Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai vua Ngô mở cuộc đại tấn công quyết bắt sống Trần Lãm

Cho rằng Trần Lãm mắc tội khi quân và có ý chống lại triều đình, hai vua Ngô quyết định mở cuộc đại tấn công vào Bố Hải Khẩu.

Việc Trần Lãm không đến dự lễ đăng quang của Thiên Sách Vương và lễ đại triều đã làm cho hai vua Ngô nổi giận, nếu vì cớ già yếu không đi xa được, Trần Lãm phải cử thân tín đi thay.

Người không đi được mà cũng chẳng có một tờ biểu tấu nào cáo khiếm, là một thái độ khi quân không thể tha thứ được.

Hơn nữa, tiếng đồn đại lâu nay trong dân chúng về việc phe nhóm Bố Hải Khẩu chiêu binh mãi mã, xây thành đắp lũy, tích trữ lương thảo, có ý chống lại triều đình, nay đã thành hiển nhiên.

Nếu không kịp thời trừng trị sẽ làm gương xấu cho kẻ khác, vì vậy nhân có các vị trấn thủ về chầu, hai vua Ngô bèn lâm triều bàn định việc đem quân đánh Trần Lãm.

Cuoc dai tan cong vao Bo Hai Khau anh 1

Tiểu thuyết loạn 12 sứ quân.

Nam Tấn Vương nhường lời cho Thiên Sách Vương phán:

- Trẫm và vương đệ sẽ thân chinh, mở cuộc đại tấn công vào sào huyệt của Trần Lãm quyết bắt sống những tên phản loạn để trừng trị hết phép.

Thiên Sách Vương vừa nói tới đó, một vị đại thần bước ra quỳ xuống tâu:

- Muôn tâu vương thượng, thần trộm nghĩ triều đình chưa nên ra quân lúc này.

Mọi người nhìn lại thì đó là quan tham chính Kiều Trí Hữu quê ở huyện Cẩm Giang thuộc Hồng Châu. Nam Tấn Vương hỏi:

- Vì sao khanh lại nói thế?

Kiều Trí Hữu vẫn quỳ tâu:

- Muôn tâu thánh thượng, triều đình ra quân đánh Trần Lãm để trừng phạt tội khi quân là rất phải, nhưng triều đình không nên coi thường lực lượng Bố Hải Khẩu.

Hơn năm năm nay, Trần Lãm và thủ hạ, sau khi đã thắng cuộc hành quân của Bình Vương được sống trong hòa bình và ổn định để củng cố lãnh địa của y, quân nhiều lương đủ, lại có tên Đinh Bộ Lĩnh, động Hoa Lư về hợp tác là một tay có bản lĩnh cao cường.

Còn quân triều đình lâu nay chỉ được dùng vào việc xây dựng Vọng nguyệt đài, không được luyện tập, gươm cùn giáo gỉ, lương thực thiếu hụt, làm sao đủ sức đánh bại được quân phản loạn miền Nam.

Hơn nữa, mấy năm liền, triều chính bị bỏ bê, thiên tai bão lụt, hạn hán triền miên, giặc giã cướp phá khắp nơi, dân chúng điêu linh khốn khổ. Nay lại gây nên nạn binh đao, quân dân sẽ đều oán hận.

Chi bằng thánh thượng mới lên ngôi, xin dành thì giờ chỉnh đốn lại việc triều chính, tập luyện quân sĩ, tích trữ lương thảo, ban ân thí đức cho trăm họ được tắm gội ơn mưa móc, chờ một vài năm nữa sẽ cắt quân đi tiễu phạt, phần thắng ắt là trọn vẹn, cúi xin vương thượng xét lại.

Thiên Sách Vương nghiêm nét mặt phán:

- Hai trẫm đã quyết định, các khanh không được cản trở. Đây là cuộc hành quân quan trọng, làm tăng uy danh của triều đình. Vì vậy hai trẫm sẽ huy động một quân lực hùng hậu để đánh thắng.

Hiện nay số quân đóng tại kinh đô có hạn, cần phải thêm tướng sĩ ở các châu huyện cũng như sự đóng góp lương thảo của các địa phương. Việc huy động nhân lực và vật lực như thế nào, trẫm nhường lời cho vương đệ phán rõ.

Nam Tấn Vương nói:

- Về nhân lực, hai trẫm quyết định huy động ba nghìn quân tại kinh đô, giao cho ba dinh tiền, tả, hữu chịu trách nhiệm điều động, còn hậu dinh ở lại bảo vệ kinh thành. Quân lực tại các châu huyện sẽ điều động mỗi nơi 500 quân, gồm có Tế Giang, Bình Kiều, Đằng Châu, Tây Phù Liệt và Đỗ Động Giang.

Các nơi khác như Hồi Hồ, Phong Châu, Tam Đái, Tiên Du, Siêu Loại, Hồng Châu vì ở xa mặt trận, hai trẫm miễn cho việc cung cấp nhân lực, nhưng phải đài thọ lương thảo, mỗi nơi 1.000 con lợn.

Riêng các Châu Ái, Châu Hoan ở phía Nam, Châu Lạ, Châu Thái, Châu Tuyên ở phía Bắc quá xa xôi, triều đình miễn cho cả nhân lực và vật lực. Tất cả mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất vào cuối tháng ba, đầu tháng tư hai trẫm sẽ có lệnh hành quân cụ thể.

Các quan văn võ bái mạng nhận phần trách nhiệm của mình.

Tan buổi chầu, quan tham chính bước ra khỏi điện, nói với các bạn đồng liêu:

- Uy danh của nhà Ngô sẽ do cuộc hành quân sắp tới làm tiêu tan hết.

Quan trung đại phu đi bên cạnh hỏi:

- Vì sao vậy?

Kiều Trí Hữu buồn rầu đáp:

- Vì quân triều đình khó thắng, mà đã không thắng thì uy danh sẽ mất, uy danh của Đinh Bộ Lĩnh sẽ nổi như sóng cồn, các địa phương sẽ xem thường lực lượng của triều đình.

Các vị trấn thủ sứ quân cũng vội trở về nhiệm sở bàn luận với các thuộc hạ xem có nên tuân lệnh triều đình hay không, nếu tuân lệnh thì tuân đến mức độ nào, chủ trương tự lập trước kia có còn duy trì nữa hay hủy bỏ.

Hai anh em ruột cùng làm vua một nước

Điều đó xưa nay chưa hề có. Một nước không khi nào lại có hai vua, xưa nay người ta vẫn nói thế.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn

Đinh Bộ Lĩnh nghe về Lê Hoàn, có ý muốn đón cậu bé này về nhà để đào tạo thành tướng tài.

Tướng mạo của bậc đế vương

Hoàng Tất Thông lợi dụng chỗ ngồi sát gần và lấy cớ đàm luận với động chủ Hoa Lư để xem tướng Đinh Bộ Lĩnh, coi có phải là người sẽ làm nên việc lớn không.

Nguyễn Đình Tư/NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY