Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn minh tác quyền

Có lẽ hiện nay, nhiều người sáng tác không coi trọng lắm vấn đề tác quyền, cho đến khi tranh chấp xảy ra.

Nhiều chuyện nghe rất buồn cười chẳng hạn một người sáng tác đưa tác phẩm gần hoàn thiện của mình nhờ bạn viết nốt cho hoàn chỉnh và dĩ nhiên anh nghĩ cả hai cùng đứng tên, nhưng người bạn sau đó chỉ muốn gạt tên người viết đầu tiên ra khỏi tác phẩm ấy. Tổ chức nghề nghiệp của họ tổ chức cuộc họp và mọi người cùng xác nhận cả hai là đồng tác giả và chính người hoàn thiện kia cũng đồng ý với điều đó. Ấy vậy mà lâu lâu người ấy lại quên đề tên người bạn của mình, người đã đưa ra ý tưởng và những sáng tạo ban đầu, khiến ông bạn phải lọ mọ đi nhờ đính chính.

Khi một người quen đưa tác phẩm của mình ra cho một người khác thưởng thức và đồng ý cho người đó tham dự vào tác phẩm, chính tôi đã can ngăn và bảo rằng: “Ôi dào! Hồn ai nấy giữ! Tác phẩm người nào thì người ấy sáng tác, chứ chung chạ với nhau phiền phức lắm, chưa kể mỗi người một phong cách khác nhau, rồi râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Lại dặn: “Nếu viết chung hay sửa chữa, hay biên tập thì phải thống nhất với nhau rõ ràng, kẻo sau này rắc rối ra”. Nhưng ông này bỏ ngoài tai những lời tôi nói, cho đến khi ra đời một sản phẩm gây tranh cãi về tác quyền.

Qua những câu chuyện mà mình đã từng chứng kiến tôi chợt nhận ra ở Việt Nam, mọi thứ đều tù mù mà chính các tác giả cũng tạo ra những lớp sương mù ấy. Tôi rất ghét những người ăn cắp. Nhưng cũng thật khó cảm thông với những người cha tinh thần mà đến việc đăng ký giấy khai sinh cho đứa con tinh thần của mình mà họ cũng không quan tâm gì.

Tôi còn nhớ khi còn ở Hà Nội, tôi cùng nhạc sĩ Xuân Thủy, nhạc sĩ Phó Đức Phương thường nói chuyện với nhau bên hồ Ngọc Khánh về việc nên hay không nên thành lập một trung tâm bảo vệ tác quyền. Chính bản thân tôi khi đó cũng cho rằng các tác giả nên tự bảo vệ đứa con tinh thần của họ hơn là nhờ cậy ai. Nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương, bằng sự trải nghiệm của chính mình, nói rằng ở Việt Nam vấn đề bảo vệ tác quyền không được chính các tác giả quan tâm đúng mức. Các tác giả sinh ra để sáng tác chứ không phải để đi tranh cãi về tác quyền, do đó việc thành lập trung tâm tác quyền sẽ giúp đỡ các nhạc sĩ được rất nhiều.

Một thập kỷ trôi qua, vấn đề tác quyền trong âm nhạc đã được giải quyết khá tốt. Nhưng cũng trong thời gian đó, các lĩnh vực khác vấn đề tác quyền vẫn còn rất xa vời. Chẳng hạn những phố tranh chép, chuyên sao chép tác phẩm người khác để bán lấy tiền vẫn hiện diện khắp nơi, như những cái chợ chuyên bán đồ ăn cắp, không chỉ ăn cắp ý tưởng mà ăn cắp từng chi tiết.

Một vài người nói rằng Việt Nam có ít sự sáng tạo trong đời sống nói chung đặc biệt trong sáng tác, bởi số lượng đăng ký tác quyền mỗi ngày, mỗi năm ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước phát triển. Nhận xét ấy có lẽ không đúng lắm. Bởi có hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn tác phẩm đã được các tác giả viết ra, nhưng vì những lý do này nọ mà chúng không hoặc chưa được đăng ký tác quyền mà thôi.

Nhà thơ M nói với tôi sở dĩ anh ta không đăng ký tác quyền là vì “tôi làm gì có nhiều tiền”, và than rằng phí đăng ký hiện hơi cao nếu đăng ký nhiều tác phẩm. Nhưng anh H, một nhạc sĩ nghèo lại sẵn sàng bỏ tiền ra để đăng ký tất cả những gì anh viết ra. Theo anh, đó là một thói quen, thậm chí điều đó như một sự thôi thúc, một sự ghi nhận những sáng tạo của mình. Mỗi lần đăng ký tác quyền xong, anh đều gọi điện cho tôi, mời một chầu cà phê bình dân. Anh chưa giới thiệu tác phẩm ra công chúng, nên anh không sợ bị ăn cắp bản quyền, đơn giản là vì anh yêu tác phẩm của mình và anh muốn chúng có những cái tên, chúng có được những tờ giấy khai sinh của nó. Đó có lẽ là một thói quen văn minh của người sáng tác.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/van-minh-tac-quyen-919679.tpo

Theo Nguyên Anh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm