Tám năm sau công trình Ngàn năm áo mũ, mới đây, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức ra mắt Chuyện trà - lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt. Tác giả chia sẻ về cuốn sách và văn hóa trà.
Tác giả Trần Quang Đức. Ảnh: Y Nguyên. |
Đời sống văn hóa, tinh thần qua góc nhìn từ trà
- Từ nghiên cứu trang phục ở “Ngàn năm áo mũ” sang đồ ăn thức uống của “Chuyện trà”, điều gì khiến ông chuyển hướng đề tài?
- Ngàn năm áo mũ được xuất bản năm 2013. Trước đó, những tranh luận về trang phục, cổ phục Việt Nam là duyên khởi để tôi viết về áo mũ. Sách về ăn mặc, trang phục, nhưng đằng sau là câu chuyện văn hóa, tinh thần. Trà cũng vậy.
Trà là thức uống, nhưng cũng là thú vui tinh thần. Ngoài uống chè tươi, thưởng trà là thú chơi của văn nhân, trí thức lâu đời. Từ lịch sử của trà, ta thấy những câu chuyện đời sống tinh thần của cha ông. Trong đời sống đương đại, trà vẫn còn là thú chơi, vẫn có sức sống với người Việt, Á Đông và nhiều nơi trên thế giới.
- Khi đặt tên sách là “Chuyện trà - lịch sử thức uống lâu đời của người Việt”, ông đánh giá như thế nào về lịch sử của trà, sự giao lưu văn hóa trà?
- Trong lịch sử thưởng trà, người Việt thế kỷ 12, 13, nhất là trong cung đình, cũng dùng chổi đánh matcha như người Nhật. Đến thế kỷ 15, người Việt dùng ấm chén thưởng trà, khuất lấp dần cách dùng chổi đánh matcha; còn người Nhật bảo lưu tới ngày nay.
Tương tự, người Việt uống chè tươi rất nhiều, ta nghĩ đó là đặc sắc của Việt Nam. Trên thực tế ở Trung Quốc, Nhật Bản xa xưa cũng uống chè tươi, nhưng lối uống ấy được chúng ta bảo lưu.
Khi đưa tất cả lên một bình diện, ta thấy ở mỗi thời điểm lịch sử, từng nơi lại sử dụng lối uống khác nhau. Không phải chỉ người Việt mới uống chè tươi, người Trung Quốc uống trà ấm, Nhật Bản uống matcha…
Ở chương cuối, tôi có viết “Chuyện trà không chỉ là chuyện trà”, ở đó ta thấy mình không phải cá thể đơn độc, tất cả nằm trong mạng lưới có sự ảnh hưởng tương hỗ qua lại lẫn nhau. Không có gì là thuần túy. Đó cũng chính là tinh thần của tôi khi viết Chuyện trà.
Nói vậy không có nghĩa chúng ta không có điểm riêng. Nằm trong tổng thể vừa tương đồng, vừa khác biệt, văn hóa trà Việt vẫn có nét đặc sắc riêng.
- Vậy văn hóa trà Việt có điểm gì đặc sắc?
- Văn hóa trà nào cũng có nét đặc sắc riêng. Văn hóa trà Việt phân làm hai: Trà bình dân và trà của giới trí thức, quý tộc xưa. Ở dân gian, đa số uống chè tươi, chè xanh; một thức uống có từ ít nhất 2.000 năm trước (về mặt sử liệu) kéo dài tới ngày hôm nay. Đó là nét đặc sắc lưu truyền qua nhiều đời.
Trong dân gian, khẩu vị của người Việt đại chúng thích uống trà đậm đặc. Điều đó ảnh hưởng đến khẩu vị hiện nay, không chỉ trà, uống cà phê chúng ta cũng thích cà phê đậm đặc.
Lối trà của người Trung Quốc kiểu cách, nhiều quy trình hơn, từ trà cụ, nước… Người Nhật chú trọng đến hình thức, thao tác mang tính trình diễn.
Ngoài ra, ta thấy tinh thần của văn nhân, trí thức Việt xưa khi uống trà, từ thời Trần, Lê, Nguyễn... cha ông ta cũng thưởng thức theo lối “thiền trà một vị”; toàn tâm toàn ý vào pha, rót, thưởng thức khi pha trà. Khi thưởng thức một chén trà, ta đặt toàn bộ cảm xúc vào đó, những giác quan được huy động toàn vẹn, chắc chắn sẽ được thưởng thức một chén trà ngon.
Ngày nay, trà đá là thức uống dân gian phổ biến. Đó là văn hóa đặc sắc, quán cóc có ở khắp nơi, trà nước luôn sẵn.
Sách Chuyện trà - lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt. Ảnh: Y Nguyên. |
Chuyển tải khoa học bằng văn phong mềm mại
- Qua quá trình nghiên cứu, anh thấy trà có vai trò như thế nào trong đời sống người Việt xưa và nay?
- Với người Việt, không có thức uống gì gần gũi như trà. Trà gắn liền cuộc sống người Việt, dùng làm thuốc, thậm chí một bộ phận cơ thể ta cũng mang tên trà: Xương bánh chè (vì trà ngày xưa làm thành bánh).
Trà có ở khắp nơi, từ dinh thị công quyền tới chốn quán cóc, vỉa hè; từ bình dân đại chúng đến văn sĩ, quý tộc, lúc nào cũng gắn với trà.
- Cách viết “Chuyện trà” có gì khác so với “Ngàn năm áo mũ”? Để tìm về cội nguồn trà Việt, cách thưởng thức trà, tác giả đã tìm hiểu qua những nguồn tư liệu nào?
- Đã là khoa học, cách nghiên cứu không có gì khác biệt. Vẫn là ba bề bốn bên tìm tư liệu, khảo chứng. Khác biệt là lớn nhất là cách nhìn nhận về sử liệu và ngôn ngữ viết sách.
10 năm trước, khi viết Ngàn năm áo mũ, tôi luôn đặt nặng vấn đề phân biệt rõ đúng và sai. Tôi câu nệ chuyện đúng hay sai quá mức. Do đó, tôi sử dụng từ “chúng tôi”, văn phong khoa học để mang tính khách quan. Giờ đây, khi nhìn nhận lại, sử liệu nào cũng có tính chủ quan, không có sử liệu nào khách quan thuần túy. Ta chỉ có thể tiệm cận tới khách quan tối đa thôi.
Nhận thức vậy, khi viết sang Chuyện trà, danh xưng nhất loạt trong sách là “tôi”, trải nghiệm bên trong ấy là trải nghiệm của “tôi”. Tất nhiên, nhìn nhận ấy vẫn được xây dựng trên nền tảng đối chiếu, so sánh sử liệu. Vẫn là thao tác khoa học, nhưng nhận thức, trình bày vấn đề trong Chuyện trà mang tính cá nhân nhiều hơn.
Do đó, văn phong của Chuyện trà có tính tỉ tê tâm tình. Ngàn năm áo mũ nặng về khảo cứu và văn phong khoa học. Tôi hy vọng chuyển tải được cái lõi khoa học của Chuyện trà bằng văn phong mềm mại hơn.