Trao đổi với Zing.vn, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và tư vấn thị trường TP.HCM của Savills, đánh giá chất lượng phát triển của nhóm văn phòng hạng A và hạng B đang ở mức khá tương đồng.
"Nhiều khách tìm kiếm các sản phẩm hạng A hoàn toàn có thể tiếp cận với các văn phòng hạng B và ngược lại. Tỷ lệ lấp đầy của nhóm văn phòng hạng A ở TP.HCM đang ở mức rất cao, dao động từ 96-97%".
Mặc dù giá ngày càng cao nhưng công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng hạng A ở TP.HCM đang nằm ở mức gần tuyệt đối. Ảnh: Lê Quân. |
Bà Khánh Trang cũng chỉ ra một xu hướng vận động mới của thị trường bất động sản văn phòng TP.HCM khi ngày càng nhiều dự án văn phòng được xây dựng ở khu vực kế cận trung tâm như quận 2, quận 7.
"Những khu vực này có thể là những lựa chọn tiếp theo của khách thuê bởi vị trí không quá xa, tốc độ phát triển tốt cũng như giá thành hợp lý trong lúc giá thuê ở khu vực trung tâm ngày càng cao do nguồn cung hạn hẹp," bà giải thích.
Trong nửa đầu năm 2019, đã có thêm 4 dự án bất động sản văn phòng hạng C mới gia nhập vào thị trường, đóng góp thêm 32.800 m2 nâng tổng nguồn cung của thị trường TP.HCM 1,4 triệu m2, tăng 3% so với năm 2018.
Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, thị trường văn phòng TP.HCM không chỉ lớn nhất cả nước mà còn là một trong những thị trường hoạt động sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nguồn cung của thành phố được đánh giá chỉ đặt mức dưới 20% so với các đô thị phát triển khác trong khu vực. Dữ liệu của đơn vị này cho thấy, tính đến năm 2017, tổng diện tích bất động sản văn phòng cho thuê của Hà Nội và TP.HCM đều ở mức 1,6 triệu m2 với công suất cho thuê lần lượt là 92 và 96%.
Ở thời điểm đó, tổng nguồn cung ở Bangkok là 8,6 triệu m2, ở Kuala Lumpur là 10,2 triệu m2 và ở Jakarta là 9,7 triệu m2 với giá cho thuê cũng thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn của Việt Nam.