Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Văn hóa '996' chết người tại các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Ngày 13/1, một nhân viên giao hàng 45 tuổi đã tự thiêu để phản đối hành vi không trả lương và môi trường làm việc khắc nghiệt của công ty thương mại điện tử tại Trung Quốc.

van hoa 996 tai cac cong ty cong nghe trung quoc anh 1

Zhou Wu xắn tay áo lên, để lộ một vết sẹo trên cánh tay phải. Anh Wu bị vết sẹo này từ một vụ tai nạn khi anh văng khỏi chiếc xe tay ga để tránh một chiếc xe ba bánh lao thẳng vào mình. Tuy vậy, điều đầu tiên Wu làm sau khi cơn hốt hoảng qua đi không phải là kiểm tra xem mình có bị thương hay không, mà là xem "thức ăn trong hộp có trào ra ngoài hay không", anh kể.

"Tôi không dám nói với công ty, vì họ sẽ không trả tiền thuốc men cho mình. Thậm chí tôi còn có thể bị phạt", anh kể với China Daily.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, tài sản của các ông chủ sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc như tỷ phú Jack Ma - người sáng lập Alibaba hay tỷ phú Colin Huang - người sáng lập Pinduoduo phình to nhanh chóng bởi nhu cầu chi tiêu trực tuyến của người dùng tăng bùng nổ.

Tuy nhiên, những nhân viên trong ngành giao nhận thương mại điện tử, người phục vụ nhu cầu hàng triệu khách hàng và giúp các ông chủ ngày càng giàu sụ, lại sống chật vật với đồng lương ít ỏi và môi trường làm việc độc hại. Thậm chí, mới đây, một nhân viên tại Trung Quốc đã tự thiêu để phản đối chính sách khắt nghiệt của các gã khổng lồ công nghệ.

Theo AP, ngành công nghiệp thương mại điện tử tại Trung Quốc từ lâu đã nổi cộm bởi yêu cầu làm việc khắt khe và vắt kiệt sức nhân viên. Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và hàng triệu gia đình mắc kẹt trong nhà, nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao khiến các nhân viên giao thực phẩm phải di chuyển gần như suốt ngày trên những chiếc xe tay ga dưới cái lạnh buốt giá của mùa đông Trung Quốc.

Thực trạng làm thêm giờ, kiệt quệ, thậm chí tử vong

Với các nhân viên văn phòng trong ngành công nghệ, dù mức lương có thể nhỉnh hơn so với các ngành khác, đổi lại họ phải thường xuyên tăng ca. Họ thường chịu áp lực làm việc hơn 12 tiếng/ngày, thậm chí có thể hơn trong giai đoạn cao điểm.

Mới đây, cái chết của hai nhân viên làm việc tại nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đã dấy lên hồi chuông về chi phí nhân lực thiệt hại trong một nền kinh tế khắc nghiệt. Nữ nhân viên Pinduoduo làm việc bán mạng suốt từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày mỗi tuần đến mức kiệt sức. "Văn hóa 996" độc hại đã tồn tại trong các công ty công nghệ lớn từ lâu, khiến hàng trăm nghìn nhân viên bán mạng.

van hoa 996 tai cac cong ty cong nghe trung quoc anh 2

Nhân viên giao thức ăn ở Trung Quốc vẫn phải làm việc trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Ảnh: AP.

Tờ Tân Hoa xã đã kêu gọi giảm thời gian làm việc, đồng thời lên án hành vi ép buộc làm quá giờ gây tổn hại tới sức khỏe của nhân viên là hành động "bất hợp pháp".

Mới đây, một video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc càng dấy lên mối quan ngại về điều kiện làm việc tồi tệ của tài xế giao hàng. Trong video, một người được cho là nhân viên của công ty Ele.me, trực thuộc tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, đã tự thiêu để phản đối vì không được trả lương.

Ngày 13/1, ông Liu Jin, nhân viên giao hàng 45 tuổi ở thành phố Thái Châu, Trung Quốc đã tự thiêu để đòi tiền lương. Ông được chẩn đoán bỏng cấp độ III

Đoạn video nhanh chóng lan rộng khắp mạng xã hội Trung Quốc, kéo theo hàng nghìn chỉ trích. Nhân vật trong video được cho là ông Liu Jin, người giao hàng 45 tuổi đã đổ xăng và tự thiêu bên ngoài một trạm phân phối hàng hóa Ele.me ở thành phố Thái Châu. Người đàn ông hét lên ông ấy cần có tiền trong lúc ngọn lửa bốc cháy nghi ngút.

Những người có mặt tại hiện trường đã dập tắt ngọn lửa và đưa ông Liu đến bệnh viện. Ông được chẩn đoán bỏng cấp độ III và đang được điều trị sức khỏe. Cho đến nay, đại diện công ty Ele.me vẫn chưa phản hồi báo chí về sự kiện hay xác minh về khiếu nại của ông Liu.

Trước đó, một nhân viên giao hàng 43 tuổi khác của Ele.me cũng gục ngã và tử vong ngay trong lúc đang làm việc. Ngày 6/1, đại diện nền tảng giao hàng Ele.me tuyên bố không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa nhân viên này với nền tảng, tuy nhiên cho biết sẽ chu cấp 2.000 nhân dân tệ (309,5 USD) cho gia đình nạn nhân vì lòng thương cảm.

Tuy nhiên sau đó, công ty cho biết trong một tuyên bố sẽ trao 600.000 nhân dân tệ (92.700 USD) cho gia đình tài xế, đồng thời nâng mức bảo hiểm cho tài xế lên mức này. Trong tuyên bố của mình, Ele.me cho biết hãng "chưa làm đủ về trường hợp bảo hiểm tử vong do tai nạn, và cần quan tâm nhiều hơn nữa".

Mới đây nhất, một nhân viên họ Tan của Pinduoduo đã tự tử sau khi nghỉ phép về nhà. Sự kiện xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi nhân viên họ Zhang 22 tuổi của hãng này qua đời do làm việc quá sức ở Urumqi.

Đại diện Pinduoduo cho biết đang ra sức hỗ trợ và giúp đỡ gia đình của hai nhân viên kém may mắn. Pinduoduo là sàn thương mại điện tử lớn thứ ba tại Trung Quốc hiện nay. Sau hàng loạt sự kiện đau lòng, chính quyền thành phố Thượng Hải đã tra xét lại giờ làm việc, điều khoản hợp đồng và các điều kiện khác của công ty.

Văn hóa 996 độc hại

Các sự kiện thương tâm mau chóng dấy lên làn sóng chỉ trích và phản đối về sự thờ ơ, vô tình của các ông chủ đối với cánh nhân viên giao hàng phải liều mình làm việc hàng ngày. Những câu chuyện làm thêm giờ, kiệt sức, thậm chí tử vong nhan nhản mặt báo đã giáng một đòn mạnh mẽ vào hình ảnh của ngành công nghiệp Internet vốn được xem là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra nhiều việc làm mới.

Không chỉ Pinduoduo, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã chỉ trích nặng nề văn hóa làm thêm giờ. Giới bình luận chỉ ra đây là một vấn nạn của toàn ngành, khi hầu hết công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đều xuất hiện tình trạng nhân viên làm việc quá giờ.

van hoa 996 tai cac cong ty cong nghe trung quoc anh 3

Nhiều nhân viên của các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc lao mình vào cuộc đua tăng ca đến kiệt sức để kiếm thêm tiền. Ảnh: AP.

Cuộc tranh luận nảy lửa về "văn hóa làm việc 996" trong lĩnh vực công nghệ lần nữa đặt lên bàn cân. Trong đó, nhân viên thường phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối mỗi ngày, 6 ngày/tuần. Thậm chí, một số công ty đôi khi trả thêm tiền thưởng hậu hĩnh để lôi kéo nhân viên làm thêm giờ.

Tờ Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận lớn của Trung Quốc, đã lên án điều kiện và văn hóa làm việc độc hại này. "Chúng ta cần cố gắng trong việc theo đuổi ước mơ, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không thể bị phớt lờ hoặc vi phạm", trang báo khẳng định.

Theo dòng sự kiện, điều kiện làm việc của cánh tài xế giao hàng Trung Quốc cũng được kéo vào vòng phân tích. Cánh tài xế giao hàng (shipper) tại quốc gia 1,4 tỷ dân là những người chịu áp lực nặng nề để phục vụ đơn hàng cho khách, tuy nhiên chỉ kiếm được ít hơn 10 nhân dân tệ (tương đương 1,55 USD) mỗi lần giao hàng. Nếu giao hàng chậm, các tài xế có thể bị phạt từ 1 - 500 nhân dân tệ (0,15 - 77,30 USD) nếu bị khách hàng khiếu nại.

Bên cạnh đó, trong một nền kinh tế tạm bợ, khi các tài xế không được công nhận là nhân viên chính thức của công ty giao hàng, họ thường không được hưởng lợi ích của nhân viên toàn thời gian như bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm y tế. Tuy vậy, vì có rất nhiều người sẵn sàng làm việc trong điều kiện lao động kém như vậy để đổi lấy miếng cơm manh áo, người lao động khó có thể thương lượng mức lương và điều kiện tốt hơn.

Các gã khổng lồ công nghệ lách luật như thế nào?

Số liệu từ Liên đoàn Công đoàn Trung Quốc (ACFTU) cho thấy có khoảng 6,5 triệu người làm công việc giao hàng kể từ năm 2018. Tuy nhiên, nhóm bảo vệ quyền nhân viên China Labour Bulletin cho biết khó để giúp nhân viên giao hàng cải thiện điều kiện lao động khi đàm phán với công ty. Thay vào đó, nghiệp đoàn chỉ giúp đào tạo kỹ năng, hỗ trợ pháp lý và một số phúc lợi về y tế.

"Nhân viên không làm thêm giờ không thể tồn tại trong ngành công nghiệp công nghệ. Mọi người đều làm thêm giờ. Nếu không tăng ca, họ sẽ bị cắt hợp đồng"

Li Qiang, tổ chức giám sát quyền lao động China Labor Watch

Theo luật lao động Trung Quốc, công nhân và người lao động không được làm việc quá 8 giờ/ngày hoặc trung bình hơn 44 giờ/tuần. Thêm vào đó, tổng số giờ làm thêm của nhân viên không vượt quá 36 giờ/tháng và chỉ được làm việc sau khi tham khảo ý kiến, nguyện vọng của công đoàn và người lao động.

Tuy nhiên, mặc Luật lao động đã quy định rõ, nhân viên tại các công ty công nghệ lớn thường sa lầy vào văn hóa làm việc quá sức. Một số người cố gắng kiếm tiền thưởng nhiều hơn. Trong trường hợp cánh tài xế giao hàng là để trang trải đủ chi phí sinh hoạt. Một số khác khó từ chối làm thêm giờ khi đồng nghiệp xung quanh đều tự nguyện tăng ca.

van hoa 996 tai cac cong ty cong nghe trung quoc anh 4

Các mánh khóe trong điều khoản lao động giúp các công ty công nghệ miễn trách nhiệm khi có bất cứ bất trắc xảy ra với người lao động. Ảnh: AP.

Ông Li Qiang, nhà sáng lập China Labour Watch, một tổ chức giám sát quyền lao động, cho biết: "Nhân viên không làm thêm giờ không thể tồn tại trong ngành công nghiệp công nghệ, ngay cả các nhân viên văn phòng. Mọi người đều làm thêm giờ. Nếu không tăng ca, họ sẽ bị cắt hợp đồng ngay lập tức", ông Li nói.

Mặt khác, các công ty đã đặt người lao động vào tình thế bất lợi ngay từ khi bắt đầu. Các điều khoản bồi thường khôn ngoan trong hợp đồng lao động giúp công ty miễn chịu trách nhiệm về cái chết của nhân viên khi đang làm việc, ông Li nói.

Ông cho biết mặc dù các điều khoản như vậy nhiều khả năng vi phạm luật lao động Trung Quốc, nhưng nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật quốc gia đã khiến các công ty "lách luật" thành công, còn cái giá phải trả là mạng sống của các nhân viên làm việc đến kiệt quệ.

"Nếu ở phương Tây, khi một nhân viên qua đời vì làm việc quá giờ, chi phí pháp lý và kinh tế sẽ cao hơn, mặt khác các trường hợp như vậy cũng hạn chế hơn vì luật pháp can thiệp cứng rắn. Tuy nhiên ở Trung Quốc, không có điều luật cụ thể nào khi nói đến tăng ca, còn các công ty không cần chịu trách nhiệm trong trường hợp thương vong của nhân viên", ông Li giải thích.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm