Đầu năm 2019, trong quá trình điều tra thị trường giao dịch dữ liệu cá nhân bị đánh cắp đang nở rộ ở Nga, nhà báo Andrei Zakharov mua được thông tin tài khoản ngân hàng và điện thoại của chính ông.
Cuộc điều tra của Zakharov hé lộ những quan chức trong lực lượng an ninh và nhân viên công ty viễn thông nhà nước sẵn sàng nhận tiền để can thiệp vào hệ thống cơ sở dữ liệu, rồi tuồn thông tin nhạy cảm do họ quản lý về bất cứ cá nhân nào ra bên ngoài, theo Guardian.
Đe dọa an ninh quốc gia
Mùa hè vừa qua, khi sử dụng cách thức tương tự Zakharov, các phóng viên của hai tạp chí điều tra Bellingcat và Insider tìm ra thông tin về một nhóm tác chiến bí mật thuộc Tổng cục An ninh Nga (FSB) - tức cơ quan tình báo trung ương - bị cáo buộc liên quan tới vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny trúng độc.
Việc thông tin nhân sự bên trong cơ quan tình báo Nga dễ dàng bị phát tán ra ngoài cho thấy vấn đề rò rỉ và mua bán trái phép dữ liệu không chỉ mang lại nguồn lợi nhuận cho các nhân viên chính phủ biến chất. Nó thực sự trở thành mối đe dọa cấp bách về an ninh quốc gia đối với Moscow.
"Sau khi tôi viết bài điều tra, chẳng có gì thay đổi. Khi Bellingcat bắt đầu đào sâu hơn vào tin tức cơ quan tình báo, cũng không có gì thay đổi. Và lần này tôi tin cũng sẽ không có gì thay đổi. Hãy chờ xem", Zakharov cho biết.
Dữ liệu về một nhóm tác chiến bí mật thuộc cơ quan tình báo trung ương Nga - được cho là có liên quan tới vụ ông Alexei Navalny trúng độc - đã bị rò rỉ. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, nhà chức trách Nga có lẽ muốn chứng minh điều ngược lại với suy nghĩ của ông Zakharov.
Hôm 15/12, Quốc hội Nga phê duyệt sơ bộ một số sửa đổi nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, trước hết là dữ liệu về các sĩ quan FSB và tình báo quân đội mà trước đó các phóng viên của Bellingcat khai thác rất hiệu quả.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin cũng yêu cầu cơ quan viễn thông nhà nước củng cố hệ thống bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dữ liệu bị rò rỉ, đôi khi là mua bán, làm thay đổi báo chí điều tra về nước Nga. Các cuộc điều tra của báo giới hé lộ nhiều chi tiết về giới quan chức cấp cao, các doanh nhân có quan hệ mật thiết với chính quyền, cũng như lực lượng tình báo.
Mức độ và quy mô tin tức bị mua bán khiến nhiều người kinh ngạc, từ dữ liệu định vị và cuộc gọi của điện thoại cá nhân, ghi chép hàng không, biển số xe, cho tới hồ sơ y tế và tội phạm.
Zakharov nói ông biết về những tài liệu do cảnh sát thu thập rồi bị rao bán từ những năm 2000. Đó là danh sách khách hàng của gái mại dâm ở Moscow, ghi chép bệnh nhân cấp cứu, hay danh sách người nghiện ma túy tại một quận của Moscow.
Đăng tải công khai dữ liệu bị rò rỉ trở thành một chiến thuật điều tra ngày càng phổ biến, dù ít nhiều gây tranh cãi. Tuy nhiên, không nhiều nhà báo thừa nhận họ cố ý tìm kiếm và phát tán những dữ liệu bị rò rỉ.
"Câu chuyện này tạo ra nhiều ồn ào, tuy nhiên tất cả bắt đầu khá đơn giản, kiểu như: Tôi mua được một tập dữ liệu về khu vực Moscow trong một đường hầm của nhà ga Paveletsky. Khi trở về nhà, tình cờ tôi tìm thấy tên của giám đốc FSB Alexander Bortnikov", nhà báo điều tra tội phạm Sergei Kanev cho biết.
Lỗ hổng đã có từ lâu
Tình trạng dữ liệu bị rò rỉ từ các cơ quan quản lý khác nhau của Nga xuất hiện từ đầu những năm 2000. Khi đó, hồ sơ tài liệu có thể được rao bán ngay trên đường phố.
"Khi đó, một số người ở St. Petersburg đi từ toa tàu này sang toa tàu khác để bán chúng", ông Zakharov cho biết.
Việc mua bán dữ liệu đã xuất hiện ở Nga từ đầu những năm 2000 và ngày càng phổ biến. Ảnh: Getty. |
Khác với 20 năm trước, giờ đây người ta có thể đặt hàng dữ liệu về những đối tượng cụ thể nhờ vào sự phát triển cơ sở hạ tầng lưu trữ của cơ quan thực thi pháp luật, các công ty viễn thông, hay cơ quan quản lý nhà nước khác.
Nhân viên các cơ quan này có thể chuyển dữ liệu cho người mua thông qua những tay cò mồi, hoặc qua những kênh bảo mật như Telegram, tiền thù lao sẽ được thanh toán qua ví điện tử.
Thị trường kết nối người mua và người bán dễ dàng và hoàn toàn ẩn danh, lôi kéo sự tham gia của nhiều nhân viên nhà nước vốn chỉ nhận được đồng lương còm cõi. Khi cảnh sát triệt phá các vụ mua bán, cái giá người mua phải trả cho dữ liệu tiếp tục tăng lên.
Bellingcat mới đây tiết lộ cách tạp chí điều tra này thu thập khối lượng lớn thông tin về Anatoliy Chepiga, một sĩ quan tình báo được cho là có liên quan tới vụ đầu độc điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ở Salisbury, Anh. Bellingcat chỉ đơn giản là gửi đề nghị mua thông tin với giá 13 USD thông qua Telegram.
"Trong vòng 2-3 phút sau khi nhập tên đầy đủ của Chepiga kèm phương thức thanh toán thông qua Google Pay hoặc dịch vụ thanh toán như Yandex Money, chúng tôi nhận được thông tin ngày sinh, số hộ chiếu, ghi chép hình sự, biển số xe, thông tin xe từng sở hữu, thậm chí các địa điểm người này thường đỗ xe ở Moscow", Bellingcat tiết lộ.
Trong một bài viết về cuộc điều tra của Bellingcat, ông Navalny cho rằng luật an ninh quốc gia hiện hành của Nga tạo ra lỗ hổng cho phép nhân viên công vụ "tự do mua bán" dữ liệu cá nhân của công dân với các bên thứ ba.
"Ở những nước khác, tôi nghĩ cảnh sát sẽ khó có thể theo dõi lịch trình di chuyển của công dân nếu không có sự chấp thuận của cơ quan công tố hoặc tòa án. Nhưng tại đây, bất cứ sĩ quan cảnh sát nào cũng có thể đơn giản là dùng máy tính để kiểm tra người ta đi những đâu", nhà báo Zakharov nói.
Việc sử dụng "probiv" - thuật ngữ miêu tả dữ liệu bị rò rỉ thông qua mua bán - tới nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong báo giới ở Nga.
Ông Zakharov cho biết nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về "probiv" xảy ra vào năm 2019, khi các nhà báo và biên tập viên lão làng uy tín phản đối việc sử dụng loại dữ liệu này.
"Nhưng kể từ đó đến nay, tôi thấy ngày càng nhiều phóng viên sử dụng kiểu dữ liệu như vậy. Quan điểm của tôi là không nên mua dữ liệu. Nhưng nếu tìm tới nguồn tin và họ cung cấp dữ liệu, ta có thể sử dụng chúng", ông Zakharov nói.