Trang Guardian dẫn báo cáo của chuyên gia về an ninh viễn thông Gary Miller cho biết Trung Quốc đã sử dụng mạng điện thoại di động ở khu vực Caribe nhằm do thám điện thoại người dùng tại Mỹ. Đây là một phần trong chiến dịch thu thập thông tin tình báo quy mô lớn của Bắc Kinh.
Các cuộc tấn công vào điện thoại di động cho phép Trung Quốc theo dõi và can thiệp thông tin liên lạc của người đăng ký các dịch vụ di động Mỹ, theo Guardian.
Do thám quy mô lớn
Theo ông Gary Miller, Trung Quốc sử dụng các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông để gửi tin nhắn báo hiệu tới người dùng ở Mỹ, thường là khi họ đi du lịch.
Tin nhắn báo hiệu là loại tin được gửi từ các công ty khai thác dịch vụ viễn thông toàn cầu và ẩn danh đối với người dùng điện thoại di động.
Tin nhắn này cho phép các công ty khai thác dịch vụ định vị điện thoại, kết nối các thiết bị di động với nhau và tính phí chuyển vùng. Tuy nhiên, một số tin nhắn báo hiệu có thể bị lợi dụng cho mục đích phi pháp, như theo dõi, giám sát hoặc can thiệp thông tin liên lạc.
China Unicom bị nghi có liên quan tới âm mưu do thám điện thoại dân Mỹ. Ảnh: KPN. |
Ông Miller cho biết các công ty khai thác dịch vụ di động Mỹ có thể ngăn chặn phần lớn âm mưu tấn công kiểu như vậy, nhưng một số thì không.
"Các cơ quan chính phủ và Quốc hội đã biết về sự mong manh của mạng di động công cộng trong nhiều năm. Tuy nhiên, những khuyến nghị an ninh của chính phủ không được các công ty tuân thủ, thậm chí các khuyến nghị cũng không đủ để ngăn các cuộc tấn công", ông Miller nói.
Đỉnh điểm các vụ tấn công do thám từ Trung Quốc xảy ra năm 2018. Chuyên gia người Mỹ nói đa phần các cuộc tấn công được tiến hành thông qua một công ty khai thác dịch vụ viễn thông do chính quyền Trung Quốc sở hữu có tên China Unicom.
Từ 2018 tới nay, hàng chục nghìn người sử dụng dịch vụ viễn thông Mỹ đã trở thành đối tượng do thám của Trung Quốc, ông Miller nói.
"Khi số mục tiêu lên đến hàng chục nghìn, cuộc tấn công có thể được coi là do thám quy mô lớn, chủ yếu để thu thập thông tin tình báo, đôi khi nhắm vào những mục tiêu nhạy cảm giá trị cao", ông Miller nói.
Trong một số trường hợp, những điện thoại bị tấn công đồng thời thông qua China Unicom và các nhà cung cấp dịch vụ ở khu vực Caribe như Cable & Wireless Communications ở Barbados và Telecommunications Company ở Bahamas.
Hàng chục vụ tấn công xảy ra trong giai đoạn từ 4-8 tuần bất thường tới mức ông Miller nhận định đó là chỉ dấu "rõ ràng và mạnh mẽ" cho thấy những cuộc tấn công đã được lên kế hoạch.
Trong năm 2019, các cuộc tấn công nhắm vào người sử dụng mạng 3G tại Mỹ chủ yếu thông qua công ty Cable & Wireless Communications ở Barbados. Trong khi đó, số vụ tấn công thông qua mạng do công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ giảm.
"Trung Quốc giảm số lượng các vụ tấn công năm 2019, tập trung vào do thám có trọng tâm, sử dụng các mạng lưới ủy nhiệm ở Caribe để xâm nhập", ông Miller nói.
James Lewis, giám đốc Chương trình Công nghệ chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết âm mưu do thám điện thoại quy mô lớn của Trung Quốc "chỉ là ví dụ khác của một chiến dịch tình báo tinh vi và quyết liệt".
Phản ứng của Trung Quốc
Hiện chưa rõ các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông có nhận thức được họ liên quan tới hoạt động do thám quy mô lớn hay không.
Ông Miller tin rằng có khả năng một thực thể Trung Quốc đã thuê địa chỉ mạng viễn thông của công ty cung cấp dịch vụ ở Caribe, định tuyến tin nhắn chứa mã độc qua hệ thống mạng của các công ty ở khu vực này trước khi được chuyển tới điện thoại của các nạn nhân.
Trong một tuyên bố mới được đưa ra, China Unicom bác bỏ cáo buộc tấn công do thám người sử dụng dịch vụ di động Mỹ truy cập vào mạng lưới viễn thông quốc tế.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington khẳng định chính phủ nước này "phản đối tấn công mạng dưới bất cứ hình thức nào".
Hàng chục nghìn người sử dụng điện thoại Mỹ đã bị do thám. Ảnh: Nikkei Asia. |
"Lập trường của chính phủ Trung Quốc về an ninh mạng luôn rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi kiên quyết phản đối và chống lại tấn công mạng dưới bất cứ hình thức nào. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ an ninh mạng", tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định.
Hồi tháng 4, Ủy ban Truyền thông liên bang, cơ quan quản lý hoạt động viễn thông của Mỹ, cảnh báo có thể đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Mỹ của China Unicom và các công ty con do tập đoàn Trung Quốc quản lý.
Chủ tịch Ủy ban Ajit Pai cho biết cơ quan này lo ngại hoạt động của China Unicom bởi tập đoàn thuộc sở hữu của chính quyền Bắc Kinh.
Phản ứng trước cảnh báo của Ủy ban Truyền thông liên bang, tập đoàn Trung Quốc khẳng định China Unicom luôn tuân thủ pháp luật và sẵn sàng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
China Unicom cũng cho biết các công ty con của tập đoàn ở Mỹ hoạt động "độc lập".