Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) cho biết, trong số hàng nghìn vụ khiếu nại liên quan đến quyền lợi NTD hàng năm, số vụ việc liên quan đến thực phẩm (TP) ngày một tăng. Đặc biệt, những loại TP có nguồn độc hại từ Trung Quốc đang thực sự trở thành thách thức đối với NTD trong nước bởi nó không hạn chế ở một vài ngành hàng.
Từ sữa nhiễm melamine, thạch rau câu có chất phụ gia chứa DEHP, hạt trân châu chứa chứa axít meleic (chất gây suy thận)... đến những loại TP chức năng, trang sức (vòng titan) chứa độc chất. Gần đây là các loại gà thải loại được buôn lậu về Việt Nam có năm lên đến tám triệu con, bên cạnh đó là các loại nội tạng động vật, các hóa chất bảo quản...
“Nhiều loại TP chứa chất độc hại nhưng chúng ta không thể phát hiện, chỉ đến khi cơ quan chức năng ở nước xuất khẩu thông báo mới biết được có nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe NTD. Đó là lỗ hổng kiểm soát”, ông Hùng nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM dẫn chứng, đơn vị này từng phát hiện một cơ sở nhập khẩu số lượng lớn sản phẩm ô mai từ biên giới phía Bắc, qua tỉnh Quảng Ninh về TP HCM tiêu thụ. Hàng Trung Quốc nhưng lại được đóng nhãn mác, bao bì tiếng Việt.
Với những mặt hàng giả hàng trong nước, nếu trót lọt ra thị trường thì NTD khó phân biệt. Trong khi đó, những sản phẩm này đã bị phát hiện sử dụng những chất cấm sử dụng, rất độc hại.
Ảnh minh họa. |
Ngoài TP ngoại nhập, VINASTAS cũng cảnh báo, thị trường có nhiều loại TP núp bóng dưới dạng TP chức năng, quảng cáo thổi phồng công dụng, đánh lừa NTD. Cơ quan này dẫn chứng một trường hợp, NTD tại Hà Nội khiếu nại việc dùng TP chức năng Tâm Não Khang, nhưng bệnh nặng hơn.
Khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ đã khẳng định nguyên nhân chính là do sử dụng loại TP chức năng đó. Một trường hợp khác, dùng loại TP chức năng trà túi lọc được quảng cáo phù hợp với người cao huyết áp, nhưng khi dùng huyết áp lại tăng mạnh...
Trong khi đó, đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông dẫn số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy, 90% NTD không hề biết đến cơ quan bảo vệ quyền lợi cho mình là Hội Bảo vệ NTD.
Chỉ 2-3% NTD sử dụng đến kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi mua phải những sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng đến mình hoặc người thân. Điều này có lý do, vì 70% số người tìm đến kênh khiếu nại đều không hài lòng với cơ chế khiếu nại, khiếu kiện.
Tâm lý sợ mất thời gian, không tin vào cơ chế, thiếu sự hỗ trợ, sợ tốn tiền là những nguyên nhân khiến NTD ngại gõ cửa Hội Bảo vệ NTD. Cục này cũng cảnh báo, hiện nay hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của NTD đang diễn biến tinh vi, phức tạp ở nhiều nhóm ngành như bưu chính viễn thông, điện tử (máy tính, điện thoại...), xe (ôtô, xe máy), TP, y tế... Vi phạm chủ yếu là không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không bảo hành sản phẩm đúng trách nhiệm, vấn đề vệ sinh an toàn TP.