Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn Sáng – người ‘mặc áo’ cho vạn cuốn sách

Trong gần 30 năm thiết kế, họa sĩ Văn Sáng đã làm nên bộ mặt của nhiều đầu sách, đạt nhiều giải thưởng, giúp độc giả bước đầu nhận diện nội dung cuốn sách.

Cầm cuốn sách trên tay, ta dễ dàng nhìn thấy tên tác giả, nhưng khó mà biết được ai là người làm nên trang bìa. Cho tới khi lật trang cuối, nhất là sách văn học trong nước, có thể ta sẽ bắt gặp một dòng chữ nhỏ: “Bìa: Văn Sáng”. Vậy mà, dễ có tới vạn cuốn sách đã ghi dòng chữ khiêm tốn ấy ở trang cuối sách. Người làm nên diện mạo cho những tác phẩm ấy là họa sĩ Văn Sáng – một người yêu văn chương, một “trai phố cổ” sống chậm, từ từ thưởng thức những tinh hoa, để rồi trả lại nghệ thuật cho đời.

Văn Sáng chậm rãi kể, những năm 1990, anh làm họa sĩ trình bày báo tại Thông tấn xã Việt Nam. Lúc đó, đội ngũ thiết kế bìa sách không nhiều, không chuyên như bây giờ. Tình cờ, một nhà xuất bản thấy anh làm đồ họa thì nhờ thiết kế cho bìa một cuốn sách. “Có lẽ bìa sách ấy khá thành công, nên tôi tiếp tục nhận được những lời mời cộng tác” – Văn Sáng nói. Vậy mà, từ cái tình cờ ấy tới nay đã gần 30 năm anh bỏ công việc của một viên chức nhà nước để trở thành người thiết kế bìa sách.

Sach dep,  Bia sach goi cam anh 1
Họa sĩ Văn Sáng. Ảnh: Thu Hiền

Tuy là làm việc tự do, nhưng Văn Sáng cũng chẳng có mấy thời gian ngơi nghỉ. Nếu chia một vạn bìa sách cho 30 năm, thì tính ra mỗi ngày anh phải thiết kế một tác phẩm. Khối lượng công việc như vậy không ít, nhưng Văn Sáng luôn làm việc với sự nhiệt tâm, cẩn trọng. Nói như ngôn ngữ của anh là không “hớt váng” tác phẩm.

Văn Sáng cho biết, khi nhận một tác phẩm để thiết kế bìa, việc đầu tiên là anh phân loại tác phẩm đó. Nếu là sách văn học thì phải xem tác phẩm đó là trong hay ngoài nước, theo thể loại lãng mạn, trinh thám hay giả tưởng… Sau đó, tiếp tục tìm hiểu về tác giả, phong cách, nội dung sách… Việc tiếp theo, họa sĩ thiết kế sẽ đánh giá đối tượng đọc cuốn sách. “Tất nhiên, không nhà làm sách nào muốn tự giới hạn đối tượng độc giả của sách, nhưng vẫn cần xác định đối tượng chính mà sản phẩm hướng đến. Có như vậy mới đánh vào thị hiếu của người đọc” – Văn Sáng nói. Sau khi có được những thông tin cần thiết, người họa sĩ sẽ lên phương án thiết kế, từ hình, bố cục tới ngôn ngữ đồ họa…

Sự cẩn trọng của Văn Sáng còn thể hiện ở chỗ, anh không coi việc giao bản thiết kế cho đối tác là xong nhiệm vụ. Họa sĩ bảo, sản phẩm cuối cùng đến với bạn đọc không phải là bản thiết kế, mà chính là bản in trên tờ giấy bìa của sách. Vì thế, công nghệ in, kỹ thuật sau in được anh quan tâm. Các phương pháp như dập nổi, cán màng, ép nhũ… nhằm tạo hiểu quả thẩm mỹ cho bìa sách vẫn được người họa sĩ dõi theo. Thậm chí anh còn hiểu bản thiết kế nên dùng chất liệu giấy gì thì phù hợp. “Nói cho cùng, sản phẩm đến với độc giả là bản in, nên tôi nghĩ phải giám sát quá trình in, gia công sau in, chỉ đạo chất liệu giấy là điều người họa sĩ thiết kế cần làm” – Văn Sáng nói.

Sach dep,  Bia sach goi cam anh 2
Một số bìa sách do Văn Sáng thiết kế.

Quãng thời gian làm nghề, có những bìa anh làm rất nhanh, nhưng cũng có những tác phẩm khiến anh băn khoăn. Dù công việc thông suốt hay ách tắc, họa sĩ không tỏ ra nao núng hay bỏ cuộc. Anh luôn quan niệm thế nào rồi cũng có cách gỡ, nếu chưa có phương án thiết kế hợp lý, tức là người họa sĩ đang thiếu thông tin. “Bằng cách tìm hiểu, giao tiếp, trực giác mà mình tìm cách tiếp cận tới nội dung cuốn sách. Nếu tác giả sách là người mình có điều kiện gặp, thì sẽ gặp gỡ trò chuyện. Trong cuộc trò chuyện ấy, mình sẽ hiểu hơn về con người, tư tưởng tác giả hay khởi nguồn nội dung tác phẩm. Từ đó bản thiết kế của mình sẽ sát với nội dung sách”.

Nghề thiết kế bìa sách đòi hỏi người làm những yêu cầu khắt khe. Để đi đường dài với nghề, họa sĩ đâu chỉ có kỹ thuật đồ họa, mà cần rất nhiều kiến thức. Sự thẩm định của mỗi cá nhân người làm là một yếu tố quan trọng giúp bản thiết kế đảm bảo ăn nhập nội dung sách và đảm bảo thẩm mỹ. Văn Sáng bảo, anh cảm giác trong mình có một năng lượng giúp bản thân đi với nghề này gần 30 năm. Năng lượng ấy không phải trời phú, mà là sự rèn luyện, hấp thụ, tích lũy từng ngày. “Trào lưu, phong cách thời đại là một yếu tố quan trọng. Ta có thể ngửi thấy nó ở nhiều thứ, từ bộ phim, âm nhạc, văn học, thời trang hay thiết kế của thiết bị công nghệ… Từ đó ta hiểu ngôn ngữ đồ họa của thời đại, mà đưa ra những thiết kế hợp với nhu cầu, thị hiếu”. Nghĩ như vậy nên đi đâu, làm gì anh cũng quan sát kỹ, thụ hưởng nghệ thuật chậm rãi để nhận ra trào lưu đặc trưng, ngôn ngữ tạo hình. Kiến thức về xã hội, văn học… cũng được Văn Sáng tích lũy từng ngày.

Với Văn Sáng, nghề thiết kế bìa sách cần nhiều kỹ năng. “Design đương nhiên cần phải có. Nhưng chỉ thế thì chưa đủ. Làm bìa sách cần một chút đồ họa, một chút marketing để hiểu thị hiếu, văn hóa, tri thức, rồi am hiểu nghệ thuật, thẩm mỹ”. Phân tích sâu thêm, Văn Sáng nói, nếu chỉ vững đồ họa, rất có thể rơi vào tình trạng làm một cái bìa đẹp mà không hợp ý nghĩa, nội dung cuốn sách. Nếu không có kiến thức marketing, có thể làm một sản phẩm không thu hút bạn đọc. Còn nếu thiếu hiểu biết nghệ thuật, thẩm mỹ thì rất có thể tạo ra một cái bìa phản cảm.

Sach dep,  Bia sach goi cam anh 3
Văn Sáng luôn có phong cách thiết kế bìa rất riêng.

Nhận xét về bìa sách Việt Nam trong những năm gần đây, Văn Sáng bảo bây giờ bìa đã đẹp lên rất nhiều để phục vụ nhu cầu bạn đọc. Tuy nhiên vẫn có những cuốn làm chụp giật, đưa những hình ảnh hở hang không phù hợp thẩm mỹ để câu kéo độc giả. Văn Sáng nói việc dùng hình ảnh cơ thể phụ nữ, một ẩn dụ về sex cũng là lẽ thường khi quảng bá một tác phẩm văn học, điện ảnh, thời trang… Vấn đề ở chỗ dùng hình ảnh hở với liều lượng như nào, ẩn ý ra sao phụ thuộc vào trình độ, thẩm mỹ của người thiết kế. “Cái gì phơi hết ra thì không những chẳng gợi cảm mà thành ra phản cảm. Phông văn hóa, sự tinh tế và con mắt của họa sĩ quyết định thành bại của cái bìa, quyết định bộ mặt cuố sách sẽ tinh tế hay bẩn thỉu, nghệ thuật hay dung tục” – Văn Sáng nói.

Thiết kế bìa sách ở nhiều thể loại, từ sách khoa học, thiếu nhi, từ điển, giáo dục, văn học, nghiên cứu… nhưng Văn Sáng làm bìa nhiều nhất cho sách văn học. Bên cạnh gắn bó với hội họa, thiết kế, anh dường như có mối duyên với văn chương. Khi thiết kế bìa cho một tiểu thuyết, tập truyện ngắn hay tập thơ của tác giả trong nước, Văn Sáng thường tìm gặp tác giả để bàn về tác phẩm. Cũng nhờ mối duyên làm bìa sách mà anh có nhiều bạn bè là nhà văn. Anh thân thiết, thường giao thiệp với văn nhân từ những người tiếng tăm đến những người viết trong thầm lặng.

Khi động chạm đến vấn đề nhạy cảm là thu nhập của nghề làm bìa sách, Văn Sáng không giấu giếm. Anh tiết lộ mức nhuận bút trung bình mà mình được nhận khi làm bìa sách, rồi cười mủm mỉm: “Nhuận bút đủ để cho mình sống đơn giản”. Thật ra, Văn Sáng chẳng có nhu cầu cầu kỳ, anh đi xe máy vì thấy phương tiện ấy phù hợp cho giao thông ở thành phố. Sinh ra ở Hà Nội, lại không phải quá lo cho tài chính nên họa sĩ có điều kiện theo đuổi cái nghề sáng tạo mà thu nhập thiếu hấp dẫn như thế. Dù đã làm nên bộ mặt của nhiều cuốn sách, nhận về những giải thưởng, Văn Sáng vẫn bình thản sống và thiết kế bìa sách. Anh không vơ vào mình cái vinh quang, sứ mệnh của người làm nên dung mạo một cuốn sách. Người họa sĩ ấy chỉ nghĩ công việc của mình đơn giản là được đồng hành, hài hòa, làm đẹp cho nội dung cuốn sách. 




Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm