động chủ cũng nên nhận tướng công làm nghĩa phụ để thắt chặt thêm tình cha con cùng lo việc lớn.
Rồi ông quay sang nhìn Đinh Bộ Lĩnh nói tiếp:
- Tôi mong động trưởng không coi nhẹ lời đề nghị của tôi.
Đinh Bộ Lĩnh lễ phép đáp:
- Thưa mưu sĩ, việc đó tôi đã mong ước từ lâu, nhưng chưa dám thốt ra. Nay, tôi chỉ biết trông chờ tôn ý của tướng công.
Trần Lãm nói:
- Mưu sĩ đã có lòng vì ta và đại sự quốc gia mà đề nghị như thế, lại được sự đồng ý của động trưởng Hoa Lư, ta thật tình không còn mong ước gì hơn.
Trần Lãm vừa dứt lời, Đinh Bộ Lĩnh đã sụp xuống lạy ông hai lạy xin làm nghĩa tử, rồi lạy Hoàng Tất Thông hai lạy để cảm tạ sự tác thành mối tình cha con giữa ông và Trần Minh công.
Hoàng Tất Thông nở một nụ cười trên đôi môi đã khô héo. Hơi thở càng lúc càng yếu dần…
Tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân |
Đinh Bộ Lĩnh đón Lê Hoàn về Bố Hải Khẩu
Sau khi làm lễ chung thất cho Hoàng Tất Thông, Trần Minh công hạ lệnh tổ chức lễ công nhận Đinh Bộ Lĩnh làm con nuôi.
Trong buổi lễ đó, ông còn công bố thiết lập ngôi “thế tử” cho Đinh Bộ Lĩnh để thay thế ông trông coi binh quyền toàn khu vực, còn ông chỉ giữ vai trò cố vấn mà thôi.
Trước sự tín nhiệm của Trần Minh công, với cương vị và trách nhiệm mới, Đinh Bộ Lĩnh ngày đêm để tâm chăm lo công việc.
Điều ông để ý làm trước hết là mở một loạt cuộc thanh sát các đồn lũy đã có trong khu vực để kịp thời bổ cứu những nhược điểm.
Một hôm, ông đi thanh sát đồn giới tuyến ở huyện Lợi Nhân về, lúc đến làng Bảo Đài, huyện Thanh Liêm, thấy một loại trúc thân nhỏ, có hoa, lấy làm lạ, ông cho dừng quân lại hỏi thăm dân địa phương về loại trúc này.
Trong lúc dừng lại, Đinh Bộ Lĩnh để ý đến một cậu bé khoảng mười tuổi, nét mặt khôi ngô, thân hình nở nang rắn chắc, bèn cho lính gọi cậu bé lại gần hỏi:
- Em tên gì?
Đứa bé không tỏ vẻ sợ sệt, nhìn thẳng vào ông mà trả lời:
- Tôi tên Lê Hoàn.
Đinh Bộ Lĩnh vẫn ôn tồn hỏi tiếp:
- Cha mẹ em tên gì?
Cậu bé có vẻ lúng túng chưa kịp đáp thì một ông lão chống gậy trúc đến gần Đinh Bộ Lĩnh đáp thay:
- Bẩm thế tử, cha cháu tên Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị.
Đinh Bộ Lĩnh quay hỏi cụ già:
- Lão phu là gì với em bé này?
Ông già đáp:
- Bẩm thế tử, tôi là cha nuôi của nó.
Đinh Bộ Lĩnh hỏi:
- Còn cha mẹ ruột em bé hiện ở đâu?
Vị hữu quan đáp:
- Bẩm thế tử, cha mẹ cháu đều mất sớm. Nguyên cách đây mười năm, mẹ cháu nằm ngủ mộng thấy hoa sen nở trong bụng rồi kết thành hạt. Từ đó, bà có thai và đến năm 941 thì sinh ra cháu. Khi cháu lên ba, cha mẹ cháu lần lượt qua đời.
Đinh Bộ Lĩnh hỏi tiếp:
- Từ lúc Lê Hoàn đến ở làm con nuôi, lão phu thấy tính nết của em ra sao?
Ông lão đáp:
- Bẩm thế tử, từ ngày cháu về với tôi, cháu luôn luôn tỏ ra là một đứa trẻ khác thường.
Về sự thông minh lanh trí, cháu phải nói là thần đồng. Năm lên bảy, tôi cho cháu đi đến học chữ với hòa thượng trụ trì chùa làng, cháu học đâu nhớ đó, học một biết hai, được hòa thượng rất thương mến.
Tại chùa, có mấy sư chú giỏi võ, thấy cháu thông minh và mạnh khỏe, thường rủ cháu ra sau chùa dạy cháu tập võ, cháu tập cũng rất nhanh và nay đã thạo các đòn quyền cước khiến người lớn cũng khó địch nổi.
Đinh Bộ Lĩnh nghe về Lê Hoàn như thế, có ý muốn đón cậu bé này về dinh cho đào tạo thành một tướng về sau, bèn nói với ông già:
- Nay tôi muốn đón đứa bé này về dinh, lão phu có bằng lòng không?
Ông lão vui vẻ đáp:
- Chúng tôi là con dân trong hạt dưới quyền của thế tử, thế tử đã có lòng chiếu cố đến cháu, chúng tôi đâu dám trái lệnh.
Đinh Bộ Lĩnh tỏ lời cảm ơn vị hưu quan, rồi cùng đoàn tùy tùng dẫn Lê Hoàn về Bố Hải Khẩu.